Chợ Gò một tháng sáu phiên (5)

Cũng trên dòng kênh này, bà con các xã lân cận thuyền to thuyền nhỏ bằng nan bằng gỗ, chở thóc gạo, ngô khoai, lợn gà, có mặt từ sớm cập cảng xóm bến Kiều cuối chợ, để bán mua nông sản, vật nuôi, đỡ bao công sức gánh gồng đường xa tới đây. Chợ Gò địa thế đắc đạo, chắc rằng ít có chợ nơi nào sánh được. Chợ Gò đẹp đến nao lòng, được thiên nhiên ban tặng đất và người Thanh Cù xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Đi học lớp 5c sơ tán tại Chùa Gò, tôi bắt gặp trước vẻ đẹp của một dòng kênh xanh, nhìn rõ những con cá nhỏ bơi dưới làn nước trong xanh, soi bóng những hàng cây ăn quả: mít, bưởi, mận đào, cây bàng hai mùa thay sắc lá, dòng nước êm đềm chảy luồn lách dưới nhiều cầu đá phiến xanh len lỏi vào làng trên xóm dưới làng cổ Thanh Cù, bên mái nhà tranh khói lam chiều. Dòng nước uốn cong mềm mại theo con đường gạch cheo xếp nghiêng đỏ au của loại gạch thất* nung bằng rơm kỵ rêu bám, bên dòng nước xanh trong mát lành như một bức tranh đồng quê thanh bình, có tiếng nước reo róc rách, có ánh lửa bập bùng, có tiếng gà gáy sớm mai gọi ông mặt trời mọc.

Cũng trên dòng kênh này, bà con các xã lân cận thuyền to thuyền nhỏ bằng nan bằng gỗ, chở thóc gạo, ngô khoai, lợn gà, có mặt từ sớm cập cảng xóm bến Kiều cuối chợ, để bán mua nông sản, vật nuôi, đỡ bao công sức gánh gồng đường xa tới đây. Chợ Gò địa thế đắc đạo, chắc rằng ít có chợ nơi nào sánh được. Chợ Gò đẹp đến nao lòng, được thiên nhiên ban tặng đất và người Thanh Cù xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Đi chợ Gò mà không rẽ qua hàng nan thì thật tiếc, vì đây là thế mạnh của làng nghề mây tre đan vùng tả ngạn sông Hồng.

Với cơ man nào là hàng nan, chả cứ các bà các chị đi chợ mà có cả các lão nông tri điền cũng có mặt chợ GÒ để mua thừng, mua chão mắc ách trâu cày. Các lão lựa chọn chiếc cày chìa vôi cày đồng bãi, ăn tết xong ra giêng vào thời vụ trồng đay xanh, đay cách, trồng ngô, tra đỗ, trồng bạt ngàn bãi mía, liên kết hợp đồng với nhà máy đường bên Thường Tín Hà Tây đến mùa chặt mía, xà lan đỗ kín ven sông chở mía cao chất ngất để làm ra hạt đường tinh khiết mang thương hiệu đường cát trắng Vạn Điểm.

Bác thợ cày cũng không quên sắm sửa chiếc bừa răng thép, chiếc cày 51 để chuẩn bị vào vụ chiêm xuân cho kịp thời vụ...,

“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu ,

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa"

Bác dâu của tôi ngồi chợ Gò hàng nan, thâm niên tới 60 năm có tiếng đất chợ Gò này, bà bán đủ các loại hàng nan của làng nghề Lương Hội thúng mủng, nong nia, dần sàng rổ rá, sảo vớt bèo cho lợn, lá cót quây thóc, cót quây cối xay, hầu hết được hun khói bếp ngả màu cánh gián hăng hắc mùi đặc trưng mối mọt sợ cao chạy xa bay .

Tôi là trợ thủ đắc lực cho bà, chợ Gò phiên cuối năm vì được nghỉ học dịp tết, nhớ lắm... nhớ lắm, gánh hàng nan của Bác dâu tôi, bà bán thời đó có cả nón ba tầm, áo tơi chằm lá cọ, che nắng che mưa, che cả gió mùa đông Bắc tràn về, khi đồng cạn lúc đồng sâu, làm màu bãi bờ ven sông Hồng cuồn cuộn sóng vỗ bờ đá bỏ kè lấp lóa.

Còn đây chiếc giỏ ấm tích được đan thủ công mỹ nghệ từ sợi mây rừng vàng óng để hãm nước vối nước trà xanh giải nhiệt trưa hè, bên cạnh hàng chồng chiếc lồng bàn chiếc làn xách tay làm bằng mây tre đan, hàng chục cái rây bột trẻ em treo lủng lẳng, một xâu bị cói đủ các cỡ to nhỏ dùng xách tay hoặc quàng vai đeo tiện dụng.

Nhiều nhất là hàng nón, đủ loại nón mũ, nón Chuông nón Mão Cầu, nón lá non lá già đủ cả, rồi có cả mũ nan trẻ em xinh xinh theo độ tuổi, mũ lá già cho cánh mày râu.

Bà còn bán cả gầu dây, gầu sòng tát nước, quang mây, đòn càn, đòn gánh, dây thừng dây chão, rế nồi niêu xo ong chảo, to nhỏ đan bằng gốc tre già tất cả đều được hun khói.

Tôi được bà đặc trách giao cho bán mũ, bán nón cho bà nên cảm nhận,

Còn gì đẹp hơn các bà các chị đi chợ Gò mặc áo nâu non, đội nón làng Chuông quang dầu bóng chiếc quai nón màu tím Huế, trong tay chiếc làn mây duyên dáng mang cốt cách của người phụ nữ miền châu thổ Sông Hồng mỏng mày hay hạt.

Kế bên kia là dãy hàng nan của làng nghề Thất Viên ,Nội Viên, Huyện Tiên Lữ, nom nó nhẹ nhàng bồng bềnh cồng kềnh lắm, thôi thì đủ thứ từ te, nờ, giỏ, nơm, giậm bắt cá, bắt tôm, những chiếc đó tre nứa như hoa chuối kết lại thành đám khổng lồ bày bán sáng cả một góc chợ Gò. Câu hát đồng dao truyền miệng xa xưa vọng về...,

“Cơn mưa, cơn gió, vác đó đi đơm,

Chạy về ăn cơm, chạy ra mất đó“

Ngày Tết không thể thiếu.

“Thịt mỡ dưa hành bánh chưng xanh“ dãy hàng lá dong cuộn, bên cạnh xanh mướt là các ống giang chẻ lạt gói bánh, hôm nay bạt ngàn hai dẫy dài chợ Gò, nhìn đi nhìn lại toàn chị em cô bác quanh xóm nhà tôi thuộc tổ chợ giang, các bà các chị vừa bán lá dong, tay ngoăn ngoắt chẻ lạt đều tăm tắp chợt nhớ câu ca...,

“Lạt này gói bánh chưng xanh ,

Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng “

Từ hàng nan chạy sang hàng xay hàng xáo, gạo trắng nước trong, gạo nếp gạo tẻ, một ca vục đầy là đủ ký tư, bỏng ngô, bỏng nẻ thơm miệng thơm môi, làm thành từng nắm nhỏ trộn mật mía ngọt ngọt thơm thơm, món quà quê dân dã luôn có trong làn trong thúng của Mẹ mua về làm quà cho con, chúng đang tròn mắt ở nhà ngóng như ngóng Mẹ về chợ, để háo hức hít hà ngon ngon, tiếp sang là bánh đa miến dong, măng giang măng nứa, măng khô măng tươi, nấm hương mộc nhĩ, vừng lạc hạt kê, đậu đỗ xanh đỗ đen .

Kế bên là các hàng thịt gà, thịt vịt, thịt ngan ngỗng, thịt lợn đen Móng Cái, lựa cân ba chỉ làm nhân bánh chưng tra đỗ trồng hành làm nên bánh chưng vuông vức dâng cúng Tổ Tiên, theo sự tích Lang Liêu thời Vua Hùng dựng nước.

Ngon ngọt hàng mật mía của bãi giữa chợ Cời,hôm nay cũng vượt sông Hồng đò ngang đem sang, Mẹ mua về nấu chè kho đổ ra mâm ra mẹt, rắc lạc, rắc vừng rang, thơm bẩy gian nhà thơm ba gian bếp, mùi tò ho thảo quả, mùi tóp mỡ dính thịt nạc, ngon ngất ngây tha hồ ăn thỏa thích, chứ làm gì có bánh có kẹo như bây giờ.

Thích nhất là hàng rau củ quả, cứ gọi là ênh hềnh nhé, toàn thực phẩm sạch nhà trồng được, ăn chả hết đem ra chợ bán ,cứ là mua cả gánh vừa su hào, cà bát cải Đông Dư to như cái nơm về phơi heo héo nén trong chum trong vại, chấm tương ăn dần cả mùa hè nóng bức, kèm bát canh cua đồng nấu rau đay, mồng tơi, mướp chuôi liềm thì chỉ có mà tuyệt hảo, miễn chê vào đâu được .

Mẹ tôi thường đọc câu ca cho tôi nghe rằng...,

“Làm đất bên chị hàng hương ,

Còn hơn nằm giường bên chị hàng cá "

Thích thật vào quán chị hàng Hương, mùi trầm hương tỏa ra thơm ngan ngát đủ các loại, hương thẻ, hương sào, hương vòng, của làng nghề trầm hương Bảo Khê Kim Động, chỉ cách chợ Gò hơn cây số, đã có mặt từ sáng tinh mơ để nhà nhà không thể quên mua hương thơm, đèn cày, vàng mã, kính báo Tổ Tiên ngày tuần rằm, mồng một và ba ngày Tết cổ truyền, kèm đôi câu đối đỏ trang trí ban thờ ấm cúng tưởng nhớ Tiền Nhân, đi vòng ra dãy hàng hoa Mẹ chọn mua một cành đào phai, nụ và hoa đang he hé nở, mua bánh pháo dây, pháo tép phong bao giấy điều, nổ đêm giao thừa trừ tịch, tiễn năm cũ, đón năm mới Phúc -Lộc -Thọ -thịnh vượng _an khang, theo phong tục lễ nghi của người Việt nét đẹp truyền thống văn hóa

“ Uống nước ,nhớ nguồn “

Nhớ về Tiền nhân Tổ Tiên nguồn cội .

Tiếng lành đồn xa, chợ Gò lục tỉnh đâu đâu cũng về, sầm uất trên bến dưới thuyền, ai đã từng đi chợ Gò hẳn còn nhớ mãi, đến hẹn năm sau lại về họp mặt chợ Gò phiên cuối năm, để mà thương mà nhớ, mà cảm nhận hương vị tết quê nhà, người người đi chợ, nhà nhà đi chợ trong tiết lập Xuân hoa xoan tím bay bay trong làn mưa mờ ảo, phiên chợ Tết chợ Gò tổng Thanh Cù, Kim Động, Hưng Yên

Đến hẹn lại về !!!

______________________

*Gạch thất nung bằng rơm dày 7 cm còn gạch thường nung bằng than dày 10 cm, gạch cheo là lệ làng con gái đi lấy chồng ngoài làng thì nhà trai phải đóng góp gạch làm đường làng từ 500 viên đến 1000 viên tùy quy ước của làng ,

6/5/2021 (còn tiếp ) - PTL

Chuyện quê

Phạm Thị Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/cho-go-mot-thang-sau-phien-5-a21076.html