Chỗ dựa tin cậy cho đoàn viên và công nhân lao động

Những năm qua, việc chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động đã được Công đoàn ngành Công Thương và các công đoàn cơ sở trực thuộc tập trung thực hiện hiệu quả, nổi bật là triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chủ động giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn... góp phần ổn định mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Lộc, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương, cho biết: Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, hàng năm, Ban Thường vụ Công đoàn ngành đã xây dựng kế hoạch, triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo các công đoàn cơ sở (CĐCS) phối hợp với chuyên môn thực hiện Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 7/11/2018 (nay là Nghị định số 145/2020/NĐ-CP) và Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Hàng năm có 100% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ công chức viên chức, người lao động (NLĐ); có trên 80% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động. Xây dựng quy chế dân chủ, số CĐCS doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể đạt 85%; có trên 85% doanh nghiệp tổ chức hội nghị đối thoại với người sử dụng lao động.

Các tổ chức công đoàn đã tích cực phối hợp với chuyên môn tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ chính sách về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại doanh nghiệp; chủ động phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động hàng năm, gắn với “Tháng hành động về ATVSLĐ”. Cử an toàn vệ sinh viên các doanh nghiệp tham gia tập huấn công tác ATVSLĐ và PCCN. Chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS phối hợp với chuyên môn rà soát việc thực hiện công tác ATVSLĐ và PCCN, các nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn, kiện toàn bộ máy làm công tác bảo hộ lao động, kiện toàn mạng lưới an toàn vệ sinh viên, trồng thêm cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ làm cho cảnh quan nơi làm việc “xanh - sạch - đẹp”, thân thiện môi trường. Triển khai thực hiện hiệu quả Tháng hành động về ATVSLĐ. Một số CĐCS đã chủ động phối hợp với chuyên môn, người sử dụng lao động đảm bảo các chế độ bảo hộ lao động; các doanh nghiệp đã cấp phát đầy đủ trang phục bảo hộ lao động cho người lao động như khẩu trang, quần áo, giầy dép; tổ chức khám sức khỏe, hỗ trợ kinh phí khám sức khỏe cho người lao động.

Công nhân Công ty cổ phần Xi măng Mai Sơn trong ca sản xuất.

Công nhân Công ty cổ phần Xi măng Mai Sơn trong ca sản xuất.

Ông Hoàng Văn Đạo, Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Công ty cổ phần Xi măng Mai Sơn, cho biết: Công ty có 254 cán bộ công nhân viên lao động và đoàn viên công đoàn, trong đó có 89 lao động nữ; sinh hoạt tại 8 tổ công đoàn trực thuộc. Ban Chấp hành Công đoàn đề xuất Ban giám đốc quan tâm đầu tư hạ tầng thích ứng với điều kiện sản xuất công nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, như: Đầu tư bổ sung máy móc thiết bị giảm bụi, giảm tiếng ồn, cùng các hệ thống thiết bị bán tự động, giảm thiểu phải dùng sức người; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các phân xưởng sản xuất, ngoài việc xây dựng nội quy an toàn vệ sinh lao động...

Công đoàn ngành, các CĐCS luôn chú trọng, tập trung huy động các nguồn lực, hướng về đoàn viên, NLĐ. Thường xuyên tổ chức các hoạt động như: “Tết sum vầy”, “Tháng công nhân”, “Tháng hành động về ATVSLĐ”, “Tháng hành động vì trẻ em”, “Ngày gia đình Việt Nam”, hỗ trợ đoàn viên bị ảnh hưởng do Covid-19... Các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ nhân dịp “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân” do các cấp công đoàn trong ngành tổ chức đã tạo được sự lan tỏa trong xã hội. Từ các nguồn hỗ trợ của công đoàn cấp trên, sự đóng góp của đoàn viên, người lao động, từ năm 2017-2023, các cấp công đoàn trong ngành đã chăm lo cho gần 844 lượt đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tai nạn lao động, bệnh tật rủi ro với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 15 nhà Mái ấm công đoàn trị giá 445 triệu đồng; hỗ trợ thăm hỏi với tổng số tiền 999 triệu đồng; tặng quà “Tết sum vầy”, “Tháng công nhân” với tổng số tiền 468 triệu đồng; các chương trình phúc lợi đoàn viên với tổng số tiền 391 triệu đồng. Cùng với đó, công đoàn ngành và các CĐCS đã tích cực vận động, tuyên truyền đoàn viên, người lao động hưởng ứng, tham gia đóng các loại quỹ xã hội do công đoàn phát động. Trong 5 năm qua, đoàn viên, CNLĐ Công đoàn ngành đã tham gia đóng góp 2 tỷ 263 triệu đồng vào các loại quỹ xã hội, từ thiện do công đoàn phát động. Thông qua các hoạt động xã hội, từ thiện, công đoàn ngành đã thể hiện rõ vai trò của tổ chức đại diện chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động, kịp thời động viên đoàn viên, người lao động sớm ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất và công tác.

Thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH ngày 25/2/2016 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, đến nay, có 17/40 doanh nghiệp trong ngành tổ chức bữa ăn ca cho NLĐ với chất lượng khá tốt, trong đó có 11 doanh nghiệp có mức ăn từ 20.000 đồng - 35.000 đồng/người/bữa. Một số doanh nghiệp đã có cách làm hay, sáng tạo để nâng cao chất lượng bữa ăn cho người lao động, tiêu biểu như Công ty cổ phần xi măng Mai Sơn tổ chức tăng gia, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, trồng rau tại công ty; Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ đường sông tự nuôi cá lồng trên sông phục vụ bữa ăn cho người lao động...

Có thể thấy, trong nhiệm kỳ qua, những giải pháp, cách làm sáng tạo, cụ thể, thiết thực được Công đoàn ngành Công Thương triển khai thực hiện đã khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, công nhân lao động, góp phần thu hút đông đảo lực lượng công nhân lao động gia nhập tổ chức, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/cho-dua-tin-cay-cho-doan-vien-va-cong-nhan-lao-dong-XUiqQ2eVg.html