Chờ đợi lực lượng viết văn trẻ Hà Nội

Hội Nhà văn Hà Nội hiện có 614 hội viên, trong đó 78 người thuộc lực lượng viết văn trẻ (tuổi dưới 40), tỷ lệ trẻ/già là 1/8. Tỷ lệ này ở Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh là 1/5, cho nên người trong giới nói vui là nhà văn thành phố trẻ hơn nhà văn Thủ đô.

Trong tổng số 614 hội viên Hội Nhà văn Hà Nội thì lực lượng sáng tác thơ trội lên (344 người), văn có 198 người, lý luận phê bình: 48 người và dịch thuật: 24. Với văn trẻ Hà Nội, tương quan này có thay đổi theo chiều hướng cân đối hơn. Trong tổng số 78 cây viết trẻ thì văn có 40 tác giả, thơ: 40, lý luận phê bình: 15, dịch thuật: 5.

Thơ trẻ Hà Nội đang có chiều hướng tăng trưởng. Nhiều tên tuổi đã và đang định hình, được độc giả ghi nhận: Vi Thùy Linh, Nguyễn Quang Hưng, Bình Nguyên Trang, Lữ Thị Mai, Đoàn Văn Mật, Trần Hoàng Thiên Kim, Trần Vũ Long, Phạm Vân Anh, Bế Kim Loan, Đào Quốc Minh, Trần Nhật Minh, Đỗ Anh Vũ, Hà Huy Hiệp,... Thơ trẻ có thể đi theo hướng hiện đại (kể cả hậu hiện đại) như các tập thơ làm nóng văn đàn một dạo như "Khát", "Linh", "Đồng tử" của Vi Thùy Linh; cũng có thể bảo tồn, bồi đắp và phát huy truyền thống như Nguyễn Quang Hưng với "Chia ngũ cốc" làm bật lên hồn vía dân tộc. Thơ trẻ có thể viết ngắn phù hợp với nhịp điệu thời đại như Lữ Thị Mai, Trần Hoàng Thiên Kim,... cũng có thể trường sức với trường ca như Phạm Vân Anh. Thơ trẻ có thể mang đặc trưng dân tộc như Bế Kim Loan, nhưng cũng có thể "lạ" và "thần tốc" như Đào Quốc Minh (tập "Những người vũ công Memphis", dày gần 600 trang, đoạt Giải thưởng tác giả trẻ Hội Nhà văn Hà Nội 2015. Nhưng nhìn chung, thơ trẻ còn chưa đủ khả năng "đồng vọng xã hội" rộng lớn. Vì sao? Vì có thể, nói theo cách của nhà thơ Hữu Thỉnh, các nhà văn trẻ mới chỉ giỏi ‘thêu thùa" bản thân hơn là chăm "vá may" cho người đời (!?).

Văn trẻ gây ấn tượng về sự khỏe khoắn, xông xáo với Dili, Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Trương Quý, Uông Triều, Nguyễn Xuân Thủy, Phạm Thanh Thúy, Đỗ Nhật Phi, Cao Nguyệt Nguyên, Trần Thị Ngọc Lan, Linh Lê,… Nếu Dili như một "cỗ máy gia tốc", bắt kịp thị trường và biết cách PR tác phẩm thì Nguyễn Quỳnh Trang cứ viết, cứ tự tin vào quy tắc "hữu xạ tự nhiên hương" với "bộ sưu tập" khiến nhiều người thế hệ 8X phải ghen tỵ (năm tiểu thuyết, hai tập truyện ngắn, một tập bút ký). Đỗ Nhật Phi còn rất trẻ, ham chơi game như học trò phổ thông, nhưng khi cầm bút thì khác hẳn. Anh tỏa sáng với "Người ngủ thuê" (truyện dài, Giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ năm - năm 2015). Nếu Nguyễn Trương Quý, Phạm Thanh Thúy cứ chầm chậm tới mình, đôi khi tỉa tót thì Uông Triều, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Văn Học viết như thể nếu ngưng bút là có thể… ốm. Trần Thị Ngọc Lan bị liệt một tay từ nhỏ, nhưng nhờ văn học mà chiến thắng số phận. Tốt nghiệp Khoa Viết văn - Báo chí (Trường đại học Văn hóa Hà Nội), đầu quân về NXB Văn học, đến nay chị đã sở hữu bốn tiểu thuyết, ba tập truyện ngắn và bốn tập thơ. Người ta gọi chị là "người ca hát nỗi buồn". Văn trẻ đã góp vào diện mạo văn xuôi hôm nay một mảng màu khá đặc sắc với những góc nhìn táo bạo, nhiều thử nghiệm nghệ thuật dẫu đôi khi chưa tới, nhưng rất đáng khuyến khích.

Chúng tôi đặc biệt kỳ vọng vào lý luận phê bình trẻ với tên tuổi và đóng góp của Đoàn Ánh Dương, Ngô Hương Giang, Trần Thiện Khanh, Hoàng Đăng Khoa, Đỗ Hải Ninh, Nguyễn Thanh Tâm, Lê Hương Thủy, Mai Anh Tuấn,… Vừa làm thơ vừa viết phê bình rất có duyên là Hoàng Đăng Khoa. "Phiêu lưu chữ" (Tiểu luận - Phê bình, 2017) của anh vừa ra mắt đã chiếm được cảm tình của bạn đọc. Ngô Hương Giang say đắm cả văn học và triết học. Nguyễn Thanh Tâm như một chiếc xe tăng hạng nặng thẳng tiến, băng qua mọi chướng ngại vật. Sau chuyên luận về Thơ mới 1932 - 1945 được tiếp cận bằng phương pháp loại hình và cuốn sách in chung với Ngô Hương Giang về thơ Mai Văn Phấn, anh đang chuẩn bị ra mắt một tập tiểu luận - phê bình trong năm 2017. Mai Anh Tuấn chưa có sách in riêng nhưng những bài của anh in trên các tạp chí uy tín như Văn nghệ quân đội, Tia Sáng, Nghiên cứu văn học…, báo hiệu sẽ có một bùng nổ bất ngờ. Trần Thiện Khanh là người chủ trương trang website "Phê bình văn học" có uy tín,... Lý luận - phê bình trẻ đang có tiềm năng với ưu thế của tuổi trẻ, với tinh thần tiên phong, với khả năng cập nhật lý thuyết hiện đại.

Đứng cạnh ba lực lượng trên có thể thấy dịch thuật trẻ tỏ ra " khiêm tốn" hơn. Tất nhiên. Bởi dịch thuật không chỉ cần giỏi ngoại ngữ mà còn cần một vốn tiếng Việt giàu có, một trải nghiệm văn hóa đủ độ cần thiết. Với yêu cầu cao như thế, con đường tới thành công của dịch thuật trẻ rõ ràng là còn dài lâu, xa ngái.

Nhưng văn trẻ nói chung, văn trẻ Hà Nội nói riêng, từ đòi hỏi cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững của văn học trong tính toàn cục và chiến lược của nó. Lối ra nào cho văn trẻ Hà Nội? Người ta vẫn nói đến vấn đề "thế hệ" trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, những cú "huých" của cơ chế, chính sách đối với văn nghệ sĩ và chuyện tiền. Nhưng cuối cùng thì sự nỗ lực và tài năng mới là quyết định hàng đầu. Muốn bứt phá ngoạn mục, văn trẻ Hà Nội ngoài sự hỗ trợ khách quan, chủ yếu vẫn chờ đợi một cuộc cách mạng từ bên trong mỗi người viết. Một nhà văn chân chính phải có căn cốt văn hóa. Văn hóa là hành trang của văn trẻ trên con đường thiên lý của văn học; đồng thời vẫn không thể xa rời một phương châm có tính nguyên tắc "sống đã rồi hãy viết". Trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa như đôi cánh lớn diệu kỳ nâng tầm vóc của người viết trẻ lên cao hơn, để bay xa hơn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/33676602-cho-doi-luc-luong-viet-van-tre-ha-noi.html