Cho con uống thuốc hạ sốt khi chưa cần thiết có thể gây hại cho trẻ

Trán nóng thường là một trong những dấu hiệu rõ ràng đầu tiên của một đứa trẻ bị sốt. Nhiều bà mẹ đã vội cho con dùng thuốc hạ sốt khi chưa cần thiết. Điều này có thể gây hại cho trẻ.

Đối với nhiều trẻ em, đi học hoặc đi nhà trẻ, đồng nghĩa với việc thường xuyên tiếp xúc với virus lưu hành mỗi mùa. Trán nóng thường là một trong những dấu hiệu rõ ràng đầu tiên của một đứa trẻ bị sốt. Nhưng một số cha mẹ có thể không đo lường (cặp nhiệt độ) hoặc không phản ứng đúng cách với nhiệt độ tăng cao ở trẻ em.

Một cuộc thăm dò mới từ trường Đại học y Michigan (Mỹ) cho thấy, khoảng 1/3 cha mẹ tìm đến thuốc hạ sốt quá nhanh, khiến cho việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ là không cần thiết, dễ gặp tác dụng phụ của thuốc…

1. Dùng thuốc hạ sốt khi chưa cần thiết có thể gây hại cho trẻ

Mặc dù hầu hết các bậc cha mẹ đều nhận ra rằng, sốt nhẹ giúp cơ thể trẻ chống lại nhiễm trùng, nhưng cứ ba người thì có một người sẽ cho con uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ tăng dưới 38 độ C (điều này không được khuyến nghị), ½ số cha mẹ dùng thuốc nếu sốt từ 38 độ C đến 38,9 độ C, và ¼ cha mẹ sẽ cho trẻ uống thêm liều, để ngăn cơn sốt quay trở lại, theo Cuộc thăm dò Quốc gia về sức khỏe trẻ em của Bệnh viện Nhi đồng CS Mott, Trường đại học y Michigan mới đây.

TS. nhi khoa Susan Jennifer Woolford, đồng giám đốc của cuộc thăm dò quốc gia này cho biết: Các bậc cha mẹ thường lo lắng về việc con mình bị sốt và muốn làm mọi cách để hạ nhiệt độ cho con. Tuy nhiên, họ có thể không nhận thức được rằng, lý do chính để điều trị sốt, chỉ là để giữ cho con họ thoải mái. Một số cha mẹ có thể vội vàng cho con uống thuốc ngay lập tức, nhưng tốt hơn hết là cứ để cơn sốt diễn ra.

Hạ nhiệt độ của trẻ thường không giúp chữa khỏi bệnh nhanh hơn mà còn có nguy cơ gặp tác dụng phụ khi trẻ uống quá nhiều thuốc khi không cần thiết. Trên thực tế, sốt nhẹ giúp chống lại nhiễm trùng.

Khoảng 1/3 cha mẹ cho con uống thuốc hạ sốt một cách không cần thiết, một điều tra của Trường đại học y Michigan (Mỹ) mới đây cho thấy.

Khoảng 1/3 cha mẹ cho con uống thuốc hạ sốt một cách không cần thiết, một điều tra của Trường đại học y Michigan (Mỹ) mới đây cho thấy.

TS. Woolford lưu ý rằng, phương pháp đo nhiệt độ của trẻ cũng rất quan trọng và có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của phép đo. Các bậc cha mẹ được thăm dò, ý kiến phổ biến nhất đo nhiệt độ của con mình ở trán hoặc miệng, trong khi ít hơn 1/6 sử dụng các phương pháp đo tại tai, nách hoặc trực tràng.

Nhiệt kế từ xa sử dụng máy quét hồng ngoại để đo nhiệt độ ở trán hoặc bên trong ống tai có thể chính xác nếu được sử dụng đúng cách, nhưng kết quả đo trán có thể không chính xác nếu đặt nhiệt kế quá xa hoặc nếu trán của trẻ đổ mồ hôi. Với nhiệt kế đo tai, không được khuyến nghị cho trẻ sơ sinh, vì ráy tai cũng có thể cản trở việc đọc nhiệt độ.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đo nhiệt độ trực tràng là chính xác nhất. Khi trẻ có thể ngậm nhiệt kế trong miệng, nhiệt độ ở miệng cũng chính xác, trong khi nhiệt độ ở nách là phương pháp kém chính xác nhất.

TS. Woolford cho biết: Nhiệt kế tiếp xúc sử dụng cảm biến nhiệt điện tử để ghi lại nhiệt độ cơ thể, nhưng nhiệt độ có thể dao động tùy thuộc vào cách đo. Bất kể thiết bị được sử dụng là gì, điều quan trọng cha mẹ phải xem hướng dẫn, để đảm bảo phương pháp đo phù hợp với lứa tuổi của trẻ và thiết bị được đặt đúng cách khi đo nhiệt độ.

2. Một số lưu ý về sốt và dùng thuốc hạ sốt

2.1 Sốt có thể giúp chống nhiễm trùng

TS. Woolford cho biết, sốt có thể có lợi và có một số lý do khiến sốt nhẹ diễn ra ở trẻ lớn hơn, chủ yếu là vì nó hoạt động như một vũ khí để tiêu diệt virus hoặc vi khuẩn gây bệnh.

Bằng chứng cho thấy rằng, sốt là một phần của phản ứng miễn dịch, nhằm ngăn chặn virus và vi khuẩn nhân lên, đồng thời tạo ra nhiều tế bào bạch cầu và kháng thể hơn.

2.2 Thuốc hạ sốt có thể che lấp triệu chứng

Các loại thuốc được sử dụng để hạ nhiệt độ cũng có tác dụng điều trị cơn đau, nhưng cơn đau thường là dấu hiệu giúp xác định nguồn gốc của nhiễm trùng. Bằng cách che đậy cơn đau, thuốc hạ sốt có thể trì hoãn việc chẩn đoán và điều trị nếu cần.

Khi dùng thuốc hạ sốt, trẻ cảm thấy tốt hơn, nhiều cha mẹ đã cho con ra ngoài nơi công cộng để chơi, trong khi thực tế chúng vẫn rất dễ lây lan và có thể lây nhiễm cho người khác.

Thuốc hạ sốt có thể làm che lấp triệu chứng ở trẻ…

Thuốc hạ sốt có thể làm che lấp triệu chứng ở trẻ…

2.3 Nếu dùng thuốc hạ sốt, hãy cẩn thận đừng lạm dụng

Khi cha mẹ quyết định cho trẻ uống thuốc hạ sốt, sẽ rất hữu ích nếu bạn ghi lại các chỉ số nhiệt độ và thời điểm cho trẻ uống thuốc. Điều này sẽ cung cấp một hồ sơ chính xác trong trường hợp cơn sốt của đứa trẻ tiếp tục trong một thời gian dài.

Đặc biệt, cha mẹ của trẻ nhỏ cũng nên tránh sử dụng kết hợp thuốc cảm lạnh cùng với thuốc hạ sốt do nguy cơ quá liều. Tất cả các loại thuốc đều có thể có tác dụng phụ và chúng tôi thực sự không muốn trẻ em uống quá nhiều thuốc khi không cần thiết, TS. Woolford nhấn mạnh.

Khi liên lạc với bác sĩ để giúp xác định các khuyến nghị tốt nhất về điều trị, cha mẹ nên chia sẻ về: Thời gian trẻ bị sốt, liều lượng thuốc hạ sốt đã dùng, các triệu chứng khác và cách trẻ hành động so với hành vi ‘bình thường’ của trẻ.

2.4 Thử các biện pháp thay thế để giảm bớt sự khó chịu của trẻ

Cha mẹ có thể xem xét các biện pháp can thiệp khác để giảm bớt sự khó chịu và giúp trẻ ngủ ngon hơn thay vì dùng thuốc.

Những cách tiếp cận như vậy có thể bao gồm giữ cho phòng của trẻ mát mẻ và không để trẻ hoạt động quá sức, cũng như đảm bảo trẻ mặc quần áo nhẹ và khuyến khích bổ sung đủ nước cho trẻ bằng chất lỏng…

2.5 Nhận biết các dấu hiệu để gọi bác sĩ hoặc đi khám

- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ từ ba tháng tuổi trở xuống, bất kỳ dấu hiệu sốt nào cũng nên gọi ngay bác sĩ hoặc đi khám.

- Đối với trẻ 4-12 tháng, cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu sốt kèm theo các dấu hiệu như giảm hoạt động, quấy khóc nhiều, lượng nước tiểu giảm, có dấu hiệu đau hoặc nếu kém hoạt động ngay cả khi nhiệt độ hạ xuống…

- Sốt cao tới 40 độ C hoặc sốt kéo dài (hơn 24 giờ đối với trẻ dưới hai tuổi hoặc hơn ba ngày đối với trẻ từ hai tuổi trở lên), nên nhanh chóng liên hệ với bác sĩ hoặc đi khám ngay lập tức.

Mời độc giả xem thêm video:

DS Hoàng Thu Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cho-con-uong-thuoc-ha-sot-khi-chua-can-thiet-co-the-gay-hai-cho-tre-169230221123108023.htm