“Cho Chính phủ vay là an toàn nhất”

Xung quanh vấn đề quỹ bảo hiểm xã hội và nỗi lo vỡ quỹ này, sáng 25/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định rằng, cho Chính phủ vay là an toàn nhất và Chính phủ đảm bảo quỹ không bị thất thoát...

60 tỷ xây khu tái định cư: chỉ 6 hộ vào ở

Sáng 25/5, đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011. Nhiều đại biểu cho biết đặc biệt quan tâm đến việc thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Theo đại biểu Võ Thị Dung (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong việc quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước mà thực chất đây là tiền của, công sức của nhân dân chưa thật hiệu quả, chưa nghiêm minh.

Lấy ví dụ về việc thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn ở mức độ ngày càng tăng cao, đại biểu thành phố Hồ Chí Minh nói: “chỉ 2 công trình tái định cư cho thủy điện Sơn La đã chi 60 tỷ đồng, nhưng do chất lượng khảo sát cho nên đến giờ này chỉ có 6 hộ dân vào ở. Tôi cho rằng đầu tư như thế thì quá lãng phí, cần phải được Quốc hội xem xét”.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Dung

Đại biểu Dung cũng nhấn mạnh việc năm 2011 là năm Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 để đảm bảo kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và cũng đã quy định rất chặt chẽ trong việc mua sắm công, nhưng báo cáo cho thấy vẫn còn nhiều đơn vị vi phạm vấn đề này.

“Tôi cho rằng với những tồn tại như đầu tư dàn trải, vi phạm trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, cần phải được Quốc hội xem xét kỹ. Đặc biệt về phía Chính phủ cần phải có những địa chỉ cụ thể và xử lý nghiêm minh đối với những đơn vị, những cá nhân sử dụng không đúng nguồn tài chính của quốc gia” - đại biểu thành phố Hồ Chí Minh đề nghị.

Trong khi đó, đánh giá cao việc thu ngân sách nhà nước năm 2011 đã vượt lớn (đến 126.800 tỷ và vượt đến 21,3% so với dự toán) thể hiện sự lỗ lực chỉ đạo của các cấp chính quyền của các địa phương, nhưng đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) lo lắng về tình trạng nợ đọng thuế của các doanh nghiệp còn rất cao, chiếm đến 41.500 tỷ đồng.

“Đáng chú ý là trong bối cảnh năm 2011 kiềm chế lạm phát thì khó khăn đối với doanh nghiệp rất lớn nên nợ đọng thuế trong thu nội địa đã tăng lên đến 35%” - đại biểu tỉnh Lai Châu nói.

Đánh giá việc phân bổ sử dụng nguồn vượt thu ngân sách là tương đối hợp lý, nhưng đại biểu Bùi Đức Thụ đặt câu hỏi,về sự chưa thật hợp lý khi trong điều kiện thu ngân sách nhà nước vượt, thu xuất nhập khẩu vượt nhưng phần hoàn thuế giá trị gia tăng lại để nợ đến 14.500 tỷ. “Đến bây giờ, số nợ của quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng lên đến 33.500 tỷ là một điều tôi cho đó là không hợp lý” – đại biểu Bùi Đức Thụ thắc mắc.

7 “cái không” và 5 “tồn tại”

Phát biểu tập trung vào một vấn đề trong quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2011, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, công tác quyết toán ngân sách Nhà nước có thể cần phải đóng góp nhiều hơn vào công tác phòng, chống tiêu cực tham nhũng.

Từ việc nghiên cứu báo cáo quyết toán ngân sách của Chính phủ và đặc biệt là báo cáo Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng phân tích: “Trong báo cáo kiểm toán của Nhà nước có đánh giá những mặt được trong thu chi ngân sách Nhà nước năm 2011, nhưng cũng nêu rất nhiều cái không và điều đáng tiếc là trong những cái không này thì không có cái không nào là không tiêu cực, tham nhũng cả”.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng

Đại biểu tỉnh Thái Nguyên đã nêu lên “7 cái không”: Không đúng thời gian, tức là chậm; Không phân bổ hết vốn được giao ngay từ đầu năm; Không đủ thủ tục; Không đúng cơ cấu, chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Không đúng đối tượng, mục tiêu; Không sát thực tế nên dẫn đến không sử dụng được hoặc phải thay đổi, điều chỉnh nhiều lần và không thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh tại một số địa phương.

“7 cái không này chính là những miếng đất để có thể lách, để có thể lợi dụng, để sinh ra tiêu cực, tham nhũng. Cho nên tôi nghĩ chỉ ra được 7 cái không này thì cũng đã là một điều kiện để chúng ta có thể suy nghĩ cho việc sử dụng ngân sách trong năm 2013 và những năm tiếp theo để làm sao phòng, chống tiêu cực tham nhũng tốt hơn” – đại biểu tỉnh Thái Nguyên khẳng định.

“Tôi xin kiến nghị với Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu, xem xét để cùng với phiên thảo luận về phát triển kinh tế, xã hội thì thảo luận về ngân sách Nhà nước, trong đó đặc biệt là những phiên thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước nên có phát thanh truyền hình trực tiếp để người dân của chúng ta biết được, giám sát được việc sử dụng ngân sách của chúng ta như thế nào. Bởi vì ngân sách Nhà nước chủ yếu là thuế do người dân đóng góp cho nên người dân có quyền được giám sát, được biết” – đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nói.

Đồng quan điểm với đại biểu Hùng, góp ý với Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nêu lên 5 tồn tại đã kéo dài trong nhiều kỳ. Đó là bố trí đầu tư dàn trải; phân bổ vốn không đảm bảo cơ cấu được giao; bố trí vốn sai nguồn; bố trí vốn không đúng đối tượng; bố trí vốn ứng và trả nợ xây dựng cơ bản chưa nghiêm.

Cho Chính phủ vay là an toàn nhất

Là người đã nhiều lần đưa ra những quan ngại về vấn đề quỹ bảo hiểm xã hội, đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho biết, do cơ chế đóng hưởng không cân đối cho nên nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là nằm trong tương lai gần.

“Chúng tôi nghĩ Chính phủ cũng phải nghiên cứu cơ chế để sửa đổi pháp luật” – đại biểu tỉnh Thanh Hóa kiến nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh

Về vấn đề này, phát biểu tại Hội trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng đặt vấn đề: “Quỹ bảo hiểm xã hội cho ngân sách vay chính là cho Chính phủ vay thì có sai luật không? Như vậy có ảnh hưởng đến an toàn của quỹ bảo hiểm xã hội không?”.

Tuy nhiên, ngay sau khi đặt câu hỏi, Phó Thủ tướng đã khẳng định: “Trong Luật bảo hiểm xã hội có quy định là quỹ được bảo toàn và tăng trưởng, và quỹ được phép đầu tư để bảo toàn vốn”.

Phó Thủ tướng cũng phân tích: Theo hướng dẫn bằng Nghị định của Chính phủ thì có rất nhiều hình thức đầu tư, kể cả đầu tư vào công trình xây dựng, kể cả đầu tư bằng các hình thức nhưng để an toàn quỹ thì Chính phủ hiện nay chưa cho phép đầu tư vào các công trình xây dựng cơ bản, chưa cho phép đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm, mà có thể gây ra rủi ro.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện mới có hai hình thức đầu tư chủ yếu: một là gửi tại các Ngân hàng Thương mại, và trong các Ngân hàng này thì Chính phủ cũng quy định là gửi tại các Ngân hàng Thương mại có vốn chủ yếu là vốn Nhà nước để đảm bảo an toàn.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng, cho Chính phủ vay cũng là một hình thức đầu tư, thông qua mua trái phiếu Chính phủ hoặc là cho vay, lãi suất cũng không phải là thấp mà theo lãi suất thị trường và trái phiếu Chính phủ cũng phát hành trên thị trường”

“Tôi nghĩ cho Chính phủ vay là an toàn nhất, cho nên chúng tôi thấy rằng sẽ an toàn cho quỹ và đảm bảo cho quỹ không bị thất thoát. Trên thực tế Chính phủ cũng phải đi vay trên thị trường, việc đó cũng liên quan đến việc Quốc hội hỏi là ảnh hưởng đến nợ công như thế nào. Việc vay trong nước, vay ngoài nước là theo kế hoạch. Vay ngoài nước thì có ODA và có chương trình dự án theo mục tiêu. Vay trong nước thì chủ yếu là phát hành trái phiếu Chính phủ và đều thực hiện theo kế hoạch được Quốc hội quyết định và nằm trong giới hạn an toàn cho phép” – Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định.

Tuệ Khanh

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/xa-hoi/tin-tuc/23_1196880/cho_chinh_phu_vay_la_an_toan_nhat.html