Chính trường Cư-rơ-gư-xtan:Nguy cơ bất ổn

(HNM) - Nếu chỉ căn cứ vào số cử tri vỏn vẹn 2,7 triệu người của Cư-rơ-gư-xtan, có thể lầm tưởng cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 23-7 là một sự kiện chẳng mấy quan trọng trên "vũ đài" chính trị luôn sôi động của thế giới. Nhưng thực tế không phải vậy.

Nằm kề bên hai quốc gia ở cùng khu vực Trung Á có tiềm lực hơn nhiều là Ca-dắc-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan, Cư-rơ-gư-xtan không giàu dầu hỏa và khí đốt, nhưng lại đang trỗi dậy như một tâm điểm gây chú ý do chiếm một vị trí địa lý chiến lược quan trọng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng quyết liệt giữa Mỹ và Nga trong thời gian qua. Bất kỳ một biến đổi chính trị nào ở quốc gia nhỏ bé này cũng có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới sách lược mà Oa-sinh-tơn và Mát-xcơ-va đang xây dựng tại đây. Chính vì vậy, những diễn biến sau cuộc bầu cử tổng thống tại Cư-rơ-gư-xtan không thể nằm ngoài tầm quan sát của cả Nga và Mỹ. Ngày 27-7, Ủy ban bầu cử và trưng cầu ý dân Cư-rơ-gư-xtan đã công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống, theo đó xác nhận đương kim Tổng thống Cua-man-bếch Ba-ki-ép đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai với 76,43% số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, ứng cử viên phe đối lập, An-ma-dơ-bếch A-tam-bai-ép ngay sau cuộc bầu cử đã tuyên bố với giới báo chí rằng, cuộc bầu cử này là không hợp lệ vì có quá nhiều gian lận và kêu gọi tiến hành các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử đã chắc chắn nghiêng về tổng thống đương nhiệm. Đây là dấu hiệu cho thấy sóng gió có thể lại nổi lên trên chính trường Cư-rơ-gư-xtan trong những ngày tới. 4 năm qua, sau cuộc "cách mạng hoa tuy-líp" và lên nắm quyền sau một cuộc bầu cử được phương Tây đánh giá là "dân chủ và công bằng nhất" trong số các quốc gia tách ra từ Liên Xô cũ, khác với 2 quốc gia đi trước trong các cuộc “cách mạng sắc màu” là Gru-di-a và U-crai-na, Tổng thống C.Ba-ki-ép lại không hoàn toàn theo đuổi chính sách "Tây tiến" mà lại khéo léo áp dụng chiến thuật cân bằng quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ và Nga. Điều này khiến cuộc chính biến mang tên hoa tuy-líp trở thành cuộc cách mạng nửa vời và làm cho cuộc cạnh tranh Nga - Mỹ ở đây kéo dài ngoài dự tính của Oa-sinh-tơn và các nước đồng minh. Quyết định cho phép cả Mỹ và Nga duy trì căn cứ quân sự tại Cư-rơ-gư-xtan vừa qua đã chứng tỏ Tổng thống C.Ba-ki-ép cũng là một "cao cờ", ràng buộc được quyền lợi của cả Nga và Mỹ vào lợi ích của Cư-rơ-gư-xtan. Ngoài các khoản hỗ trợ kinh tế, sự hiện diện của hai lực lượng quân sự lớn nhất thế giới, Cư-rơ-gư-xtan đang được che chở bởi hai chiếc "ô quân sự" cực kỳ an toàn. Và đó cũng chính là lợi thế của ông C.Ba-ki-ép trước các đối thủ. Nhưng có lẽ an ninh không phải là vấn đề duy nhất mà cử tri Cư-rơ-gư-xtan quan tâm vào thời điểm này. Trong khi đó, phe đối lập liên tục cáo buộc rằng, trong suốt 4 năm cầm quyền, Tổng thống C.Ba-ki-ép không thực hiện được hai lời hứa gây tiếng vang là chống tham nhũng và xây dựng xã hội dân chủ. Ngược lại, ông đã thiết lập chế độ độc tài tại Cư-rơ-gư-xtan. Còn công cuộc chống tham nhũng - vấn đề đau đầu nhất, lại chưa có bước tiến triển. Vì vậy, dù Tổng thống C.Ba-ki-ép có thể bảo vệ chiếc ghế của mình không mấy khó khăn, nhưng lực lượng đối lập Cư-rơ-gư-xtan cũng cho thấy họ đang mạnh lên. Phong trào đoàn kết nhân dân của họ sẽ không chỉ là đối thủ chính trị của ông C.Ba-ki-ép trên cương vị Tổng thống mà còn cả trên nghị trường Quốc hội. Vài năm trước đây "cách mạng sắc màu" như một hiệu ứng lan tỏa trong các nước thuộc Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) với hy vọng mang lại tương lai ngọt ngào giống như tên gọi của chúng: Cách mạng hoa hồng (Gru-di-a) "Cách mạng cam" (U-crai-na), "Cách mạng hoa Tuy-líp" (Cư-rơ-gư-xtan). Tuy nhiên, trong lúc tương lai sau hiệu ứng màu sắc còn mịt mờ thì người ta đã thấy xuất hiện một hiệu ứng ngược tại các nước "cách mạng sắc màu": "khủng hoảng chính trị". Nhìn chung, tình hình chính trường tại các nước đã diễn ra "cách mạng sắc màu" khá phức tạp, sự chia rẽ, tranh giành ghế trong chính phủ và trong quốc hội là phổ biến, đặc biệt trầm trọng như tại U-crai-na. Đây là yếu tố khiến tình hình kinh tế, xã hội ở những nước theo "cách mạng", chẳng những không được nâng lên như kỳ vọng, mà thậm chí, còn bị kéo lùi xuống những tầng nấc thấp hơn. Rõ ràng, "màu sắc" thì có, nhưng "cách mạng" thì không. Trên thực tế, đó chỉ là những cuộc bạo loạn chính trị nhằm mục đích duy nhất là thay đổi chính quyền vốn thân Nga bằng một chính quyền mới phục vụ cho lợi ích của Mỹ và phương Tây tại khu vực này. Lâm Phương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/44/214901/