Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả COVID-19 để phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã phường thị trấn.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng các sở, ban, ngành tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Tại Thừa Thiên Huế, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng tham dự.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cuộc họp nhằm đánh giá tình hình, diễn biến dịch bệnh trong 2 tuần qua, nhất là tuần vừa qua, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, những gì được và chưa được, chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát, từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho thời gian tới.

Một nội dung quan trọng khác của cuộc họp là tiếp tục cho ý kiến về dự thảo kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 để phát triển kinh tế - xã hội. Vừa qua, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế xây dựng dự thảo kế hoạch này với các chỉ tiêu, quy định, quy trình để đánh giá, thực hiện. “Cố gắng từ nay đến 30/9 sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát để khôi phục phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng cũng cho biết ngày 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên họp hết sức quan trọng, nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện thật tốt chính sách này để hỗ trợ kịp thời người lao động và người sử dụng lao động trên tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tại nước ta, 14 ngày qua ghi nhận 152.215 trường hợp mắc mới (87.214 ca cộng đồng); tuần qua ghi nhận 72.236 ca mắc, giảm 9,7% so với tuần trước đó.

Trong đợt dịch thứ 4, đến ngày 24/9/2021, cả nước đã ghi nhận khoảng 734.000 ca mắc, 503.000 người đã khỏi bệnh (chiếm tỷ lệ 69%); có 16/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới , 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát , có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc nào (Cao Bằng). Số tử vong trong tuần giảm 12,1% so với tuần trước đó; riêng TP. Hồ Chí Minh giảm 10,5%, Bình Dương giảm 12,6%, Đồng Nai giảm 15,4%, Long An giảm 15,8%.

Thừa Thiên Huế quan tâm giải quyết việc làm

Thừa Thiên Huế là địa phương nằm trong tốp đầu toàn quốc về triển khai cài đặt mã QR quốc gia với gần 100.000 người đã cài đặt

Tại Thừa Thiên Huế, tổng số ca bệnh từ 28/4 đến nay là 818 trường hợp; trong số này, 97 ca đang điều trị, có 718 ca được điều trị khỏi bệnh, 3 trường hợp tử vong.

Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, Thừa Thiên Huế đã nhận 277.208 liều vắc-xin phòng COVID-19, gồm các loại: AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Đến nay, đã có 73.810 tiêm 1 mũi và 55.874 người đã tiêm 2 mũi.

Nhìn chung, tình hình dịch bệnh tại Thừa Thiên Huế cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tỉnh kiến nghị Chính phủ phân bổ thêm vắc-xin, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế phòng chống dịch trong thời gian tới.

Nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động sớm tìm kiếm được việc làm mới, ổn định cuộc sống cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh tuyển dụng lao động có tay nghề, trong thời gian qua, Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chủ trương, kế hoạch cùng nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện triển khai các giải pháp hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở về địa phương do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Trong đó chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan tăng cường kết nối cung cầu lao động, kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động; thường xuyên thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đến với người lao động, tổ chức rà soát, nắm bắt trình độ, tay nghề của người lao động để thông báo, cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng; tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin thị trường lao động để lựa chọn việc làm phù hợp.

Đồng thời, tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, lưu động cho người lao động từ các tỉnh, thành khác về. Trước mắt tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 9.791 lao động có nhu cầu tìm việc làm vào làm việc tại 34 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 7.669 vị trí việc làm để ổn định cuộc sống…

Bên cạnh đó, Tỉnh cũng giao các sở, ngành, đơn vị có có liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động; có chính sách ưu tiên đối với người lao động từ các tỉnh, thành khác về địa phương do ảnh hưởng dịch COVID-19…

Theo thống kê của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay toàn tỉnh có 25.160 người trong độ tuổi lao động trở về địa phương chủ yếu lao động tập trung các ngành: dệt may chiếm tỷ lệ 37%; xây dựng chiếm tỷ lệ 14,1%; dịch vụ chiếm tỷ lệ 13%; nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ lệ 4,6%; vận tải kho bãi chiếm tỷ lệ 3,2%; ngành nghề khác chiếm tỷ lệ 28,1%. Trong đó có nhu cầu học nghề 1.431 lao động, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm 4.618 lao động, nhu cầu giới thiệu việc làm 9.791 lao động, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 342 lao động…

Dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 đối với một số khu vực ở TP. Huế

Lực lượng chức năng phường Hương Sơ dỡ bỏ giãn cách tại các khu vực trên địa bàn

Quyết định này vừa được UBND tỉnh ban hành sáng 25/9. Theo đó, dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ từ 06 giờ 00 phút ngày 25/9/2021 đối với các khu vực trên địa bàn TP. Huế, trong đó tại Phường Hương Sơ: Kiệt 2, Tổ dân phố 5 (gồm 19 hộ) từ nhà ông Lê Kim Phi đến nhà ông Lê Kim Thừa; dãy nhà H4, Tổ dân phố 12 (gồm 21 hộ, từ nhà bà Nguyễn Thị Tý đến nhà ông Lê Văn Trai) và dãy nhà H6, Tổ dân phố 12 (gồm 22 hộ, từ nhà ông Văn Chí Hòa đến nhà ông Nguyễn Thiết).

Phường Hương Vinh: cụm dân cư Xóm 2 (từ ngã 3 nhà ông Phạm Hậu đến: nhà ông Đỗ Quý, nhà ông Trương Lực, nhà ông Lê Văn Hùng) và Xóm 8 (từ nhà ông Bùi Quang Trung đến nhà ông Mạc Duy Hòa) thôn Triều Sơn Đông; xã Phú Mậu: cụm dân cư thuộc dãy nhà E, dãy nhà D (gồm 23 hộ) Khu tái định cư thôn Lại Tân; xã Hải Dương: xóm Vĩnh Thành và xóm Trong, thôn Vĩnh Trị (gồm 184 hộ).

Thanh Hương

Tin, ảnh: Thái Bình

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/thich-ung-an-toan-kiem-soat-hieu-qua-covid-19-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-a104888.html