Chính thức nghiêm cấm việc ép người mua ô tô trả góp mua bảo hiểm

Thời gian qua, việc người mua ô tô trả góp bị ép mua bảo hiểm tự nguyện đã trở nên khá phổ biến khiến không ít khách hàng bức xúc.

Lý do mà các nhân viên tín dụng ép khách hàng mua bảo hiểm tự nguyện cho các gói vay mua xe ô tô đưa ra thường là việc có bảo hiểm tự nguyện với sản phẩm thế chấp như xe ô tô là một trong những cách giảm thiểu rủi ro cho tài sản.

Về phía khách hàng, khi mua xe trả góp, việc họ bị bắt buộc mua gói bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm thân vỏ cho xe khiến họ cảm thấy bị bắt chẹt. Bởi khi xe thế chấp ngân hàng, ngân hàng phải cấp giấy xác nhận tài sản cầm cố chiếc xe mới có thể lưu thông. Mà ngân hàng chỉ cấp loại giấy này có giá trị 1 năm nên nếu không có bảo hiểm tự nguyện, ngân hàng sẽ không cấp giấy xác nhận năm tiếp theo.

Điều đáng nói là, không chỉ khách vay trả góp để mua xe mà có khách hàng mua xe trả toàn bộ một lần cũng bị nhân viên bán hàng ép mua gói bảo hiểm tự nguyện cho chiếc xe.

Về hiện tượng trên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, thực tế, việc mua ô tô hình thành từ khoản vay ngân hàng đều bị đính kèm các hợp đồng bảo hiểm tự nguyện, được ngân hàng ấn định theo thỏa thuận trong hợp đồng vay.

Nhiều khách hàng mua xe trả góp bức xúc vì không được cấp bản sao giấy đăng ký xe để lưu thông trên đường, nếu không mua bảo hiểm tự nguyện. Bởi, không có bảo hiểm tự nguyện thì không được giải ngân khoản vay, hoặc nếu có giải ngân thì phải mua bảo hiểm tái tục tương ứng thời hạn gói vay, thường từ 4-7 năm.

Song, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua xe, từ 1/7 tới, khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực, Khoản 5, Điều 15 của luật này đã cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, khoản 3a, Điều 53 Thông tư 67/2023/TT-BTC cũng nêu rõ, tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải giải thích cho bên mua bảo hiểm các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là sản phẩm bảo hiểm. Việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức hoạt động đại lý.

Như vậy, sắp tới, hành vi ép mua bảo hiểm vật chất khi vay mua ô tô trả góp bị nghiêm cấm. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng người mua xe trả góp bị ngân hàng điều hướng vào những sản phẩm bảo hiểm mà họ không có nhu cầu.

Do vậy, khi bị ép mua bảo hiểm tự nguyện trái mong muốn, khách hàng nên trích dẫn các quy định trên. Trường hợp tiếp tục bị gây khó dễ, khách hàng có thể làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng như Cơ quan Thanh tra giám sát (thuộc Ngân hàng Nhà nước) hoặc Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (thuộc Bộ Tài chính) để được cơ quan quản lý Nhà nước can thiệp kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi của mình – luật sư Lê Hồng Vân đưa ra lời khuyên.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chinh-thuc-nghiem-cam-viec-ep-nguoi-mua-o-to-tra-gop-mua-bao-hiem-post569508.antd