Chính sách tiền tệ không thể gánh hết nhiệm vụ phát triển

Phỏng vấn của phóng viên TBNH với chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành về vai trò của chính sách tiền tệ (CSTT) năm 2014.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

Theo ông vấn đề của CSTT năm 2014 là gì?

Mấu chốt hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là vấn đề phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa (CSTK) và CSTT để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hợp lý. Do vậy, trách nhiệm và nhiệm vụ nặng nề nhất của NHNN là điều tiết lượng tiền lưu thông để không gây lạm phát, phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam và tăng năng lực cạnh tranh cho DN. Hiện nay, mới có Nghị định 156/2013/NĐ-CP định vị thêm vị thế của NHNN, nhưng chúng ta cần phải có những phối hợp tổng thể nhịp nhàng giữa vai trò của các Bộ, ngành vì CSTT không thể gánh hết nhiệm vụ về sự phát triển của nền kinh tế được.

Vậy ngoài vai trò của ngành Ngân hàng thì các Bộ, ngành khác phải làm gì, thưa ông?

Ba trọng tâm của tái cấu trúc nền kinh tế gồm: đầu tư công, hệ thống các TCTD và DN Nhà nước. Mục tiêu tái cấu trúc DN Nhà nước để hoạt động hiệu quả hơn và cũng không nên tạo ra tình trạng cạnh tranh với DN tư nhân. Phải nhận thức rõ DN Nhà nước làm nhiệm vụ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công tạo nền tảng để kinh tế phát triển và vì là đại diện cho Nhà nước nên không lấy mục tiêu tối đa lợi nhuận là chính. Việc làm giàu để cho nhân dân, Nhà nước quản lý việc thu thuế, tạo điều kiện để kinh tế phát triển chứ không phải làm kinh tế.

Bên cạnh đó, chúng ta đang đưa ra tiêu chí phải cải tiến công nghệ sản xuất đạt mức tiên tiến, hiện đại. Do vậy, đừng để DN lâm vào tình trạng nhập “công nghệ rác” chỉ vì giá rẻ hoặc phù hợp với túi tiền. Song song với việc nhập máy móc hiện đại thì phải tạo điều kiện để ngành khoa học nghiên cứu ứng dụng phát triển. Nếu không chúng ta cứ mãi phải đi mua công nghệ mà nhiều khi áp dụng và ứng dụng có thể không phù hợp với nền kinh tế nước ta. Thứ nữa, phải xây dựng các nguồn nhân lực thật tốt, đó là điều chúng ta chưa làm tốt trong mấy năm qua.

Đối với đầu tư công, Nhà nước phải xem đầu tư công dùng để làm gì? Người ta thường nói “đầu tư công để thực hiện một số công trình, dự án” và tưởng rằng như thế là đẩy thêm được một dòng tiền ra xã hội với kỳ vọng sẽ tạo ra công ăn việc làm, tăng sức cầu cho các ngành vật liệu xây dựng… Nhưng nếu đầu tư công không đúng chỗ và được giám sát chặt chẽ thì sẽ không hiệu quả, gây lãng phí.

Đầu tư công, có thể hiểu theo nghĩa là hành vi “mồi nước” cho cái bơm nó chạy. Khi nền kinh tế bị đình trệ đến nỗi kinh tế tư nhân không thể phát triển thì Nhà nước tạm thời có các dự án quy mô lớn để nền kinh tế có “cú hích” và chuyển bánh. Cũng cần hiểu CSTK không chỉ có những phương án đưa ra để kích cầu. Do vậy, chính sách tài khóa cũng không có nghĩa chỉ là đầu tư công mà cũng phải là chính sách giảm chi phí cho DN như giảm thuế, chi phí thời gian làm thủ tục hành chính – tức có tác động cả phía “cung”…

Chúng ta vẫn tin Việt Nam có mọi thứ để đưa đất nước đi lên, vấn đề cốt lõi là NHNN điều hành CSTT phù hợp và Nhà nước tạo cơ chế chính sách hợp lý để cộng đồng DN phát triển mạnh mẽ hơn. Đó là phải giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh cho các DN.

Vấn đề tái cơ cấu TCTD vẫn sẽ tiếp tục trong năm nay. Ý kiến của ông thế nào?

Việc sáp nhập hay mua lại một ngân hàng yếu giúp cho nó tạm thời không bị phá sản. Chẳng hạn, anh bỏ ra 3.000-5.000 tỷ đồng để mua một ngân hàng, trong khi đó, nợ xấu của ngân hàng này lên đến vài nghìn tỷ đồng. Vậy anh kiểm tra, kiểm soát và xử lý thế nào, có đủ sức để giải quyết đống nợ xấu đó không? Còn nếu anh không quản lý được ngân hàng thì vẫn tiếp tục đẻ ra nợ xấu mà thôi. Việc đổi chủ sở hữu, về cơ bản phải giúp ngân hàng đó lành mạnh và không được cho vay sân sau.

Nếu áp dụng các tiêu chí về phân loại nợ của Thông tư 02 thì tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng lên rất cao. Có thể có những ngân hàng cũng đã biết số nợ xấu của mình một cách chính xác, nhưng cũng chưa thể chính thức hóa nợ xấu đó được. Vì khi công bố chính thức tỷ lệ nợ xấu đó thì phải trích lập đầy đủ, ăn hết vốn. Nhưng vấn đề ở đây nếu cho phép ngân hàng phá sản sẽ kéo theo hiệu ứng phá sản dây chuyền, gây bất ổn xã hội.

Quá trình tái cơ cấu TCTD khiến số lượng các ngân hàng giảm, ông đánh giá thế nào về tác động của nó?

Vấn đề là diện phủ sóng dịch vụ của ngân hàng phải rộng khắp, tạo tiện lợi cho khách hàng, chứ không chỉ trên một đoạn đường ngắn của một con phố có tới chục điểm giao dịch của các ngân hàng khác nhau, hay nhiều máy ATM; POS của nhiều ngân hàng được đặt tại một điểm để giao dịch… Vấn đề ở đây là các ngân hàng chưa liên kết được với nhau trong dịch vụ ngân hàng dẫn đến hiện tượng vừa thừa, vừa thiếu, lãng phí, không hiệu quả, đẩy chi phí hoạt động của ngân hàng lên cao.

Nếu lo rằng giảm số lượng ngân hàng sẽ dẫn tới hiện tượng “bắt tay” độc quyền giá vốn cũng không hẳn. Nhưng, nếu sau tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng từ 40 còn 20 NHTM thì sẽ không còn sự cạnh tranh vô tổ chức như thời gian qua. Nếu ít ngân hàng nhưng vẫn đảm bảo lưu lượng dịch vụ ngân hàng, tạo thuận tiện cho khách hàng thì đó mới là vấn đề. Nếu có nguy cơ độc quyền thì đã có Nhà nước can thiệp.

Song, theo tôi, việc cho vay sẽ phải chặt chẽ hơn nên DN phải “chuyển mình” theo để có thể tiếp cận vốn ngân hàng. Hiện nay Chính phủ đã cho phép hệ thống ngân hàng “tách” nợ xấu ra một bên, thông qua VAMC, để khơi thông dòng chảy tín dụng. Nhưng vấn đề là những DN có nợ xấu sẽ tiếp tục được vay vốn mới thì dự án phải thuyết phục ngân hàng như thế nào? Vì ngân hàng bây giờ phải quản lý chặt nguồn tiền đi đâu, chứ không thể chuyển tiền vào tài khoản của DN rồi muốn làm gì thì làm.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Ngân hàng

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/vang-tien/chinh-sach-tien-te-khong-the-ganh-het-nhiem-vu-phat-trien-65722.html