Chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số như 'cho dầu vào đèn', Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói gì?

Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc chính sách dân tộc tản mát, chồng chéo, nguồn lực phân tán và như 'cho dầu vào đèn', Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa nhận có thực trạng này...

Chiều 6-6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.

Là một trong những đại biểu chất vấn đầu tiên, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) cho rằng, chính sách dân tộc còn tản mát ở nhiều văn bản, còn chồng chéo, nguồn lực còn phân tán nên chưa phát huy hiệu quả. Nữ đại biểu ví von, tình trạng này như “cho dầu vào đèn, cháy hết lại đổ dầu cho đèn khỏi tắt”.

“Ý kiến của Bộ trưởng về nhận định này ra sao và giải pháp khắc phục”, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa nhận có thực trạng này; cho biết, Ủy ban Dân tộc đã chủ động đề xuất với Thủ tướng và hiện đang thực hiện Đề án rà soát các chính sách dân tộc liên quan để trình Chính phủ cuối năm nay.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Cũng liên quan đến vấn đề chính sách, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị Bộ trưởng Hầu A Lềnh nêu quan điểm về việc có nên sớm nghiên cứu, ban hành luật về hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hay không?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, từ năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã đề nghị xây dựng Luật Dân tộc. Sau 2 nhiệm kỳ, đã tổ chức nhiều hội thảo và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 về nội dung này.

Tuy nhiên, lĩnh vực dân tộc liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau nên để bảo đảm xây dựng luật phù hợp, thống nhất, không chồng chéo luật khác thì cần thời gian nghiên cứu, xem xét.

“Quan điểm của tôi là có được luật thì tốt, đó là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng chính sách, nhưng cần căn cơ, đầy đủ vì lĩnh vực này không phải pháp luật chuyên ngành”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ.

Bộ trưởng cho biết thêm, thực hiện Kết luận 65 của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội giao nhiệm vụ nghiên cứu Luật Dân tộc trong khóa này, do Hội đồng Dân tộc chủ trì nghiên cứu. Ủy ban Dân tộc sẽ chuyển hồ sơ nghiên cứu trước đây, phối hợp thực hiện.

Đề cập đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) cho biết, trong quá trình triển khai chương trình này, một số dự án và tiểu dự án gặp khó khăn, vướng mắc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm rõ các trách nhiệm, giải pháp tháo gỡ để triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình này.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 120 có giao Chính phủ nhiệm vụ bố trí vốn trong cơ cấu vốn của tổng cơ cấu vốn được phê duyệt, huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước.

Về bố trí vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí đủ vốn theo đúng tinh thần của Nghị quyết cho giai đoạn từ nay đến 2025.

"Ngoài ra, trong cơ cấu vốn bố trí cho chương trình còn có một số nguồn vốn khác, gồm vốn tín dụng, vốn của địa phương đối ứng. Về huy động nguồn ngoài ngân sách nhà nước, chúng ta đã huy động nguồn ODA và các nguồn vốn xã hội khác. Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí đủ nguồn theo kế hoạch hằng năm để triển khai theo đúng kế hoạch bố trí vốn Quốc hội đã phê duyệt", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định.

Về giải pháp huy động nguồn vốn khác, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, ngay sau khi trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương quyết định đầu tư, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Bộ, ngành để tham mưu Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng kế hoạch huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách, gồm các nguồn vốn ODA, vốn các doanh nghiệp, các tổng công ty. Tuy nhiên, đúng thời điểm năm 2021, 2022, đất nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức, nên không đặt vấn đề huy động trong giai đoạn này.

NGUYỄN THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/chinh-sach-danh-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-nhu-cho-dau-vao-den-bo-truong-hau-a-lenh-noi-gi-730406