Chính quyền xã tắc trách, nguy cơ đuối nước ở... sân vận động

Hàng chục hộ dân thôn 4, xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang sống trong cảnh “dở khóc, dở cười” bởi vì bị 1 hộ gia đình lấp mương thoát nước và đường dân sinh, dẫn đến cả làng phải chịu ngập úng. Sân vận động xã luôn luôn trong tình trạng ngập sâu như ao hồ, mỗi khi có mưa.

Theo quan sát của PV, tại thời điểm sáng ngày 8 -10/11, sau những trận mưa rào, nhiều hộ dân tại thôn 4 xã Sơn Diệm, sân vận động và trạm y tế xã này đang bị chìm ngập trong nước.

Qua tìm hiểu được biết, mấy năm trước, chính quyền xã Sơn Diệm đã cấp quyền sử dụng 570m2 đất cho bà Nguyễn Thị Thung và 287,7m2 cho ông Hoàng Trung, cùng trú trên địa bàn. Một thời gian sau, ông Nguyễn Hảo (con trai bà Thung) đã san lấp mặt bằng phần đất kế bên lô đất được cấp và lấp luôn cả mương thoát nước ra bến sông của thôn. Sau đó, ông Hảo còn cắt một phần trong diện tích vừa san lấp cho ông Nguyễn Thế Anh (anh em với ông Hảo) để xây nhà ở.

Điều đáng nói, diện tích xây dựng nhà ông Anh lấn lấp luôn cả mương thoát nước và đường ra bến sông phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân tại địa phương, gây ra nhiều bất cập, khó khăn.

Con mương thoát nước của thôn đã bị lấp để cắt đất cho anh Nguyễn Thế Anh xây nhà.

Bà Lê T. Đ. (80 tuổi, trú tại xã Sơn Diệm) cho biết: “Ngày xưa, khi còn cái mương, mỗi lần mưa, nước thoát ra sông hết. Từ khi mương bị lấp, mưa xuống là nước ngập vào tận hiên nhà, sân vận động thì như ao hồ".

"Lo ngại nhất nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ đuối nước tại sân vận động là rất cao. Bởi hàng ngày có hàng trăm cháu học sinh phải vượt qua đoạn đường này để đến trường”, bà Đ. nói thêm.

Ông Nguyễn Thái Bình, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Diệm cho hay, từ khi đường ra bến bị lấp, chỉ cần cơn mưa nhỏ là sân vận động đã như ao hồ. Việc này tạo điều kiện cho muỗi phát triển, các dịch bệnh cũng dễ dàng bùng phát. Trạm y tế xã cũng bị nước bao quanh.

“Mương thoát nước này phục vụ cho cả 2 bên tuyến đường QL8A và một con đường ra bến sông. Không hiểu sao chính quyền xã lại để cho gia đình anh Hảo lấp lại rồi cắt đất cho người khác xây nhà như vậy. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng chính quyền xã vẫn không giải quyết”, ông Bùi X. H., một người dân trong thôn phản ánh.

Sự việc hộ dân ngang nhiên chặn lối đi và lấp mương thoát nước ra bến sông đã được người dân kiến nghị nhiều lần nhưng chính quyền chưa giải quyết.

“Có mỗi con đường và cống thoát nước ra bến sông thì nay đã bị chặn lại, dân kêu mãi nhưng xã vẫn không chịu giải quyết”, ông Lê Ngọc Tiến, trưởng thôn 4 nói.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Khắc Ái, Chủ tịch UBND xã Sơn Diệm thông tin: “Đúng là tại thôn 4, có tình trạng nước ngập hết cả sân vận động xã. Tuy nhiên, việc làm mương thoát nước qua đường QL8A chưa thể tiến hành, vì đang chờ dự án thi công con đường này. Việc hộ dân đổ đất lấp mương, chặn lối đi ra bến sông như phản ánh, tôi sẽ giao cho địa chính kiểm tra đo đạc, trả lại đúng hiện trạng trên bản đồ".

Trước đó, ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng TN - MT cho biết: "Chúng tôi sẽ giao xã kiểm tra, tiến hành thu hồi phần đất lấn chiếm".

Hướng dẫn xử lý một số vấn đề về đất đai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

IV- Đối với việc lấn chiếm đai thì xử lý như sau.

1- Không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất bị lấn chiếm trong những trường hợp sau đây:a) Đất đã có quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

b) Đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

c) Đất nằm trong hành lang bảo vệ đê điều, đường thủy, đường bộ, đường sắt, công trình thủy lợi, thủy điện, đường dây cao thế, hạ thế, đường ống dẫn khí, dẫn dầu, các công trình an ninh, quốc phòng.

2- Đối với các trường hợp không thuộc quy định tại điểm 1 trên đây mà phù hợp với quy hoạch hiện nay thì người đang sử dụng đất được xem xét để cấpgiấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng phải nộp phạt hành chính về hành vi lấn chiếm đất đai, làm thủ tục hợp thức hóa, nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại thời điểm được hợp thức hóa, nộp lệ phí địa chính.

3- Trường hợp lấn chiếm đất hoang hóa để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà không thuộc đối tượng giao đất theo Nghị định 64/CP ngày 27-9-1993 và Nghị định số 2/CP ngày 15-1-1994 của Chính phủ thì được xem xét hợp thức hóa và phải hộp phạt hành chính về hành vi lấn chiếm đất đai, làm thủ tục hợp thức hóa, nộp lệ phí địa chính.

4- Mức diện tích, thời hạn sử dụng đất, tiền sử dụng đất phải nộp để được hợp thức hóa đối với đất bị lấn chiếm do cơ quan có thẩm quyền cho hợp thức hóa quyết định nhưng phải phù hợp với quy định của Luật đất đai và phù hợp với việc quản lý sử dụng đất ở từng địa phương.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này, được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

HỒ THẮNG

Nguồn: tinnhanhonline.vn

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/chinh-quyen-xa-tac-trach-nguy-co-duoi-nuoc-o-san-van-dong-a169592.html