Chính phủ đồng chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ dự án điện gió Trường Sơn (Lào)

Chính phủ giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN và các cơ quan liên quan đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư đảm bảo chắc chắn và đầy đủ cơ sở pháp lý, hiệu quả kinh tế khi nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có văn bản chấp thuận đề nghị của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc nhập điện gió từ Lào về Việt Nam ở dự án nhà máy điện gió Trường Sơn, cũng như chủ trương đầu tư lưới điện đấu nối. Việc nhập khẩu và đầu tư phù hợp với quy hoạch điện VIII và các quy định liên quan.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và EVN theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao chủ động, kịp thời hướng dẫn và triển khai các công việc liên quan đến việc thực hiện chủ trương theo đúng quy trình, thủ tục và quy định.

Chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ dự án điện gió Trường Sơn (Lào).

Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN và các cơ quan liên quan đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư đảm bảo chắc chắn và đầy đủ cơ sở pháp lý, hiệu quả kinh tế (bao gồm giá cả, chi phí... mua điện), tiêu chí kỹ thuật đối với an ninh hệ thống điện và xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng duyệt chủ trương nhập điện và cho phép đấu nối lưới vào nhà máy điện gió Trường Sơn từ Lào về Việt Nam. Đề nghị này dựa trên kiến của EVN vào cuối năm ngoái nhằm giảm nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhập khẩu điện từ dự án điện gió Trường Sơn công suất 250 MW về Việt Nam phù hợp chủ trương nhập khẩu điện theo Hiệp định ký kết giữa Chính phủ hai nước.

Theo, EVN tổng công suất nguồn điện tại Lào được duyệt chủ trương nhập khẩu đến năm 2025 khoảng 1.977 MW, thấp hơn quy mô 3.000 MW theo hiệp định đã ký.

Việc nhập khẩu và đấu nối đường dây 220 kV cũng được Bộ Công Thương nhìn nhận là phù hợp với Quy hoạch điện VIII.

Theo Quy hoạch, tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào có thể lên tới 5.000-8.000 MW vào năm 2030, tăng lên 11.000 vào năm 2050. Cùng đó, ngành điện cũng quy hoạch 550 km đường dây dự phòng cho tăng trưởng phụ tải và phát triển các nguồn khu vực, gồm nhập khẩu.

Bộ Công Thương đánh giá, nhập nguồn điện từ Lào về Việt Nam là cần thiết, sẽ tăng khả năng đảm bảo cung ứng, giảm nguy cơ thiếu điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo.

Dự án điện gió Trường Sơn có công suất 250 MW do Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Việt Lào làm chủ đầu tư. Dự án này được đặt tại tỉnh Bolikhamsai của Lào và có kế hoạch đi vào vận hành trong quý IV/2025.

Để nhập khẩu điện từ dự án điện gió này về Việt Nam, phương án đấu nối được đề xuất là xây mới đường dây 220 kV mạch kép từ trạm biến áp 220 kV nhà máy điện gió Trường Sơn, với chiều dài 75 km đấu nối vào ngăn lộ 220 kV tại trạm biến áp 220 kV Đô Lương (Nghệ An - Việt Nam).

Trước đó, chủ đầu tư của dự án này đề xuất bán điện từ dự án cho EVN với giá là 6,95 US cents/kWh. Giá điện được chủ đầu tư cam kết là áp dụng theo quy định, với mức giá trần nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam cho loại hình nhà máy điện gió.

Để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án năm 2025, chủ đầu tư đề xuất thực hiện đầu tư toàn bộ công trình đấu nối lưới điện phục vụ đấu nối nhà máy điện gió Trường Sơn vào hệ thống điện Việt Nam bằng nguồn vốn của dự án.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chinh-phu-dong-chap-thuan-chu-truong-nhap-khau-dien-tu-du-an-dien-gio-truong-son-lao-87956.html