Chính phủ Brazil 'lục đục' vì dầu trong rừng Amazon

Trong lúc Ecuador tuyên bố sẽ ngừng khai thác dầu mỏ trong rừng Amazon, thì Brazil lại kêu gọi thực hiện những khoản đầu tư khổng lồ nhằm thăm dò dầu mỏ gần cửa sông Amazon.

Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva, sau bài phát biểu tại COP27 ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập

Đây là một nghịch lý đối với chính phủ của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, người luôn thể hiện bản thân là nhà vô địch trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng lại bị chỉ trích vì luôn chần chừ trước quyết định từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Ông Marcio Astrini - Thành viên Tổ chức Observatoire du climat, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ Brazil sẽ noi gương Ecuador”.

Vào 2 tuần trước, vấn đề chiến lược này cũng đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa các nước vùng Amazon, tại thành phố Belem của Brazil, nhưng ông Lula đã làm ngơ khi Tổng thống Colombia Gustavo Petro kêu gọi chấm dứt tất cả hoạt động thăm dò dầu mỏ trong khu vực.

Trái lại, chỉ vài giờ sau thông báo ngày 21/8 về kết quả cuộc trưng cầu dân ý "lịch sử" ở Ecuador nhằm bảo tồn Vườn Quốc gia Yasuni, vị Tổng thống của Brazil - quốc gia với 60% diện tích là rừng Amazon, lại công bố quyết định đầu tư 335 tỷ reais (khoảng 64 tỷ euro) vào lĩnh vực hydrocarbon.

Với số tiền này, công ty dầu khí đại chúng Petrobras sẽ thực hiện thăm dò một mỏ ngoài khơi, lô "FZA-M-59", nằm không xa cửa sông nơi dòng chảy của Amazon đổ vào Đại Tây Dương.

Dự án này đã làm dấy lên mâu thuẫn trong nội bộ Chính phủ của ông Lula.

Cơ quan bảo vệ môi trường Ibama từ chối cấp giấy phép thăm dò cho Petrobras với lý do công ty này chưa trình bày những nghiên cứu cần thiết.

Nhưng vào hôm 22/8, văn phòng Tổng chưởng lý Brazil - cơ quan bảo vệ lợi ích của Chính phủ, nhận định rằng những nghiên cứu này là "không cần thiết".

Còn Bộ trưởng Bộ Môi trường Marina Silva thì kiên quyết kêu gọi tuân thủ những tiêu chí "kỹ thuật" do Ibama đặt ra.

"Giấc mơ" vàng đen

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2003-2010 và rời khỏi ghế Tổng thống, ông Lula, 77 tuổi, đã nắm quyền trở lại vào tháng 1/2023 với lời cam kết ưu tiên bảo tồn rừng Amazon, trong bối cảnh nạn phá rừng gia tăng dưới thời của người tiền nhiệm Jair Bolsonaro.

Thế nhưng, gần đây, ông lại nói rằng người dân ở miền bắc Brazil có thể “tiếp tục mơ” về vàng đen, bất chấp sự phản đối của Ibama.

Thật vậy, vì từ năm 2019, Guyana - một quốc gia nhỏ trong vùng rừng Amazon với biên giới giáp miền bắc Brazil, đã có rất nhiều hoạt động khai thác ngoài Đại Tây Dương, đến mức được mệnh danh là “Dubai của Nam Mỹ”.

Dự án thăm dò lô "FZA-M-59" đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ những tổ chức môi trường, lãnh đạo của những cộng đồng người bản địa và cư dân của Marajo - một hòn đảo nằm ngay trung tâm cửa sông Amazon.

Họ đề cập rất nhiều đến nguy cơ gây tác động thảm khốc lên khu vực rừng ngập mặn có nền sinh học đa dạng nhưng mong manh này.

Bà Naraguassu - một nhà hoạt động 60 tuổi với xuất thân là người bản địa Caruana, sống tại khu vực nơi Amazon gặp Đại Tây Dương, đã chỉ trích: “Phần lớn hành tinh phải gánh chịu hậu quả vì một số người muốn biến thiên nhiên thành nguồn lợi nhuận. Nhiệt độ tiếp tục tăng, Trái đất đang nói với chúng ta rằng có gì đó không ổn”.

Trong mắt ông Luis Barbosa của Đài thiên văn Marajo - một tổ chức phi chính phủ địa phương, bản thân “sự tồn tại” của hòn đảo quê ông đang bị đe dọa vì mực nước dâng cao và những vấn đề khác, vì “cuộc đua chạy theo nhiên liệu hóa thạch”.

"Biên giới mới trong ngành năng lượng"

Về phần mình, Petrobras tin rằng dự án này "sẽ mở ra một biên giới mới trong ngành năng lượng ", nhằm hướng đến "sự chuyển dịch sang năng lượng bền vững".

Công ty tiết lộ rằng lô "FZA-M-59" nằm cách cửa sông Amazon hơn 500 km. Họ hứa sẽ thực hiện nhiều biện pháp "mạnh mẽ" nhằm ngăn chặn nguy cơ rò rỉ dầu có thể xảy ra.

Nhưng theo bà Suely Araujo - chuyên gia tại Observatoire du climat kiêm cựu lãnh đạo Ibama giai đoạn năm 2016-2019, Brazil là nước khai thác dầu lớn thứ 8 trên toàn thế giới và đã có thể tự cung tự cấp loại hydrocarbon này.

Bà lập luận: “Chúng ta đang sống trong thời khủng hoảng khí hậu, không có lý do gì để kiên trì thăm dò dầu mỏ ở những khu vực nhạy cảm”.

Vào năm 2018, dưới sự lãnh đạo của bà, Ibama đã từ chối cấp giấy phép khoan dầu cho tập đoàn TotalEnergies (Pháp) đối với 5 lô ngoài khơi trong cùng khu vực.

Bà Araujo ca ngợi tham vọng của Tổng thống Brazil trong cuộc đấu tranh vì khí hậu, nhưng cảm thấy tiếc nuối vì ông ấy chưa sẵn sàng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Đối với bà, “mâu thuẫn lớn nhất của Chính phủ của Lula là dầu mỏ”.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chinh-phu-brazil-luc-duc-vi-dau-trong-rung-amazon-692752.html