Chính châu Âu đã giúp TQ phát triển vũ khí đấu lại Mỹ

Hãng tin Anh Reuters ngày 19/12 cho biết, nếu một mai quân đội Trung Quốc phải đón tiếp một cuộc chiến tranh, trong kho vũ khí của họ đầy ắp các loại vũ khí hiện đại đến từ các nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu như: Anh, Pháp, Đức…

Đa số tàu mặt nước tiên tiến nhất của Trung Quốc đều sử dụng động cơ do Pháp, Đức chế tạo. Các khu trục hạm của Trung Quốc đều được trang bị các hệ thống sonar, trực thăng chống ngầm, tên lửa đất đối không và thiết bị vệ tinh do Pháp phát triển.

Máy bay ném bom, tiêm kích đánh biển của Trung Quốc dùng động cơ máy bay phản lực của Anh. Máy bay trinh sát thế hệ mới nhất của Trung Quốc cũng được lắp đặt hệ thống radar mua từ Anh. Trực thăng tấn công tính năng ưu việt nhất của Trung Quốc, cũng dựa vào thiết kế của Công ty trực thăng châu Âu.

Nhưng những hạng mục quan trọng nhất được Trung Quốc mua sắm nhiều nhất thuộc về lĩnh vực tàu ngầm. Học tập các cường quốc mới nổi thế kỷ trước, Trung Quốc cũng tập trung xây dựng một hạm đội tàu ngầm hùng mạnh của riêng mình. Công nghệ quan trọng nhất mà Trung Quốc có được từ châu Âu là các động cơ diesel của Đức.

Theo đà của chiến lược “khoe cơ bắp” với các nước láng giềng, những tàu ngầm diesel-điện này là một trong những vũ khí đáng ngại nhất của Trung Quốc đối với Mỹ và đồng minh Nhật Bản. Điều đáng buồn là khả năng tung ra các cú đòn chí mạng này đều được hình thành trên cơ sở công nghệ rất hiện đại của thành viên chủ chốt của NATO là Đức.

Động cơ trên tàu ngầm thông thường Trung Quốc áp dụng công nghệ của Đức

Tuy Nga vẫn là quốc gia nguồn cung các loại vũ khí và công nghệ quan trọng nhất cho Bắc Kinh, nhưng các thiết bị và công nghệ quân sự của EU “trao tặng” đã giúp Trung Quốc bổ khuyết những yếu điểm chết người của họ. Lẽ ra, điều này không được xảy ra.

Lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc được EU áp đặt vào năm 1989, nhưng chính sách này đã không được thực hiện nghiêm túc. Vũ khí và những công nghệ lưỡng dụng (sử dụng trong cả dân dụng và quân dụng) ồ ạt được chuyển vào Trung Quốc từ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Chính phủ các nước châu Âu phê chuẩn bán cho Trung Quốc tất cả các loại máy bay, tàu thuyền, thiết bị liên quan đến công nghệ hình ảnh, xe tăng, nguyên liệu hóa học, đạn dược…

Động cơ phản lực trên máy bay chiến đấu Trung Quốc sử dụng công nghệ Anh

Theo phát ngôn viên của EU, lệnh cấm vận vũ khí của châu Âu không áp dụng cho lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng, các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đều nắm vững quy định kiểm soát những sản phẩm này. Tuy nhiên, một số người đã phê phán đây là sự lỏng lẻo trong cơ cấu tổ chức của Liên minh châu Âu.

Trong tương lai, có thể nhận thấy một điều, các máy bay chiến đấu tốc độ siêu âm của châu Âu, các tàu ngầm của Đức hoặc các máy bay vận tải của Tây Ban Nha vẫn không được bán cho Trung Quốc. Nhưng các nước châu Âu nhận ra lợi ích từ việc bán các linh kiện vũ khí, đặc biệt là những sản phẩm lưỡng dụng không chịu chế tài của chính sách cấm vận nên có thể họ vẫn sẽ bán.

Hệ thống anten GPS của Công ty KODEN và 3 bộ anten vệ tinh hải sự SAILOR của hãng Thrane&Thrane trên khu trục hạm Type 052 của Trung Quốc đều là sản phẩm của Nhật

Các chuyên gia cho rằng, đối với quân đội Trung Quốc, tầm quan trọng của các sản phẩm công nghệ lưỡng dụng còn lớn hơn việc mua được các hệ thống vũ khí của châu Âu. Ngoài ra, sự tiếp giáp về khoảng cách địa lý cũng đóng một vai trò lớn, các nước châu Âu xem Trung Quốc - một quốc gia xa xôi ở châu Á là cơ hội làm ăn lớn chứ không phải là mối đe dọa đối với mình.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, báo chí nước ngoài đã thổi phồng sự dựa dẫm vào công nghệ nước ngoài của Quân giải phóng, Trung Quốc căn cứ vào thông lệ quốc tế để hợp tác, giao lưu với các nước khác trong nghiên cứu, phát triển vũ khí. Tuy nhiên, một số nước đã cố tình chính trị hóa các hoạt động hợp tác thương mại thông thường.

(Theo ANTĐ)

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/thoi-su-xa-hoi/201401/chinh-chau-au-da-giup-tq-phat-trien-vu-khi-dau-lai-my-441147/