Chim câu trắng Điện Biên

'Năm 1954, báo Le Monde khi đưa tin Điện Biên Phủ thất thủ đã khẳng định dân tộc Việt Nam là một dân tộc được thử thách nhiều nhất và có phẩm giá nhất trên thế giới… Năm 1984, báo New York Times đã đánh giá Điện Biên Phủ là một trong 16 trận thắng tạo bước ngoặt trong chiến tranh hiện đại. Báo Người Quan sát (The Observer) còn viết Điện Biên Phủ là một trong những trận giao chiến làm thay đổi số phận thế giới'.

Bộ phim Ký ức Điện Biên (2004) của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã mở đầu bằng những lời nhận xét và đánh giá đầy cảm phục của các tờ báo lớn nước ngoài như vậy.

Nhân văn

Cốt truyện của phim là một cuộc dạo chơi về miền ký ức thời chiến của hai cựu binh thuộc hai chiến tuyến Việt - Pháp trong trận Điện Biên Phủ năm xưa là Bạo và Bernard. Bạo là một người lính Vệ quốc đoàn tham gia vào trận tiến công cứ điểm đồi A1, còn Bernard là trung sĩ thuộc đơn vị Huguette 1 có nhiệm vụ bảo vệ sân bay Mường Thanh, song vì không muốn hoài phí mạng sống của mình cho một cuộc chiến phi nghĩa, anh đã quyết tâm xin hàng và mong giúp quân đội Việt Nam kết thúc cuộc chiến này càng sớm càng tốt. Đứng giữa hai người lính này là Mây - một y tá thạo tiếng Pháp thuộc đơn vị dân công. Vừa là cầu nối giao tiếp giữa Bạo và Bernard, cô đồng thời cũng chính là yếu tố gây căng thẳng và hiểu lầm giữa hai người đàn ông bởi tình cảm của họ đều dành cho Mây.

Bộ phim sử dụng lối kể chuyện xen lẫn ký ức và hiện tại - câu chuyện từ quá khứ của hai người lính xa lạ đầy cẩn trọng, dò xét nhau trên cùng một chiến hào được kể luân phiên với tình bạn già của hai cựu binh tay bắt mặt mừng sau 50 năm xa cách từ chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Khi họ gặp lại nhau, trận chiến năm xưa giờ đây chỉ còn là bài học lịch sử, Việt và Pháp không còn là kẻ thù. Những vắt cơm nắm - món ăn các chiến sĩ Điện Biên khi xưa từng phải ngấu nghiến dưới trời mưa tầm tã và bom đạn để lấy sức chiến đấu, giờ đây lại trở thành đặc sản tại những nhà hàng, như lời ông cụ Bạo: “Những món ăn ngày xưa ở Điện Biên ngán đến tận cổ thì bây giờ trở thành đặc sản, thế mà đắt hàng lắm”.

Chiến trường Điện Biên Phủ được tái hiện đầy chân thực trên màn ảnh rộng.

Xen lẫn câu chuyện ký ức của hai người già từng ở hai chiến tuyến là cảnh những người trẻ tụ tập trước vô tuyến truyền hình hồi hộp dõi theo từng đường bóng và cuối cùng vỡ òa lên khi cầu thủ đội tuyển Pháp ghi bàn. Họ hò reo và ôm chầm lấy ông Bernard như thể cả hai là người chiến thắng.

Ba người thanh niên Bạo, Mây, và Bernard khác biệt về tính cách, quê quán, và nhiệm vụ nhưng họ cùng hướng về một mục tiêu cao cả trên hết là hòa bình cho mọi dân tộc. Bạo mang tinh thần của người chiến sĩ gan dạ luôn xông pha lên về phía trước với một trái tim sục sôi niềm tin về một ngày độc lập của dân tộc; nữ y tá Mây đại diện cho thiện chí hòa giải những xung đột, hiểu lầm; còn chàng lính Pháp Bernard chấp nhận mang danh kẻ phản quốc với mong mỏi sớm chấm dứt cuộc chiến kinh hoàng.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn (phải) trên phim trường Ký ức Điện Biên. Nguồn: VTC News

Ký ức Điện Biên của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và biên kịch/nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, dựa theo truyện ngắn của nhà văn/thiếu tướng Nguyễn Chu Phác và lấy cảm hứng từ hồi ký Đường tới Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vì vậy, phim là sự giao thoa giữa điện ảnh và thi ca, lịch sử và văn học, giữa những chi tiết có thật và nhân vật giả tưởng. Đây là điểm sáng của Ký ức Điện Biên, tìm lối kể mới cho một sự kiện lịch sử quá đỗi tự hào và quen thuộc với người dân Việt.

Tính nhân văn là một điểm son trong Ký ức Điện Biên. Chiến sĩ Bạo dù chất chứa lòng căm thù giặc ngoại xâm, nhưng khi giương súng bắn tỉa lên cũng không thể xuống tay vì “Bọn này còn trẻ quá, mặt còn non choẹt, em không nỡ bắn anh ạ”. Liên tưởng đến chi tiết chiến sĩ Thăng trong phim Mùi cỏ cháy (2012) chôn cất đàng hoàng xác của người lính Việt Nam Cộng hòa trạc tuổi mình. Nhìn nhận đối phương như một con người có gia đình trông mong họ trở về đã khiến những người lính của chúng ta mang vẻ đẹp lấp lánh riêng. Tinh thần đó cũng được thể hiện rõ qua quyết định đào ngũ của Bernard. Trong khi đồng đội chĩa súng vào người Việt Nam, Bernard lại phất cờ trắng với hi vọng ngăn cản bạn mình không phải chết một cách vô ích cho một cuộc chiến phi nghĩa nơi xứ người.

Và kỳ ảo

Với kinh phí 16 tỷ đồng vào năm 2004, Ký ức Điện Biên là một trong những bộ phim nhận được khoản tiền đầu tư lớn nhất của Hãng phim truyện Việt Nam. Vì vậy, mặt trận Điện Biên Phủ hào hùng và khốc liệt được tái hiện với vẻ chân thực nhất thông qua bàn tay của họa sĩ Vũ Huy với vai trò thiết kế bối cảnh. Từng chiến hào, khẩu pháo, ụ súng, chiến hào, và chiến đấu cơ bay lượn trên không,… đã góp phần mô phỏng lại một “địa ngục” theo như lời nhân vật Bernard bao trùm bởi khói lửa và chất đầy xác chết. Trước khi đến với Ký ức Điện Biên, thú thực tôi chưa từng lần nào phải rùng mình trong khi xem phim chiến tranh Việt Nam. Phân đoạn thương binh người Pháp kêu gào thảm thiết khi bị cưa chân mà không có thuốc gây mê. Tiếng kêu gào đó trộn lẫn với tiếng kẽo kẹt của chiếc cưa ám ảnh cả căn phòng tối xập xệ, ngồi quanh bàn phẫu thuật tạm bợ đó là những thương binh với ánh mắt vô hồn như thể con người bên trong họ đã bỏ mạng ở ngoài kia. Rồi chính viên bác sĩ cưa chân cũng lên cơn mất trí và cầm chiếc cưa lao ra ngoài màn đêm, vừa quơ vừa la hét điên dại. Đó chính là giọt nước tràn ly khiến Bernard quyết định đào ngũ.

Bộ phim lấy đề tài cách mạng mới đây nhất do Nhà nước đặt hàng là Đào, phở và piano ra mắt vào dịp Tết năm nay. Để rồi bất ngờ trở thành một hiện tượng điện ảnh Việt vô tiền khoáng hậu: người xem xếp hàng tràn ra ngoài rạp, hệ thống đặt vé quá tải, độ phủ sóng rộng rãi trên mọi nền tảng truyền thông. Tôi tin rằng đây là một tín hiệu tốt để Nhà nước tiếp tục đầu tư thêm nhiều dự án phim lịch sử theo một cách mới mẻ hơn để thu hút thế hệ khán giả trẻ.

Kĩ thuật quay phim và thiết kế bối cảnh của Ký ức Điện Biên không chỉ dựng lại được cảnh chiến trường đẫm máu như trong bộ phim Mỹ Saving Private Ryan mà còn đặc tả được giấc mơ đặc quánh màu sắc ma mị và siêu thực của Bernard, một giấc mơ khiến ít nhiều liên tưởng đến bộ phim Dreams đầy thơ mộng và kì ảo của đạo diễn người Nhật Akira Kurosawa. Bernard mơ về sự tái sinh và chuyển kiếp của những người đồng đội của mình. Trong giấc mơ đó, những người phụ nữ mặc trang phục Quan họ sặc sỡ sắc màu nhảy múa trên đỉnh đồi chất đầy xác lính Pháp, đằng sau là khung cảnh khói lửa bốc lên mù mịt. Những cái xác không hồn đó dần tỉnh dậy và hóa thân thành cánh chim bồ câu rồi cất cánh bay về phía bình minh.

Cuối phim, những lính Pháp tử trận hóa thành những cánh chim câu.

Giấc mơ tái sinh đó ám ảnh Bernard, khiến ông viết bài thơ Ký ức Điện Biên đẹp và buồn gửi đến người bạn quá cố năm xưa: “Jaques ơi, trong giấc mơ siêu thoát của tôi/Bạn đã biến thành cánh chim câu bay mãi./Đêm đêm, tôi lang thang trên nóc nhà đầy cỏ hoang và sương khói./Gọi mãi bạn hiền/Gọi mãi Jaques ơi./Tôi bỏ rơi bạn hay bạn bỏ rơi tôi?/Bạn cầm súng còn tôi giương cờ trắng./Hoa ban trắng và những làn mây trắng/Đàn bồ câu trong mơ trắng muốt chân trời/Điện Biên thành ký ức trắng trong tôi./Bồ câu trắng tháng Tư trong giấc mơ ngày ấy/Sẽ trở về bay quanh tháp Effel./Đừng sợ hãi cánh chim, đừng chạy trốn/Bạn tôi đã trở về, tung cánh mãi quanh tôi”.

KINH QUỐC

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chim-cau-trang-dien-bien-post1631465.tpo