Chiếu xẩm ngày xuân

Tại Hải Phòng, hát xẩm không chỉ được thực hành, biểu diễn trên sân khấu, trong các lễ hội truyền thống mà còn xuất hiện trong các lễ hội âm nhạc đường phố vào các ngày lễ tết, được truyền dạy trong trường học.

Những ngày đầu xuân hay trong các dịp lễ Tết, nhiều du khách đến Thành phố Hải Phòng không khỏi ngạc nhiên khi gặp một “Chiếu xẩm” ngay giữa dải vườn hoa trung tâm thành phố hay tại không gian phố đi bộ Tam Bạc. Những giai điệu mộc mạc, gần gũi, cùng tiếng nhị, tiếng phách, hòa trong không khí của ngày xuân thật hấp dẫn và lôi cuốn.

Anh Lê Hoàng Giang (du khách từ Hà Nội) lần đầu được nghe hát xẩm trong không gian mở - Hội chợ xuân, cho biết: "Được nghe các nghệ sĩ biểu diễn văn hóa dân gian, đặc biệt phần hát xẩm, cảm xúc của tôi có gì đó vừa là xúc động, cảm thấy đây là nét văn hóa rất cần phát huy, cần lan tỏa. Bây giờ, mọi người rất vội vã với ngày xuân của đất nước, của thời buổi kinh tế thị trường. Khi được nghe lại những văn hóa dân gian xưa cũ thế này, mình cảm giác lắng đọng; các nghệ sĩ biểu diễn rất chất lượng".

CLB hát xẩm Hải Phòng biểu diễn tại Chương trình Hương đất Việt - Tết sum vầy 2023 tổ chức tại Cung Văn hóa Việt - Tiệp (Hải Phòng).

Thế nhưng, với người dân Hải Phòng thì những “chiếu xẩm” thế này đã trở nên gần gũi, thân thương, bởi CLB Hát Xẩm Hải Phòng không chỉ biểu diễn trong sân khấu Nhà hát hay Trung tâm Văn hóa mà còn thường xuyên công diễn tại nhiều không gian mở như: phố đi bộ Tam Bạc, Vườn hoa Nhà kèn, dải trung tâm thành phố… Bà Phạm Thị Hải Yến (quận Lê Chân, Hải Phòng) nói: "Qua làn điệu hát xẩm, tôi thấy được loại hình nghệ thuật dân gian của nước nhà đã được lưu truyền từ bao đời. Tôi rất yêu thích môn nghệ thuật này và mong muốn tổ chức nhiều hơn những buổi hát xẩm thế này để tuổi trẻ hiểu và đam mê nghệ thuật cổ truyền dân tộc".

Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh, người có công thành lập CLB hát xẩm Hải Phòng và góp nhiều công sức cho việc bảo tồn, quảng bá nghệ thuật xẩm.

Hát xẩm là một loại hình diễn xướng từng rất phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ khi xưa. Âm nhạc và lời ca của xẩm mộc mạc, chân thành mà chứa đựng những tư tưởng nhân văn sâu sắc. Lời ca trong hát xẩm thường là những câu ca dao, tục ngữ, những vần thơ gần gũi với người nghe và đa dạng về mặt nội dung, từ hát chúc mừng, ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi công cha nghĩa mẹ, tình yêu lứa đôi... Anh Đặng Đức Tám, thành viên CLB Hát Xẩm Hải Phòng tự hào: "Văn hóa xẩm là văn hóa dân gian, văn hóa cổ của các cụ ngày xưa. Người ta mang lời ca tiếng hát biểu hiện những sắc thái hỉ, nộ, ái, ố; nó mang tính châm biếm, mang tính trào phúng và mang tính giáo dục. Trong Cách mạng, hát xẩm cũng là loại hình mang tính tuyên truyền, giác ngộ cách mạng rất cao, ví dụ: bài hát của cụ Hà Thị Cầu như bài “Theo Đảng trọn đời”. Bây giờ, rất mong có nhiều bạn sẽ đến với xẩm hơn".

Người có công thành lập CLB hát xẩm Hải Phòng và góp nhiều công sức cho việc bảo tồn, quảng bá nghệ thuật xẩm nói chung là nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh. Bản thân học ngành kỹ thuật thông tin, gia đình Bạch Linh cũng không có truyền thống nghệ thuật; thế nhưng niềm yêu thích các làn điệu dân ca đã có trong anh từ những ngày thơ bé. Khi đó, bà nội anh rất thích nghe chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền trên Đài Tiếng nói Việt Nam; anh có "nhiệm vụ" hàng ngày mở đài cho bà nghe và được bà giảng giải về cái hay, cái đẹp trong các làn điệu dân ca. Có lẽ bởi vậy, năm 2002, khi lần đầu được nghe nghệ nhân Hà Thị Cầu hát xẩm, anh đã “phải lòng” làn điệu này. Từ đó, cứ cuối tuần là chàng sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội lại lặn lội cả trăm cây số về xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình để học đàn, học hát từ Nghệ nhân Hà Thị Cầu và kiên trì theo học đến khi cụ qua đời.

Năm 2009, chuyển công tác từ Hà Nội về Hải Phòng, Đào Bạch Linh đã mang theo cả niềm đam mê hát Xẩm và lan tỏa trong cộng đồng tại thành phố Cảng. Từ những thành viên ban đầu, cuối năm 2011, anh thành lập CLB hát xẩm Hải Thành hay còn gọi là Chiếu xẩm Hải Thành, 1 trong 3 chiếu xẩm lớn nhất cả nước thời điểm đó. Đến nay, nhiều CLB hát xẩm đã được thành lập tại các địa phương; trong đó, đều có sự hỗ trợ của nghệ nhân Đào Bạch Linh.

"Tôi cũng đi khắp nơi, hướng dẫn mọi người sinh hoạt về chuyên môn và thành lập CLB. Đến nay, nhiều câu lạc bộ hoạt động rất mạnh; nhiều hy vọng cho sự phát triển vững mạnh và phát huy nghệ thuật hát xẩm. Gần đây, thời gian của tôi chủ yếu là đi truyền dạy, đi lan tỏa, khắp trong toàn quốc, từ miền Nam trở ra ngoài Bắc. Những nơi nào có xẩm là có mặt của mình", anh cho biết.

Khán giả xem hát Xẩm tại Lễ hội âm nhạc đường phố Hải Phòng.

Trong các kỳ Liên hoan Hát xẩm tỉnh Ninh Bình mở rộng, CLB Hát Xẩm Hải Phòng đều giành giải cao. CLB Hát Xẩm Hải Phòng cũng thành công trong phục dựng ngày Giỗ tổ nghề, trở thành hoạt động thường niên, thu hút nhiều CLB hát Xẩm ở các địa phương tham gia.

Năm 2012, Nghệ nhân Đào Bạch Linh bắt đầu đưa hát xẩm vào dạy tại Trường Khiếm thị Hải Phòng và đến năm 2019, anh tiếp tục phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng mở lớp dạy hát xẩm cho sinh viên. Lần đầu tiên hát xẩm vào học đường và được dạy thành một khóa học, được cấp chứng chỉ.

Từ một loại hình diễn xướng dân gian phổ biến nơi đông người, xẩm đã lên sân khấu trong các chương trình nghệ thuật, phục vụ khách du lịch, vào trường học, có sức sống và lan tỏa trong đời sống tinh thần của người dân. Đây là nỗ lực rất lớn của CLB Hát xẩm Hải Phòng nói riêng và các nghệ nhân hát xẩm nói chung trong gìn giữ và trao truyền vốn văn hóa quý báu của cha ông./.

Thanh Nga/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/chieu-xam-ngay-xuan-post997895.vov