Chiêu trò quay vòng vé xe thu tiền khách đi lễ đầu năm

Thu tiền gửi xe cao hơn giá niêm yết, quay vòng vé xe để lách luật,… đó là những gì đang xảy ra tại điểm trông giữ xe bên ngoài điểm tham quan di tích ở Hà Nội.

Vé xe tự chế lộng hành, quay vòng vé thu tiền của khách

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều người dân đi lễ đầu năm tại các địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn Thủ đô, kéo theo nhu cầu gửi phương tiện gia tăng.

Theo khảo sát của PV, bên cạnh các bãi trông xe được cấp phép, còn xuất hiện nhiều điểm dịch vụ tự phát đang thu phí cao so với quy định. Cho dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc kiểm tra và xử phạt, nhưng tình trạng vi phạm vẫn ngang nhiên xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, gây bức xúc trong dư luận.

Theo Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND TP. Hà Nội, giá dịch vụ trông giữ xe máy tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa vào ban ngày là 3.000 đồng/lượt, ban đêm là 5.000 đồng/lượt. Với xe ô tô dưới 9 ghế ngồi, theo từng lượt tại các tuyến đường, phố thuộc các quận nằm trong đường Vành đai 1 và trên Vành đai 1 (trừ quận Hoàn Kiếm là 30.000 đồng) là 25.000 đồng/lượt, tối đa 60 phút.

Quy định là vậy, thế nhưng tại một số bãi trông giữ xe có mức giá thu phí thường cao gấp 2-3 lần so với quy định. Cụ thể, giá vé xe máy trung bình 10.000 - 15.000 đồng/lượt. Giá vé ô tô có giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/lượt.

Đặc điểm chung của các điểm trông giữ này là sử dụng lòng hè đường để trông giữ xe, vé xe tự chế theo các kiểu mẫu khác nhau không đúng theo quy định của cơ quan nhà nước,… Trong khi tình trạng thu phí cao hơn so với quy định chưa được chấn chỉnh, thì có địa điểm nhân viên trông giữ xe còn dùng chiêu quay vòng vé đưa cho khách, nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

 Nhân viên trông giữ xe nhanh tay “ném” vé xe quay vòng cho khách

Nhân viên trông giữ xe nhanh tay “ném” vé xe quay vòng cho khách

Cụ thể, tại khu vực bên ngoài đền Bia Bà (quận Hà Đông, Hà Nội), giá vé thu tiền 1 xe ô tô là 30.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, điều lạ là nhân viên bãi trông giữ không hề chủ động đưa vé cho khách, chỉ khi PV hỏi thì người này mới nhanh tay “ném” vào trong xe. Kiểm tra thì thấy đây là vé cũ được in từ trước đó một tuần, ngày ghi trong vé là 25/01/2023. “Giá vé xe ô tô 30.000 đồng/lượt, thời gian tùy ý”, một nhân viên nói.

 Vé xe gửi ô tô ghi ngày 25/1/2023, trước một tuần ngày khách đến

Vé xe gửi ô tô ghi ngày 25/1/2023, trước một tuần ngày khách đến

Ghi nhận nhiều ngày tại khu vực này cho thấy, địa điểm có lượng khách đông nhất là vào giờ trưa các ngày trong tuần và những ngày nghỉ. Thậm chí, có nhiều thời điểm lượng ô tô, xe máy đến đông còn xảy ra tắc nghẽn giao thông. Với việc thu phí theo kiểu quay vòng vé xe như vậy, hoặc nếu những trường hợp không được ghi vé thì số tiền trông giữ thu được sẽ chui vào túi ai?

Điểm trông giữ xe khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám dùng vé tự chế và thu 10.000/xe máy

Điểm trông giữ xe khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám dùng vé tự chế và thu 10.000/xe máy

Thời điểm đầu năm đến nay, tại Hà Nội còn xảy ra tình trạng các bãi trông giữ xe tự chế vé không theo đúng mẫu quy định. Lợi dụng việc vé tự chế lộng hành, các điểm trông giữ đều thu tiền vượt gấp 2-3 lần so với giá vé quy định.

 Điểm trông giữ xe lấn chiếm lòng, lề đường vẫn chặt chém du khách

Điểm trông giữ xe lấn chiếm lòng, lề đường vẫn chặt chém du khách

Đơn cử, khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội) nhân viên trông giữ xe ngang nhiên chặt chém du khách. Bãi trông giữ này luôn có hàng chục chiếc xe máy xếp hàng dài, án ngữ trên vỉa hè đường Văn Miếu.

Một người đàn ông trông giữ xe cho biết, giá vé là 10.000 đồng/lượt và khách hàng trả tiền khi ra về. Vậy nhưng, theo quan sát của PV thì chiếc vé người đàn ông này đưa cho khách rất sơ sài và chỉ thể hiện số, chữ ký ghi tên: Trịnh Thị Thu, 27 Văn Miếu. Như vậy, số tiền thu được liệu có được hạch toán hay báo cáo và nộp thuế vào ngân sách nhà nước hay không?

Vé xe tự chế không ghi theo đúng quy định

Vé xe tự chế không ghi theo đúng quy định

Còn tại khu vực bên ngoài đền Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội), lượng khách thập phương đến đông nên nhu cầu gửi xe máy luôn đông đúc. Nắm bắt nhu cầu của người dân, dịch vụ trông xe bên cạnh cổng đền đã tự ý tăng giá trông xe máy lên 10.000 đồng/lượt, tăng gấp đôi so với giá quy định.

 Điểm trông giữ xe ở khu vực đền Quán Thánh thu 10.000 đồng/lượt xe máy

Điểm trông giữ xe ở khu vực đền Quán Thánh thu 10.000 đồng/lượt xe máy

Qua quan sát, PV thấy trên vé trông giữ xe không ghi thông tin mức phí thu tiền theo quy định là 5.000 đồng/lượt. Có thể, những điểm trông giữ xe như thế này đã lợi dụng để mập mờ thu phí tăng gấp đôi so với quy định.

Cần xử lý triệt để, ngăn chặn tình trạng “thổi giá” vé xe

Có thể nói, việc chặt chém giá trông giữ xe đối với du khách luôn là bài toán nan giải ở các điểm du lịch, lễ hội. Mặc dù các cơ quan chức năng các địa phương đã vào cuộc kiểm tra, thậm chí đã có biện pháp xử lý, song tình trạng này vẫn lặp đi lặp lại. Vậy nguyên nhân liệu có phải do việc chính quyền địa phương “bật đèn xanh”, hay bởi người dân và tổ chức trông giữ xe đang chặt chém du khách đã “nhờn luật”?.

 Các điểm trông giữ xe luôn tấp nập dịp lễ hội đầu năm

Các điểm trông giữ xe luôn tấp nập dịp lễ hội đầu năm

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trông giữ xe tăng so với giá quy định, sử dụng vé tự chế, quay vòng vé xe… diễn ra khá phổ biến là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Hơn nữa, việc phân cấp quản lý, cấp phép, xử phạt các điểm trông giữ xe chồng chéo đã khiến các đơn vị liên quan lúng túng trong việc xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. Đáng nói, cũng bởi do khoản lợi nhuận rất lớn từ việc thu phí trông giữ xe nên nhiều tổ chức, cá nhân đã bất chấp quy định, thậm chí chấp nhận bị xử phạt và tái diễn vi phạm.

Được biết, mới đây trong văn bản phát đi từ Bộ Tài chính cho biết, sau Tết là thời điểm nhiều lễ hội trên cả nước diễn ra, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 22/CT-TTg, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 04/TB-VPCP ngày 05/01/2023.

Cũng theo Bộ Tài chính, hiện giá dịch vụ giữ xe về cơ bản ổn định, ở tại các siêu thị, trung tâm thương mại giá dịch vụ giữ xe thực hiện tốt theo đúng quy định. Tuy nhiên, nhiều điểm tham quan di tích, tâm linh và du lịch lễ hội đang có biến động tăng giá dịch vụ trông giữ, gửi xe.

Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương cần tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô).

Với việc các Bộ ngành chỉ đạo quyết liệt là vậy, dư luận đang chờ đợi tình trạng chặt chém du khách tại các điểm tham quan di tích, tâm linh và du lịch lễ hội không còn “đất sống”. Thế nhưng, việc này rất cần được cơ quan quản lý của các địa phương cùng vào cuộc một cách quyết liệt, có biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và cần áp dụng các chế tài mạnh tay để kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, răn đe đối với các trường hợp vi phạm và không để vi phạm cũ tái diễn, vi phạm mới phát sinh, triệt tiêu tình trạng chặt chém du khách lộng hành. Ngoài ra, các tổ chức và cá nhân phải chấp hành đúng quy định trong hoạt động trông giữ phương tiện. Cùng với đó, bản thân người dân cũng cần tìm hiểu, nắm bắt các quy định và không gửi xe ở các điểm trông giữ xe tự phát, thu phí sai quy định, đồng thời báo với cơ quan chức năng địa phương để kiểm tra, xử lý.

Khôi Nguyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chieu-tro-quay-vong-ve-xe-thu-tien-khach-di-le-dau-nam-241067.html