Chiêu trò 'lùa gà' của các quỹ đầu tư tiền số ở Việt Nam

Nhiều quỹ tiền số tại Việt Nam thu phí của người tham gia góp vốn. Tuy nhiên, dù token tăng hay giảm, nhà đầu tư luôn có nguy cơ chịu thiệt.

Venture capital (quỹ đầu tư mạo hiểm) là tổ chức tập hợp tiền của người dùng để đầu tư vào các công ty ở giai đoạn đầu thành lập. Gần đây, tại Việt Nam các “ventures”, “capital”, “holding” mọc lên như nấm cùng sự phát triển của thị trường tiền mã hóa. Bên cạnh mục đích góp vốn, đầu tư cho các dự án tiềm năng, mô hình quỹ tiền số ở Việt Nam đang dần biến tướng, hoạt động sai chức năng, gây mất tiền của người tham gia.

Quỹ đầu tư thu phí của người “đi pool”

Trao đổi với Zing, nhà đầu tư M.X người thường xuyên góp vốn vào các quỹ để mua token từ vòng private sale (bán token trước khi lên sàn) cho biết việc góp vốn, mua sớm token dự án với các tổ chức có rủi ro cao, đi kèm lợi nhuận lớn.

Quỹ tiền số quảng cáo kèo "đi pool" (góp vốn) với lợi nhuận gấp 1.000 lần.

Các dự án tiền số thường gọi vốn thông qua hoạt động bán token với giá rẻ ở các vòng ban đầu. Giá token mua ở giai đoạn này thường rẻ hơn nhiều lần so với lúc đã lên sàn. Do đó, người mua token sớm có cơ hội thu về khoản lợi nhuận khổng lồ.

Tuy nhiên, việc mua ở các vòng private sale tồn tại nhiều nguy cơ. Phần lớn dự án ở vòng gọi vốn đều dừng lại ở mức ý tưởng, chưa có nền tảng rõ ràng, người bỏ tiền sẽ mất trắng nếu đầu tư cho các tổ chức lừa đảo.

Bên cạnh đó, tùy dự án với tokenomic khác nhau mà lượng tiền số bán sớm sẽ bị khóa trong khoảng thời gian nhất định. Việc khóa token là cam kết đồng hành của nhà đầu tư với dự án. Đồng thời, điều này giúp hạn chế bán tháo, người mua sau không bị xả hàng.

“Thời gian đầu tư vào các quỹ này thường khá dài, 2-3 tháng với dự án uy tín. Có những dự án kéo dài đến cả năm”, ông M.X nói với Zing.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cá nhân thường không có quyền mua private sale. Quyền lợi này chủ yếu dành cho những quỹ tài chính. Do đó, nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn tham gia phải thông qua các “ventures”, “capital”, “holding”. Trong giới đầu tư tiền số, việc góp vốn này được gọi là "đi pool".

Ông M.X cho biết các quỹ đầu tư tại Việt Nam sẽ thẩm định dự án, lấy quyền mua sớm và phân phối tới người dùng cá nhân. “Nhà đầu tư nhỏ lẻ như chúng tôi muốn tham gia thì phải thông qua quỹ. Ngoài ra, các tổ chức này còn yêu cầu bỏ ra một khoản phí ban đầu. Tùy dự án và quỹ mà con số này dao động 10-25% số tiền đầu tư”, nhà đầu tư trên nói với Zing.

Ngoài ra, việc "đi pool" của nhà đầu tư trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào niềm tin. Lượng tiền số những người tham gia góp vốn được quản lý bởi người đứng sau quỹ. Bên cạnh đó, việc liên hệ, góp tiền được thực hiện thông qua ứng dụng nhắn tin, không có giấy tờ, cam kết đảm bảo.

Nhà đầu tư luôn là người chịu thiệt

Trong một hội nhóm đầu tư, người dùng Đặng Duy lên tiếng tố cáo T.T Ventures, nhận tiền của những nhà đầu khác để mua token private sale dự án New Order (NEWO). Tuy nhiên, khi giá trị đồng tiền số này tăng mạnh, người đứng quỹ thông báo dự án trả lại tiền đầu tư, số tiền lời coi như mất.

Người đứng sau một quỹ thông báo trả lại tiền vốn cho nhà đầu tư sau khi giá token tăng, không chia tiền lời.

Đặng Duy liên hệ với đại diện đội ngũ dự NEWO để tìm hiểu về sự việc. Phía New Order cho biết không có việc hoàn tiền của quỹ nêu trên. Do đó, những người bỏ tiền “đi pool” cho rằng phía T.T Venture lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

Ông Thái Sơn, chuyên gia từ nền tảng phân tích blockchain Otis Report cho biết từng ghi nhận nhiều trường hợp nhà đầu tư tham gia quỹ để mua token dự án sớm. Tuy nhiên, khi giá đồng tiền số tăng cao, lãi vài vài trăm lần, phía quỹ đòi trả lại tiền cho người tham gia để chiếm trọn khoản lợi nhuận khổng lồ.

“Trong những trường hợp này, nhà đầu tư không còn cách nào khác ngoài việc ‘ngậm đắng’ nhận lại số tiền ban đầu. Người tham gia không thể khởi kiện chủ quỹ tội chiếm đoạt tài sản vì họ đã trả lại tiền góp vốn. Đồng thời, việc đầu tư chỉ được thỏa thuận qua tin nhắn, không có hợp đồng hay văn bản pháp lý nào”, ông Thái Sơn chia sẻ với Zing.

Đồng thời, nhà đầu tư tham gia pool còn đối mặt với nguy cơ mất trắng khi tham gia vào dự án kém chất lượng. Theo nhà đầu tư M.X, người tham gia đầu tư mạo hiểm dạng này còn phải đối mặt với nhiều vấn đề như dự án không trả token, trễ hẹn. Hay sau khi được niêm yết, giá của đồng tiền số giảm mạnh, thấp hơn cả các vòng private sale.

Dự án quốc tế tránh né quỹ đầu tư từ Việt Nam

Đồng quan điểm, ông Phạm Hưởng, người sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của GFS Ventures, đối tác của Near Protocol tại Việt Nam cho rằng các tổ chức đầu tư tiền số tại Việt Nam không có tầm nhìn dài hạn.

“Do không đủ năng lực, kinh nghiệm và dùng vốn của người khác mà không có ràng buộc nên các quỹ thường vô trách nhiệm trong quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, họ đầu tư dàn trải và bất chấp để thu phí từ cộng đồng, thậm chí là bơm tiền vào dự án đa cấp, lừa đảo, bánh vẽ hay kém chất lượng để trục lợi từ người góp vốn”, ông Hưởng nói với Zing.

Các dự án blockchain lớn không muốn cho quỹ đầu tư từ Việt Nam góp vốn

Phạm Hưởng, người sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành GFS Ventures

Theo chuyên gia này, hoạt động thiếu minh bạch của các “ventures” tự xưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh các quỹ đầu tư uy tín tại Việt Nam. “Hiện nay, các dự án blockchain lớn đang dần tránh né, không muốn cho quỹ đầu tư từ Việt Nam góp vốn hoặc để phân bổ một tỷ lệ rất thấp”, ông Hưởng cho biết.

"Hiện nay, có một số tổ chức, cá nhân hoạt động dưới tên gọi 'quỹ đầu tư tiền số' nhưng thực chất thường hoạt động theo mô hình đa cấp", luật sư Phan Vũ Tuấn, sáng lập công ty luật Phan Law, Phó chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP.HCM trả lời Zing.

Theo luật sư Tuấn, với tiền số nói chung và việc thành lập các quỹ đầu tư tiền số, hiện nay pháp luật chưa có quy định điều chỉnh cụ thể. Đồng thời, việc xác định tính hợp pháp của vấn đề này cần dựa trên phương thức hoạt động của quỹ.

Xuân Sang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chieu-tro-lua-ga-cua-cac-quy-dau-tu-tien-so-o-viet-nam-post1290560.html