Chiêu trò lố bịch

Không phải gần đây mà đã từ nhiều năm, một số cơ quan truyền thông phương Tây, nhất là các trang tiếng Việt của VOA, RFA, RFI, BBC và RFE/RL - Đài châu Âu tự do… luôn nhân danh tự do, bảo vệ tự do báo chí, tự do ngôn luận để vi phạm một cách trắng trợn vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Chưa hết, họ còn bóp méo sự thật một cách tinh vi khiến thông tin bị sai lệch, gây phương hại đến sự phát triển của quốc gia khác. Một trong những luận điệu mà lâu nay các tổ chức này vẫn thường xuyên rêu rao rằng ở Việt Nam không có tự do ngôn luận và tự do báo chí. Với luận điệu này, họ đã cố tình tảng lờ thực tế về tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam, đồng thời họ ngang nhiên bóp méo công ước quốc tế về vấn đề này.

Chính điều này đã phơi bày sự thật rằng, ngay cả ở phương Tây, hay nước Mỹ - nơi vẫn được gọi là “thế giới tự do”, tự do ngôn luận và tự do báo chí thì cũng chỉ là điều không tưởng. Bằng chứng là ngày 8-1-2023, trên trang facebook tiếng Việt của Đài VOA có đăng bài với tựa đề “Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos: Trường hợp Phạm Đoan Trang là điển hình về vi phạm tự do báo chí”. Nội dung bài viết này có đoạn: Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Hoa Kỳ vừa kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, cho rằng trường hợp của bà Trang là điển hình về vi phạm tự do truyền thông và tự do báo chí trên toàn thế giới… Bà Phạm Đoan Trang, người đã bị kết án 9 năm tù vào năm ngoái. Việt Nam phải trả tự do cho bà ấy ngay lập tức và vô điều kiện”.

Chưa hết, bài viết này còn dẫn chứng ý kiến của ông Ro Khanna là Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ, thành viên của Ủy ban Tom Lantos, đồng thời cũng là người bảo trợ cho Phạm Đoan Trang, rằng: “Chúng tôi sẽ không ngừng đấu tranh cho tự do của bà Phạm Đoan Trang. Chính phủ Việt Nam đã nhắm mục tiêu và tra tấn bà vì bảo vệ nhân quyền”… Cảm ơn Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos và tổ chức Phóng viên Không biên giới Quốc tế và tất cả mọi người đang đấu tranh để trả tự do cho bà ấy và tự do cho tất cả tù nhân chính trị ở Việt Nam”. Cũng trong bài viết này cho biết trước đó, nhờ sự vận động của Dân biểu Ro Khanna nên ngày 8-8-2022, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos đã chấp nhận bảo trợ cho nhà báo, tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang, đồng thời các dân biểu Hoa Kỳ cũng đã yêu cầu Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng gây áp lực để nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho bà.

Đây quả là một chiêu trò không những trơ trẽn, ngông cuồng mà còn vô cùng khôi hài và lố bịch của Đài VOA, cũng như cái gọi là Ủy ban Tom Lantos và vị dân biểu của Hoa Kỳ nêu trên. Bởi lẽ, Đài VOA chỉ là cơ quan dịch vụ truyền thông, còn Ủy ban Tom Lantos chỉ là một tổ chức phi chính phủ và vị dân biểu kia chỉ là một cá nhân thì có tư cách gì mà dám đưa ra yêu cầu, yêu sách với một quốc gia có chủ quyền, rằng: “Việt Nam phải trả tự do cho bà ấy ngay lập tức và vô điều kiện”? Như vậy, tất cả tổ chức, cá nhân nêu trên của Hoa Kỳ chẳng hiểu gì về nguyên tắc đối ngoại song phương. Quan hệ song phương là việc tiến hành các mối quan hệ chính trị, kinh tế hoặc văn hóa giữa 2 quốc gia có chủ quyền. Khi các quốc gia công nhận nhau là quốc gia có chủ quyền và đồng ý quan hệ ngoại giao, họ tạo ra mối quan hệ song phương. Và đại diện cho 2 quốc gia là cơ quan ngoại giao chứ không phải tổ chức phi chính phủ hay cá nhân nào có thẩm quyền.

Hơn nữa, hành vi của các tổ chức, cá nhân nêu trên ở Mỹ đã vi phạm trắng trợn Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Theo đó, tại khoản 1, Điều 1 của Công ước đã quy định rõ: Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Như vậy, quyền dân tộc tự quyết là quyền của mỗi quốc gia trong việc tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế - xã hội; tự giải quyết các vấn đề đối nội không có sự can thiệp từ bên ngoài; quyền các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc tiến hành đấu tranh, kể cả đấu tranh vũ trang để giành độc lập và nhận sự giúp đỡ, ủng hộ từ bên ngoài, kể cả giúp đỡ về quân sự; tự lựa chọn con đường phát triển phù hợp với truyền thống, lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, điều kiện địa lý. Tất cả quyền nêu trên của mỗi dân tộc đều được các dân tộc và các quốc gia khác tôn trọng, không một nước hay tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.

Đặc biệt, khi xác quyết các quyền tự do và quyền con người nói chung, tại khoản 3, Điều 29 trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc đã quy định: “Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Trong tiến trình phát triển của nhân loại, chưa bao giờ có “tự do báo chí tuyệt đối” hay “tự do báo chí không giới hạn”. Nếu ai đó tin rằng có tự do báo chí tuyệt đối, tự do báo chí cho mọi người thì hoặc là họ ngây thơ về chính trị hoặc cố tình phủ nhận sự thật. Ở những nước có nền truyền thông phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh thì tự do báo chí cũng đều phải tuân theo những nguyên tắc, chuẩn mực và luật lệ nhất định của nước đó.

Bằng chứng là tại Ðiều 2385, Chương 115 trong Bộ luật Hình sự nước Mỹ có ghi rõ: Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng, tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hay bạo lực. Trong khi đó, báo chí ở Việt Nam có thể tham gia vào mọi vấn đề mà pháp luật không ngăn cấm, trừ những bài viết có tính chất kích động bạo lực, chiến tranh; gây chia rẽ đoàn kết dân tộc; truyền bá, cổ vũ cho những tư tưởng cực đoan chống phá chế độ, Nhà nước… Do đó, việc xử lý một số người có hành vi vi phạm luật pháp của Nhà nước Việt Nam đối với Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Lê Mạnh Hà, Nguyễn Văn Hóa, Trương Duy Nhất, Nguyễn Tường Thụy… là việc làm bình thường và cần thiết vì sự ổn định tình hình chính trị, xã hội của đất nước.

Nói tóm lại, mỗi quốc gia, dân tộc đều có quyền tự quyết về thể chế chính trị, tự do phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với truyền thống, lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, điều kiện địa lý của mình. Không một tổ chức hay quốc gia nào có quyền quy chụp hay áp đặt tiêu chí tự do ngôn luận, tự do báo chí của quốc gia mình đối với quốc gia khác có chủ quyền. Chính vì thế, việc làm nêu trên của VOA, RFA, RFI, BBC, RFE/RL và Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos chỉ là trò hề của những kẻ “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” mà thôi.

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/141766/chieu-tro-lo-bich