“Chiến tranh gắn kết Việt - Nga“

Tiến sỹ Anatoly Sokolov, chuyên gia về Việt Nam tại Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga đưa ra bình luận về quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Hôm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến thăm nhà nước tới Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ chiến lược song phương.

Nhân sự kiện này, BBC đã có bài phỏng vấn Tiến sỹ Anatoly Sokolov, chuyên gia về Việt Nam tại Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, về quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) và Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến thăm Nga tháng 7/2012. Ảnh: TTXVN.

TS Sokolov: Đúng là về mặt địa lý thì Việt Nam và Nga nằm ở rất xa nhau. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 19, giữa hai bên đã có những liên hệ đầu tiên. Các tàu Nga, kể cả tàu chiến, đã tới Việt Nam vào thời gian ấy. Sa hoàng tương lai Nikolai Đệ nhị của Nga lúc đó đã từng có mặt ở Sài Gòn.

Quan hệ giữa hai nước trở nên thân thiết hơn từ sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, khi ý tưởng về cách mạng toàn thế giới lan truyền tới các nước, nhất là các nước thuộc địa ở Đông Dương.

Vào những năm 20-30 thế kỷ trước, nhiều người Việt Nam đã theo học các khóa của Cộng sản quốc tế ở Moscow, trong đó có lãnh tụ Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai...

Đến cuối Thế chiến II, khi Việt Nam giành độc lập từ thực dân Pháp thì quan hệ song phương với Nga đã chính thức được thiết lập. Năm 1950, Liên bang Xô-viết công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đó, hai nước có mối quan hệ trung thực và hữu nghị.

- Có chi tiết khá thú vị là người Việt Nam đã từng tham gia chiến đấu ở Liên Xô thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai?

TS Sokolov: Vâng, trong cuốn sách "Comintern và Việt Nam" của tôi, có nhắc lại việc ông Lê Hồng Phong đã học tập ở trường đào tạo phi công của Liên Xô. Khi Chiến tranh thế giới II bắt đầu và phát xít Đức tiến về Moscow, một số người Việt Nam ở đây đã tình nguyện tham gia chiến đấu bảo vệ Moscow.

Theo các tài liệu thì con số người Việt Nam tham gia bảo vệ thủ đô nước Nga lúc đó là 5 hoặc 6 người. Họ đã hy sinh và sau được nhà nước Xô-viết truy tặng huân chương, đó là sự thực. Người dân Nga cũng hết sức biết ơn việc họ đã hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước chúng tôi.

- Và ngược lại, người Nga cũng đã tham gia trong các cuộc chiến ở Việt Nam?

TS Sokolov: Vâng, chúng ta nói tới hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất đánh thực dân Pháp, nhiều người Nga tham gia lực lượng lính lê dương của Pháp đã chạy sang phía Việt Minh. Một trong số đó là ông Platon Skrzhinski.

Rồi sau đó có ông Fyodor Bessmernyi, và nhiều người khác. Những người này tham gia lê dương vì nhiều lý do nhưng sau đó hiểu ra là số phận của họ gắn liền với cuộc đấu tranh độc lập dân tộc của người Việt Nam. (Tổng cộng có bốn làn sóng người Nga gia nhập quân đoàn viễn chinh nước ngoài tại Đông Dương. Đầu tiên là hồi cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, làn sóng thứ hai là những năm 20 của thế kỷ trước, thứ ba là khi Chiến tranh thế giới II bắt đầu, và đợt thứ tư là những năm chiến tranh. Năm 1921, có 107 lính lê dương Nga ở Việt Nam. Đến năm 1929, con số này lên đến 129).

Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai chống Mỹ, Liên bang Xô-viết cũng ủng hộ nhân dân Việt Nam một cách tích cực về cả quân sự, kỹ thuật, văn hóa... tức là hỗ trợ toàn diện.

Tại sao lại có sự hỗ trợ như vậy? Tôi nghĩ là vì bản thân người Nga, người Xô-viết đã phải trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt nên đồng cảm được với người Việt Nam. Lúc đó nhiều người Nga đã đóng góp tiền bạc, ngày công lao động... cho Việt Nam.

Có một bộ phim tài liệu nhan đề: "Không nỗi đau nào của riêng ai" dựa trên ý thơ của nhà thơ Simonov đã phản ánh đúng tâm tư của người dân Xô-viết thời đó.

Quan hệ giữa Nga và Việt Nam là quan hệ lâu dài và vững chắc. Việc Tổng thống Putin tới Việt Nam lần này, trong chuyến thăm hai bên ký kết nhiều tài liệu quan trọng, cũng chứng tỏ ý nghĩa của Việt Nam đối với nước Nga.

Trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Vladimir Putin, tôi nghĩ ông Putin sẽ lần nữa khẳng định rằng quan hệ giữa Nga và Việt Nam là quan hệ lịch sử - chiến lược, quan hệ hữu nghị dựa trên các viễn cảnh tầm xa, hướng tới tương lai.

Bản thân tôi với tư cách người nghiên cứu lịch sử Việt Nam, tôi theo dõi sự kiện này với một sự lạc quan. Tôi cũng tin rằng quan hệ hai bên sẽ tiếp tục phát triển lâu dài và hiệu quả.

- Liệu chúng ta có thể nói đến một lòng tin nào đó giữa hai nước?

TS Sokolov: Nhân dân Nga và Việt Nam đều trải qua các cuộc chiến tranh nặng nề. Chiến tranh luôn khiến con người nhận ra bản chất thật của mình, chứng tỏ mình, và phải chăng, điều đó đã gắn kết hai nước?

Theo BBC

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/chien-tranh-gan-ket-viet-nga-280304.html