'Chiến tranh đã cướp đi của tôi quyền được yêu, được làm mẹ'

Bị nhiễm độc nặng sau những năm tháng sản xuất phục vụ kháng chiến, bà Trần Thị Súy phải cắt bỏ hoàn toàn buồng trứng và dạ con. Ước mơ về một tình yêu, một hạnh phúc bình dị và được làm mẹ của bà đã vĩnh viễn khép lại khi tuổi vừa độ đôi mươi. Đi qua 2/3 cuộc đời, bà Súy luôn tâm niệm bản thân phải vui vẻ để sống không chỉ cho bản thân mà còn cho những người đã 'ngã xuống' vì hòa bình của đất nước.

Bàn thờ được bà Súy lập lên để thờ Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lời thề ước chưa "tròn"

Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa những ngày tháng 7 vui tươi và tất bật hơn hẳn những ngày thường. Tất cả cán bộ, y bác sỹ tại đây đang khẩn trương chuẩn bị các hoạt động hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023).

Dọc con đường bê tông dẫn vào khu nhà ở dành cho những thương bệnh binh, người có công được phủ đầy bởi những chậu hoa đủ sắc màu. Trên những chiếc ghế đá được xếp ngay ngắn dưới tán cây rợp bóng, một nhóm người cao tuổi quây quần bên nhau, chia sẻ những câu chuyện về gia đình, cuộc sống, sức khỏe.

Phía bên ngoài khoảng sân rộng của trung tâm, một người phụ nữ đang đưa đôi chân thoăn thoắt đạp từng vòng xe. Người phụ nữ đó là bà Trần Thị Súy (trú tại xã Nga Trường, Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Với bà Súy, đạp xe là thói quen rèn luyện sức khỏe hàng ngày. Thông thường, những khi đường phố thưa vắng, bà lại đạp xe từ trung tâm ra biển, hít hà cái vị mặn mòi của biển khơi rồi ngược trở lại. Chiều hôm nay, khi bầu trời xuất hiện những đám mây đen và gió thổi mạnh báo hiệu cơn mưa sắp tới nên bà Súy chọn cách đạp xe quanh khuôn viên trung tâm trước khi trở về phòng nấu bữa cơm tối.

Bà Trần Thị Súy chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam.

Thấy tôi nhìn theo bà Súy một hồi lâu, ông Nguyễn Viết Thanh (Phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa) tươi cười giới thiệu. "Bà Súy là một trong những trường hợp đặc biệt của trung tâm. Cuộc đời bà ấy có nhiều câu chuyện để các anh khai thác đấy".

Bà Súy đặc biệt thật! Khi thấy có người cần hỏi chuyện, mặc dù chưa biết là ai nhưng bà đã vồ vập. Bà đưa cánh tay rám nắng nắm lấy bàn tay tôi rồi hỏi đủ câu về công việc, quê quán và gia đình. Rồi khi biết tôi là phóng viên, muốn hỏi chuyện về cuộc đời của bà, người nữ bệnh binh lại càng hồ hởi. Bà bảo: "Tính tôi sởi lởi thành ra thích nói chuyện lắm"! Vừa nói, người nữ bệnh binh vừa kéo tôi ra chiếc ghế đá kê dưới tán một cây nhãn. Chính tại nơi đây, hai con người - một già, một trẻ ngồi kể cho nhau nghe những câu chuyện về tình yêu, về chiến tranh và về cuộc đời.

Bà Súy là bệnh binh với tỷ lệ 81%. Người phụ nữ có dáng người cao, gầy, khuôn mặt rạng rỡ và dù đã trải qua hết những thăng trầm của thời thế nhưng nhìn bà trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 72. Cuộc đời bà là một câu chuyện cảm động về tình yêu, về sự hy sinh cao cả cho những ngày tháng yên bình sau này của đất nước.

Chứng nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và tấm hình kỷ niệm được bà Súy treo trang trọng bên trong căn phòng nơi bà ở.

Bà Súy sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đông anh em tại Nga Trường - một xã nghèo của huyện Nga Sơn. Lớn lên giữa lúc chiến tranh loạn lạc đã hun đúc cho bà một tình yêu cháy bỏng với đất nước. Có lẽ vì thế mà vào tháng 7/1968, dù còn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà Súy lên đường nhập ngũ. Bà được phân công về Đoàn 296, Cục Hậu cần, Tổng cục Hậu cần. Tại đơn vị, bà chịu trách nhiệm bảo đảm nhiên liệu cho máy bay, xe tăng, tàu thủy…

Do đặc thù công việc phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất nên bà Súy bị nhiễm độc chì nặng. "Nhiên liệu máy bay có đến 95% là chì. Thời gian tiếp xúc lâu nên tôi được xác định bị nhiễm độc rất nặng. Chì phá hủy nhiều bộ phận bên trong cơ thể và các bác sĩ phải cắt bỏ hoàn toàn bộ phận sinh sản (buồng trứng, dạ con… - PV) để duy trì sự sống cho tôi", bà Súy chia sẻ.

Mất hoàn toàn khả năng làm mẹ, lại nhớ đến lời hôn ước đã hứa hẹn với người thương nên có đến một khoảng thời gian dài sau đó, bà Súy rơi vào tình trạng tuyệt vọng, đau khổ. Kể đến đây, khuôn mặt người phụ nữ trùng xuống, đôi mắt ngấn lệ. Bà bảo, đã có nhiều lần bà chia sẻ với mọi người về chuyện tình duyên của mình, và lần nào, tâm trạng bà cũng đều không tốt như vậy.

Những năm tháng chiến tranh đã cướp đi của bà Súy "quyền được yêu, được làm mẹ”.

Người thương của bà Súy là một người đàn ông hơn bà 4 tuổi. Thủa nhỏ, giữa gia đình đôi bên đã có hôn ước. Những năm tháng tuổi thơ, được lớn lên cùng nhau khiến tình cảm của họ càng trở nên thắm thiết. Trước ngày lên đường nhập ngũ, ông bà đã gặp nhau, trao cho nhau những lời hứa hẹn về một đám cưới hạnh phúc khi đất nước hoàn toàn giải phóng.

Thế rồi, lời thề ước ấy chưa "tròn" thì tin dữ bà không còn khả năng làm mẹ ập đến. Biết vậy, nhưng ông vẫn muốn gắn bó. Tình cảm đó khiến bà Súy cảm động. Tuy nhiên, mong ước được ở bên nhau cho đến khi cuối đời cũng chẳng thành hiện thực khi gia đình bắt ông phải nên duyên cùng người phụ nữ khác. "Tôi gặp và khuyên ông ấy nên nghe theo lời bố mẹ và yên tâm về tôi thì ông ấy đáp lại một câu khiến mãi đến sau này tôi vẫn còn phải suy nghĩ. Ông ấy bảo rằng: "Chỉ khi nào anh thấy em đi cùng một người đàn ông khác, lúc đấy anh mới có thể yên tâm"", bà Súy nhớ lại.

Chiến tranh đã cướp đi của bà Súy nhiều thứ, trong số đó có quyền được sống hạnh phúc với người mình thương và cả quyền được làm mẹ nhưng bà chẳng có thói quen than thân, trách phận. Bởi theo bà, sinh ra trong thời kỳ chiến tranh nên con người ai ai cũng phải sẵn sàng đối mặt với sự hy sinh. Bà Súy bảo: "Có người phải hy sinh cả tính mạng của mình nên sự hy sinh của tôi có đáng là gì".

Sống giúp những người đã "ngã xuống"

Gạt bỏ hết những vụn vặt riêng tư của tình yêu lứa đôi, sau khi bình phục, bà Súy tiếp tục xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Những năm tháng về sau đó đã "khắc" lên trên thân thể bà những vết thương mà đến tận bây giờ, mỗi khi trời trở gió vẫn khiến bà nhức nhối. Đó là những mảnh bom găm vào cổ chân, đùi hay di chứng của những lần bị sốt rét khi làm nhiệm vụ giữa rừng.

Lần ấy, bà Súy được giao cùng với 6 chiến sĩ khác thực hiện nhiệm vụ áp tải, cấp nhiên liệu cho Bộ tư lệnh Thiết giáp. Khi đoàn xe được ngụy trang cẩn thận di chuyển qua cầu Nam Đàn (Nghệ An) thì bị trúng bom. "Một tiếng nổ lớn vang lên, chiếc xe tải bị lật nghiêng, còn tôi bị văng ra ngoài, phần chân phải đau buốt, mất cảm giác. Chưa kịp định thần lại, tôi bị một lực mạnh thúc vào vai rồi ngã nhào xuống sông. Sau này, tôi mới được biết người bộ đội lái xe đã đạp tôi xuống sông để thoát khỏi một quả bom địch rải ngay sau đó", bà Súy nhớ lại.

Dấu vết của chiến tranh vẫn in hằn trên thân thể bà Súy.

Người chiến sĩ đưa bà Súy lên bờ, xé áo, băng bó vết thương ở chân bà rồi cõng bà chạy hơn 20km để đến Trạm Y tế xã Nam Hưng cấp cứu. Họ là những người may mắn sống sót trong đợt rải bom đó. Đến bây giờ, bà Súy vẫn cho rằng mình may mắn giữ được tính mạng khi nhất mực chuyển xuống ngồi ở chiếc xe cuối đoàn.

"Đoàn xe khi ấy có 5 chiếc, trước khi khởi hành, đồng chí công tác tại Bộ tư lệnh Thiết giáp yêu cầu tôi lên xe đầu để chỉ đường nhưng tôi nhất mực từ chối. Tôi bảo, đơn vị đã tin tưởng giao cho tôi nhiệm vụ đi áp tải hàng, nếu tôi ngồi đầu xe, nhỡ xảy ra trường hợp hàng bị mất cắp thì tôi phải ra tòa án binh nên tôi nhất quyết phải ngồi cuối để có thể bao quát toàn bộ đoàn xe", bà Súy kể.

Lần địch rải bom ấy, 5 bộ đội ta đã "ngã xuống", toàn bộ 5 xe hàng bị mất trắng. Bà Súy bảo đến tận bây giờ, bà vẫn thấy đau đớn khi chứng kiến bộ đội hy sinh và tiếc 5 xe hàng vì đó là công sức của bao người ngày đêm làm việc để tiếp nhiên liệu cho bộ đội đánh địch.

May mắn giữ được tính mạng nhưng bà Súy phải tháo khớp, mổ đùi để lấy mảnh bom ra. Năm ấy, bà vừa tròn 23 tuổi. Bà điều trị 2 năm tại Viện Quân y 103 sau đó được chuyển sang Viện Quân y 108 điều trị thêm 1 năm. 3 năm trong viện, bà phải trải qua hàng chục lần lọc máu, lọc chì, sức khỏe tổn hại nghiêm trọng và thuộc diện được cho về nghỉ.

Không còn đủ sức khỏe để lao động nhưng cấp trên quyết định không cho về nghỉ mà chuyển bà sang học tài chính. "Các bác ấy bảo tôi còn trẻ quá, giờ cho về nghỉ thì sợ tôi lại suy nghĩ lung tung dẫn đến chết dần, chết mòn nên quyết định vẫn cho tôi ở lại công tác nhưng ở một nhiệm vụ mới nhẹ nhàng hơn", bà Súy tâm sự.

Tháng 1/1983, bà Súy xuất ngũ trở về quê hương với 81% sức khỏe bị mất. Khi ấy, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ mất sớm, các anh chị, em lập gia đình ở riêng, bản thân không chồng con, sức khỏe yếu nên đến tháng 12/1984, bà Súy chuyển vào sống tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa.

Bà Súy bảo, tuổi cao, bệnh tật liên miên mà lúc nào cũng sầu não thì cuộc sống ngắn lắm. Thế nên khi biết bao đồng đội hy sinh để ta được sống thì ta hãy cứ vui vẻ mà sống. Sống cho bản thân mình và sống cả cho những người đã "ngã xuống".

Bà Súy bảo những ngày đầu mới vào trung tâm, cơ thể bà gầy yếu, lại không quen với môi trường sống mới nên bà hay suy nghĩ lung tung. May mắn, bà nhận được sự chăm sóc, nuôi dưỡng của các y bác sỹ, điều dưỡng nên sức khỏe, tâm lý bà được cải thiện từng ngày.

"Các cán bộ, nhân viên y tế coi chúng tôi như người thân trong gia đình nên chăm sóc rất chu đáo, tận tình. Bản thân tôi không có chồng con nhưng mỗi lần vết thương tái phát tôi luôn có sự đồng hành chăm sóc của các y bác sỹ trong trong trung tâm. Số phận không cho tôi một mái nhà riêng nhưng sống trong mái nhà chung này, tôi không cảm thấy bị cô đơn, lạc lõng vì những hạnh phúc bình dị đó", bà Súy tâm sự.

Với suy nghĩ sống là phải vui tươi, hàng ngày, bà Súy vẫn gõ cửa từng phòng, tâm sự với những trường hợp thương binh khác, lan truyền cho họ tình yêu với cuộc sống. Bà Súy bảo, tuổi cao, bệnh tật liên miên mà lúc nào cũng sầu não thì cuộc sống ngắn lắm. Thế nên khi biết bao đồng đội hy sinh để ta được sống thì ta hãy cứ vui vẻ mà sống. Sống cho bản thân mình và sống cả cho những người đã "ngã xuống".

Nguyễn Văn Duẩn

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chien-tranh-da-cuop-di-cua-toi-quyen-duoc-yeu-duoc-lam-me-20230725010140778.htm