Chiến thắng tiêu biểu của quân dân Tiền Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Tiền Giang là cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; là một bộ phận của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chiến trường châu thổ sông Cửu Long. Suốt 21 năm chống Mỹ xâm lược, chiến trường Tiền Giang là nơi diễn ra cuộc 'Đấu trí, đấu lực' quyết liệt giữa lực lượng cách mạng và quân Mỹ - ngụy. Sau đây là một số chiến thắng tiêu biểu:

Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963)

Rạng ngày 2-1-1963, máy bay trinh sát L19 của địch lượn trên bầu trời Ấp Bắc. Bộ binh, thiết giáp, tàu chiến chia làm 3 mũi với 2.000 quân tiến vào Ấp Bắc.

Ba chiến sĩ hạ lính dù nhiều nhất trong trận Ấp Bắc. Ảnh: Tư liệu

Một mũi gồm 2 đại đội bảo an từ Điềm Hy theo lộ 4, tiến vào xóm Hội Đồng Vàng, xã Tân Phú. Bộ đội và du kích đợi địch đến gần rồi nổ súng, diệt tên chỉ huy cùng nhiều tên khác. Số khác sa vào hố chông, vướng lựu đạn làm địch hoảng loạn; số còn lại co cụm bắn loạn xạ, rồi tháo chạy.

Một mũi khác từ cầu Sao tiếp cận khu vực chùa Thầy Lơ, tiến đánh xuyên sườn phòng ngự của ta. Lực lượng ta kịp thời tổ chức đánh chặn, tiêu diệt bộ phận đi đầu, sau đó xung phong tiêu diệt bộ phận lớn sinh lực địch.

Mũi đường thủy theo kinh Nguyễn Tấn Thành có 13 tàu chiến chở 2 đại đội biệt động quân đánh vu hồi vào sau đội hình của ta ở Ấp Bắc. Trung đội du kích và 2 đội công binh của ta chặn đánh làm chìm 1 tàu, bắn hư một số chiếc khác. Được tin 2 mũi trên bộ gặp nguy, đoàn tàu chững lại rồi tháo lui. Bọn chỉ huy dùng 5 trực thăng UH1A yểm trợ 10 trực thăng chở quân CH21 đổ 2 tiểu đoàn bộ binh xuống phía sau Ấp Bắc, hình thành 2 gọng kìm bao vây lực lượng của ta.

Quân ta nổ súng bắn rơi tại chỗ 1 chiếc CH21; 1 chiếc khác trúng đạn, cố bay ra khỏi vùng trời Ấp Bắc thì rơi. Địch dùng 5 chiếc trực thăng UH1A và bắn pháo dữ dội vào trận địa. Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 bắn rơi 2 chiếc UH1A, bắn trúng 1 chiếc CH21 đang đổ quân và rơi cách đó 400 m.

Lúc hơn 12 giờ, khi tập kết 3 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 11, 12 của Sư đoàn 7, địch hình thành 2 mũi tiến quân vào khu vực trận địa của Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 tỉnh Mỹ Tho. Đợi quân địch lọt vào trận địa mai phục, quân ta nổ súng, tiêu diệt và làm bị thương khoảng 1 trung đội, số còn lại cố chạy thoát thân.

Sau thất bại của 3 đợt tấn công, chúng sử dụng không quân dội bom napan, xăng đặc, bắn đạn cháy, rốc két... thiêu trụi các mục tiêu ở Ấp Bắc; pháo binh bắn cấp tập vào trận địa dọc 2 bên lộ dẫn vào ấp. Vừa dứt hỏa lực dọn đường, 13 xe M113, 1 tiểu đoàn bộ binh đột kích chính diện Ấp Bắc. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 anh dũng chiến đấu, diệt 1 xe M113, bắn hư một số chiếc khác. Quân địch đột phá vào trận địa. Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3 cùng 2 chiến sĩ bật khỏi công sự, dùng thủ pháo tiêu diệt 1 xe M113. Địch hoang mang, buộc chỉ huy cuộc hành quân phải ra lệnh giãn đội hình, xốc lại lực lượng, phương tiện.

Khoảng 17 giờ, địch cho 7 máy bay vận tải CH47 chở Tiểu đoàn dù số 8 thả xuống ấp Tân Thới nhưng rơi vào trận địa phục kích của ta. Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 nổ súng tiêu diệt khi chúng chưa tiếp đất. Cùng lúc ở hướng Đại đội 1, Tiểu đoàn 216, địch dùng xe M113 đột kích. Ta dùng súng phóng lựu bắn cháy 1 xe M113, các xe khác dừng lại. Nhận thấy 2/3 lực lượng quân dù bị thương vong, bọn chỉ huy cho quân dù đổ bộ xuống khu vực Miễu Hội và ra lệnh rút lui.

Sau một ngày chiến đấu, ta đánh thắng 5 đợt tiến công của Mỹ - ngụy. Trời sụp tối, lực lượng ta rút ra khỏi Ấp Bắc, về căn cứ ở Hưng Thạnh. Ta tiêu diệt và làm bị thương 450 tên địch (trong đó có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 máy bay, bắn hư nhiều chiếc khác; phá hủy 3 xe M113, đánh chìm 1 tàu chiến.

Chiến thắng Ấp Bắc năm 1963 đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như một chiến công oanh liệt, có ý nghĩa to lớn, cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng và mở ra khả năng mới cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh thắng hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của quân Mỹ. Chiến thắng Ấp Bắc là đòn "Điểm huyệt" chí mạng vào sự sụp đổ của chính quyền Diệm, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng miền Nam giành nhiều thắng lợi to lớn hơn.

Chiến thắng Ba Rài (15-9-1967)

Trận Ba Rài (Cẩm Sơn, Cai Lậy) diễn ra ngày 15-9-1967. Địch huy động toàn bộ Lữ đoàn 2 bộ binh Mỹ với khoảng 1.500 quân, cơ động trên hàng chục tàu chiến, có pháo binh và máy bay yểm trợ, mở cuộc càn quét mang tên "Cohart" vào khu vực rạch Ba Rài (nhân dân huyện Cai Lậy quen gọi là sông Ba Rài), nhằm tiêu diệt Tiểu đoàn 263 của ta. Sau 1 ngày chiến đấu, Tiểu đoàn 263 bẻ gãy hoàn toàn cuộc tiến quân của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 lính Mỹ, phá hủy 16 tàu các loại, bắn rơi 1 máy bay phản lực.

Trận Ba Rài được coi là trận Ấp Bắc đối với quân Mỹ ở tỉnh Mỹ Tho. Nếu như Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963) đã đánh bại chiến thuật "Trực thăng vận", "Thiết xa vận" của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn thì Chiến thắng Ba Rài mở đầu cho sự phá sản chiến thuật "Hạm đội nhỏ trên sông" của quân Mỹ sử dụng ở Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần mở ra phong trào "Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Chiến thắng Ba Rài tuy diễn ra 1 ngày ở Mỹ Tho, nhưng là chiến thắng của trận trực tiếp đánh quân viễn chinh Mỹ, diệt nhiều sinh lực và nhiều phương tiện chiến tranh nhất kể từ khi chúng đặt chân đến vùng đất Mỹ Tho. Đây còn là chiến thắng của trận đột phá có tính chất quyết định đánh thắng chiến thuật "Hạm đội nhỏ trên sông" của lực lượng hỗn hợp hải, lục quân, có không quân, pháo binh yểm trợ, nhằm giành thắng lợi trong chiến lược "Chiến tranh cục bộ" trên địa bàn này.

Giá trị to lớn của Chiến thắng Ba Rài không chỉ vì nó vượt qua phạm vi một địa phương, mà còn ở chỗ mở đường đột phá trong cách thức đánh quân viễn chinh Mỹ với hình thức chiến thuật mới của quân giải phóng.

Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968

Đúng 0 giờ ngày 29-1-1968 (đêm mùng 1 Tết), quân dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công, thành phố Mỹ Tho tiến công địch trên toàn địa bàn, tập trung vào các ấp chiến lược, căn cứ quân sự, thị trấn và thị xã, mà trọng điểm là thành phố Mỹ Tho.

Quân giải phóng chiếm một xe tăng địch giữa nội ô thành phố Mỹ Tho. Ảnh: Tư liệu

Ở Mỹ Tho, địch choáng váng và chịu nhiều tổn thất. Ngày 3-2-1968, chúng tung toàn bộ Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ và Sư đoàn 7 của quân ngụy phản kích dữ dội. Địch sử dụng pháo và máy bay ném bom, kể cả bom napan nhằm hủy diệt thành phố, đẩy lực lượng của ta ra các xã ven. Nhưng bộ đội, du kích vẫn kiên cường bám trụ, xây dựng các lõm căn cứ, tiếp tục đánh địch.

Sau đó, quân dân ta còn mở 2 đợt tiến công và nổi dậy vào tháng 5 và tháng 9, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề. Cuộc tiến công và nổi dậy của quân dân Mỹ Tho - Gò Công đã góp phần quan trọng trong làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải tuyên bố "Phi Mỹ hóa" chiến tranh, thừa nhận sự thất bại của chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam Việt Nam.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, quân dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy hàng chục đồn bót, căn cứ quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh. Riêng ở Mỹ Tho, ta loại khỏi vòng chiến đấu trên 2.300 tên địch, tiêu hao 3 tiểu đoàn và 2 chi đoàn thiết vận xa, bắn cháy 80 xe quân sự, diệt 25 đồn bót, bức rút 20 đồn, thu 300 súng các loại. Ở Gò Công, ta tiêu diệt hơn 100 tên địch (trong đó có Tỉnh phó Nội an và Quận trưởng Hòa Đồng), hàng trăm binh lính địch đào và rã ngũ, bức rút, bức hàng nhiều đồn bót, giải thoát gần 200 cán bộ, chiến sĩ và quần chúng cách mạng bị địch giam giữ.

Cuộc tiến công và nổi dậy của quân dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho trong Tết Mậu Thân năm 1968 góp phần vào thắng lợi chung của cả nước. Ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng. Đồng thời, ta tấn công quyết liệt vào các cơ quan đầu não của địch ở thị xã, thị trấn và hệ thống ấp chiến lược trong tỉnh, giải phóng một vùng nông thôn rộng lớn, tạo ra bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 ở tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho góp phần cùng cả nước làm thất bại chiến lược "Chiến tranh cục bộ", làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Chính phủ Mỹ phải nhận rằng không thể dùng lực lượng quân đội viễn chinh Mỹ để thắng trong chiến tranh ở Việt Nam; đồng thời, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh; chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền bắc; ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris (Pháp) và sau đó phải rút quân Mỹ về nước, mở ra một cục diện mới trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng chiến lược Xuân Hè 1972.

Rạng ngày 7-4-1972, quân dân Mỹ Tho, Gò Công tham gia chiến dịch tổng hợp Xuân Hè 1972, đồng loạt tiến công địch với cường độ mạnh, quy mô lớn trên các địa bàn chiến lược trong tỉnh. Chiến dịch diễn ra qua 3 đợt như sau:

Đợt 1: Tháng 4 và 5: Ta đánh mạnh ở huyện Cai Lậy, Cái Bè, làm thiệt hại 3 trung đoàn chủ lực thuộc Sư đoàn 7, làm tan rã phần lớn lực lượng kìm kẹp của địch ở Nam - Bắc đường số 4.

Đợt 2: Tháng 6 và 7: Ta diệt Liên đoàn 41 biệt động quân, đánh tiêu hao các tiểu đoàn bảo an thuộc tiểu khu Định Tường, giải phóng tuyến kinh Cũ, kinh Nguyễn Tấn Thành (huyện Tân Phước), các xã Nhị Bình, Điềm Hy (huyện Châu Thành); đồng thời, ta diệt 2 Tiểu đoàn 402, 427 bảo an thuộc tiểu khu Gò Công, mở lõm Đồng Sơn và địa bàn đứng chân ở các xã Vĩnh Hựu, Thạnh Nhựt, Long Hựu (huyện Gò Công Tây), Tân Thới (nay huyện Tân Phú Đông).

Đợt 3: Tháng 8 và đầu tháng 9: Ta tập trung đánh phá lộ 4 trên nhiều đoạn: Đoạn từ Mỹ Thiện đến An Hữu để phát triển sang vùng Nam Cái Bè, mở thế liên hoàn từ Hòa Hưng xuống Hòa Khánh, phá vỡ kế hoạch của địch bình định ở vùng đông dân, nhiều của; đoạn từ Cai Lậy đến Trung Lương tiêu diệt các đoàn xe quân sự, gây trở ngại giao thông và buộc chúng phải rút lực lượng càn quét về giữ lộ. Đồng thời, ta bẻ gãy cuộc càn cấp quân đoàn của địch mang tên "Cửu Long 4-1", bảo vệ vùng giải phóng ở Nam - Bắc lộ 4. Song song đó, ta đẩy mạnh hoạt động ở Chợ Gạo, mở các lõm chiến đấu ở phía Tây kinh Chợ Gạo, đưa phong trào quần chúng lên cao; phối hợp với mặt trận quân sự ở các thị xã, thị trấn, phong trào đấu tranh của quần chúng đòi các quyền dân sinh, dân chủ, chống đuổi nhà, chống "quân sự hóa học đường"... ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Ngày 10-9-1972, chiến dịch Xuân Hè kết thúc. Ta diệt hơn 7.000 tên, bắt và làm tan rã hơn 4.000 tên, phá hủy và tịch thu nhiều phương tiện chiến tranh; tiêu diệt, bức rút, bức hàng hơn 170 đồn bót, giải phóng 19 xã, 126 ấp với 160 ngàn dân.

Chiến dịch tổng hợp Xuân Hè năm 1972 của quân dân Mỹ Tho - Gò Công giành được thắng lợi to lớn, thúc đẩy phong trào cách mạng ở tỉnh nhà - nhất là ở Gò Công - tiến lên, tạo ra thế và lực mới giành thế chủ động trên chiến trường. Bên cạnh đó, thắng lợi này góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân dân miền Nam, giáng đòn mạnh mẽ vào chương trình "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973).

Sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, địch ngang nhiên phá hoại. Chúng huy động quân đội, triển khai chiến dịch "Tràn ngập lãnh thổ", "Bình định áp đảo" ở Mỹ Tho và "Bình định củng cố" ở Gò Công. Quân dân Tiền Giang kiên quyết giáng trả những cuộc hành quân lấn chiếm của địch và chủ động mở các cuộc tiến công vào căn cứ quân sự của chúng, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng.

Chiến thắng mùa Xuân năm 1975

Ở hướng Mỹ Tho, sau khi làm chủ lộ 4, kinh Chợ Gạo và tiêu diệt hàng loạt căn cứ quân sự của địch, ta đưa Lực lượng vũ trang áp sát và bao vây thành phố Mỹ Tho từ nhiều hướng. Sáng ngày 30-4-1975, Thành ủy Mỹ Tho lãnh đạo, lực lượng Thành đội, Thành đoàn phát động quần chúng trong nội ô nổi dậy cùng với các lực lượng vũ trang chiếm các cứ điểm quan trọng. 15 giờ 20 phút cùng ngày, Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên tại Trường Nguyễn Đình Chiểu. Khoảng 16 giờ, các lực lượng vũ trang của Khu 8, của thành phố Mỹ Tho đồng loạt tiến vào trung tâm thành phố. 19 giờ, địch ở tiểu khu Định Tường đầu hàng. Khoảng hơn 20 giờ, thành phố Mỹ Tho hoàn toàn giải phóng.

Nhân dân thành phố Mỹ Tho mít tinh mừng giải phóng thành phố.

Ở căn cứ Đồng Tâm, sáng ngày 30-4, Tư lệnh sư đoàn hạ lệnh tử thủ. Trên đường rút về căn cứ, chúng bị quần chúng ngăn chặn, số đầu hàng, số đào ngũ dọc đường, du kích các xã vành đai áp sát vào căn cứ, kêu gọi địch đầu hàng quân giải phóng; khoảng 19 giờ, lực lượng ta chiếm căn cứ Đồng Tâm.

Huyện Cai Lậy là trọng điểm của tỉnh Mỹ Tho trong chiến dịch tiến công và nổi dậy. Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo lực lượng của 2 huyện Cai Lậy Nam, Cai Lậy Bắc phối hợp với lực lượng của tỉnh giải phóng huyện Cai Lậy. Đảng bộ cùng quân dân huyện Cai Lậy Nam, Cai Lậy Bắc phối hợp với lực lượng tỉnh tấn công, vây ép, bức rút, bức hàng toàn bộ đồn tua giải phóng khu phố Ba Dừa, chợ kinh 12, Khu trù mật Mỹ Phước Tây. Đến 20 giờ ngày 30-4, các lực lượng chủ lực của 2 huyện và tỉnh chiếm khu phố, bức hàng và làm tan rã một tiểu đoàn của Sư đoàn 7 dọc lộ 4, giải tán phòng vệ dân sự, chiếm các điểm xung yếu xung quanh thị trấn Cai Lậy. Lực lượng vũ trang bố trí hỏa lực áp sát dinh quận. Khoảng 4 giờ ngày 1-5, tên quận trưởng Lê Văn Lý đầu hàng. Huyện Cai Lậy hoàn toàn giải phóng.

Ở hướng Gò Công, ta bức rút 4 đồn, làm tê liệt 18 đồn khác, phát động hàng ngàn quần chúng tham gia cách mạng. Sáng ngày 30-4-1975, sau khi tiêu diệt địch ở Thạnh Nhựt, Lực lượng vũ trang của ta tiến về thị xã. Quần chúng đổ ra đường tiến chiếm các cơ quan chính quyền cấp phường, xã của địch. Đến 15 giờ, ta chiếm dinh tỉnh trưởng, về cơ bản thị xã Gò Công giải phóng. Các huyện trong tỉnh cũng lần lượt được giải phóng trong ngày 30-4 và rạng sáng ngày 1-5-1975.

Quân dân Mỹ Tho - Gò Công đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của mình, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

LÊ VĂN TÝ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202304/chien-thang-tieu-bieu-cua-quan-dan-tien-giang-trong-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-977285/