Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

(VOV) - Được tận mắt chứng kiến những hiện vật chiến tranh, những địa danh nổi tiếng gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thế hệ hôm nay cảm nhận rõ hơn quá khứ hào hùng cha ông ta mà họ chỉ có thể biết qua sách báo.

Những ngày đầu tháng 5, lượng du khách rất đông từ mọi miền của Tổ quốc đổ về Điện Biên Phủ thăm quan, tìm lại những hình ảnh, những hiện vật lịch sử của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa! Bác Đào Thị Quý từ Hà Nội lên, không giấu được lòng khâm phục sự chịu đựng gian khổ của các thế hệ cha anh, đánh thắng thực dân Pháp. Thắng lợi ấy, công ơn, người dân chúng tôi không bao giờ quên, luôn dạy dỗ con cháu cố gắng học tập, phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh của cha anh”. Trước đây chỉ được tìm hiểu về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thông qua sách báo, hôm nay được tận mắt chứng kiến, cảm nhận những hiện vật chiến tranh, những địa danh nổi tiếng như: Khu di tích Mường Phăng - nơi đặt sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đồi A1, C1, C2, D1, Cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, Đồi Độc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, Hầm chỉ huy của tướng De Castries, Trần Ngọc Phương - sinh viên trường Đại học Kinh tế cảm nhận: “Thật tuyệt vời khi chúng tôi được đến thăm quan các điểm di tích Điện Biên Phủ. Các hiện vật được trưng bày ở đây giúp tôi hiểu thêm về cuộc chiến đấu anh dũng của quân đội Việt Nam trong cuộc chiến đấu suốt 55 ngày đêm để giành thắng lợi. Đặc biệt khi thăm quan Đồi A1, Hầm chỉ huy của tướng De Castries giúp tôi cảm nhận những quá khứ hào hùng cha ông ta. Một chiến thắng gây chấn động địa cầu mà trước đây tôi chỉ được biết qua sách báo”. Một trong những điểm mà du khách thường tìm đến là Bảo tàng Điện Biên Phủ. Bà Dương Thị Thân, Phó Giám đốc Bảo tàng Điện Biên cho biết: “Những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng đã đi sâu vào tiềm thức của nhân dân vì có ý nghĩa lịch sử rất lớn. Các hiện vật này giúp du khách hiểu rằng, tuy đơn sơ nhưng đã làm nên chiến thắng lẫy lừng”. Để giữ gìn và bảo vệ những giá trị hiện vật của khu di tích Điện Biên không bị hư hỏng, phai mòn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên xây dựng kế hoạch bảo tồn các hiện vật của chiến trường Điện Biên Phủ đảm bảo tính nguyên gốc và bền vững. Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, việc trùng tu di tích đòi hỏi phải có nhân chứng lịch sử, những người tham gia cách mạng, tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ từ Bắc vào Nam, thậm chí từ nước ngoài, để có thể nghiên cứu và trùng tu Di tích đúng với lịch sử. Do vậy, những di tích được trùng tu như Hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Mường Phăng, hay trên Đồi A1 có các tuyến dây thép gai, tuyến hầm hào, tuyến phòng ngự, tấn công của Quân đội Pháp và Việt Nam khi giao tranh... bằng những vật liệu bền vững và các nhân chứng lịch sử đã làm cho khách tham quan du lịch cảm nhận rõ nét về cuộc chiến năm xưa... Ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Ở hầm chỉ huy của tướng De Castries, chúng tôi phải mô phỏng một quân đội viễn chinh Pháp hùng mạnh để thấy ta đánh thắng được là do sự mưu trí của Đảng, với sự hy sinh của các chiến sĩ quân đội cộng với sự giúp đỡ của đồng bào cả nước và thế giới. Hiện nay còn nhiều di tích của quân đội Việt Nam như các lán thương binh, khu vực dấu quân trong những cánh rừng già… những đoàn tiếp lương tải đạn qua bến đèo Pha Đin”. Cha ông ta đã dày công tạo nên những trang sử hùng tráng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Để Điện Biên Phủ ngày càng thu hút những đoàn khách “về nguồn” tìm hiểu và học tập lịch sử của đất nước, những du khách nước ngoài muốn tham quan chiến trường xưa, chúng ta cùng góp sức để xây dựng Điện Biên ngày càng giàu đẹp, trở thành nơi hành hương của người Việt mỗi độ tháng 5 về./. Tiến Dũng

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/chien-thang-lich-su-dien-bien-phu/20105/143065.vov