Chiến thắng Điện Biên Phủ trên những trang báo Tiền Phong

Tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trước, trong và sau Chiến thắng Điện Biên Phủ được báo Tiền Phong phản ánh chân thực, sinh động qua từng trang viết.

Báo Tiền Phong số 9 năm 1954

Cổ vũ động viên kịp thời

Báo Tiền Phong số 9 ra ngày 16 đến 30/4/1954 rơi vào đúng thời điểm diễn ra đợt tấn công thứ 2 của quân đội ta vào phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do quân đội Pháp thiết lập. Trang nhất số này có bài “Hoan hô các chiến sĩ Điện Biên Phủ” đăng thư của Ban Chấp hành T.Ư Liên đoàn thanh niên Việt Nam do Tổng thư ký Hoàng Minh Chính ký gửi anh chị em chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ. Trong bài có đoạn: “Thắng lợi Điện Biên Phủ, cùng với thắng lợi của quân ta trên khắp các chiến trường… đã giáng một đòn mãnh liệt vào kế hoạch quân sự Na - va và âm mưu xâm lược của đế quốc Pháp, Mỹ.

Thay mặt anh chị em thanh niên toàn quốc, chúng tôi nhiệt liệt hoan hô các đồng chí và thân ái gửi lời thăm sức khỏe của các đồng chí. Kính chúc các đồng chí lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa và hoàn thành một cách vẻ vang nhiệm vụ mà Hồ Chủ tịch, Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh đã giao phó cho”.

Trong bài còn có nội dung ghi nhận thắng lợi của chiến sĩ ở tiền tuyến (Điện Biên Phủ) đã thổi mạnh về hậu phương một luồng không khí tin tưởng và phấn khởi. Những thành công liên tiếp trên mặt trận Điện Biên Phủ đã khích lệ tinh thần học tập, lao động sản xuất của thanh niên toàn quốc..

Báo Tiền Phong số 9, 10 và 11 ra tháng 4 và tháng 5 năm 1954 đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam. Những số báo này do ông Nguyễn Văn Tùng, nguyên Trưởng Ban Lịch sử Đoàn và phong trào thanh niên (thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), nay là Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Lịch sử Trung ương Đoàn lưu giữ, nghiên cứu và sau đó tặng lại.

Trong số báo này cũng có những bài viết tường thuật không khí chiến trường. Bài “Những người con vinh quang của Tổ quốc” tại trang 2 của tác Thanh Tân.

Bài viết kể về chiến công oanh liệt của bộ đội ta tại mặt trận Điện Biên Phủ trong trận đánh ngày 4/3 khi địch mở cuộc tấn công chiếm cứ điểm 836 mà quân ta đang giữ.

Bài có đoạn kể về tinh thần dũng cảm, bình tĩnh, quyết chiến quyết thắng trong trận quân ta tiêu diệt Đồi Độc lập ngày 14/3.

Ngày 26/4/1954, khi quân ta chuẩn bị kết thúc chiến dịch tấn công đợt 2 ở Điện Biên Phủ thì Hội nghị Giơ-ne bắt đầu khai mạc. Báo Tiền Phong có bài “Phản đối đế quốc Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương” nêu Nghị quyết của Hội nghị Ban thường trực Ủy ban Liên Việt toàn quốc (họp từ 31/3-2/4/1954) rất căm phẫn về việc để đế quốc Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương.

Bài viết chỉ ra việc Mỹ đã giúp thực dân Pháp tiền của, vũ khí và không quân tàn sát nhân dân Việt, Miên, Lào. Đế quốc Mỹ là trở lực chính ngăn cản việc giải quyết hòa bình ở Đông Dương.

Tiếp nối sau đó, số báo thứ 10 từ ngày 1/5 đến 15/5/1954 nổi bật trên trang nhất có bài “Giương cao hơn nữa ngọn cờ độc lập và dân chủ, bảo vệ hòa bình thế giới” hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hiệp Công đoàn Thế giới đấu tranh cho hòa bình, hạnh phúc, tự do và độc lập dân tộc. Giữa lúc đế quốc Mỹ cố tình kéo dài và mở rộng cuộc chiến tranh Đông Dương nhiều đoàn viên, thanh niên lên tiếng phản đối và đã tỏ ý chí giành độc lập cho đất nước.

Báo Tiền Phong số 10 năm 1954

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam cho biết, trong Kháng chiến chống Pháp, ngoài đôi dép cao su, áo trấn thủ, mũ bộ đội, những kỷ vật của thanh niên xung phong.., những tờ báo Tiền Phong được xuất bản trong thời kỳ chống Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ là những hiện vật rất quý”. Báo Tiền Phong số ra những ngày tháng 4, tháng 5 năm 1954 có các bài viết về các trận thắng của quân ta ở mặt trận Điện Biên Phủ, những lời khen của Bác, thư gửi của các đơn vị được đăng tải... đã kịp thời cổ vũ, động viên, khơi dậy tinh thần của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong tham gia chiến dịch và cả những người ở hậu phương”, Tiến sĩ Hùng nói.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng

Khơi dậy tinh thần kháng chiến giành độc lập của thanh niên cả nước

Trang nhất báo Tiền Phong số báo 11 ra ngày 15/5 đến ngày 31/5/1954 nổi bật là bức tranh do cố họa sỹ Tôn Đức Lượng, một trong những cán bộ đầu tiên của báo Tiền Phong thực hiện. Bức tranh vẽ các giai tầng xã hội cùng diễu hành, mang theo tranh chân dung của Bác cùng cờ Tổ quốc, các khẩu hiệu “Bác Hồ sống lâu muôn tuổi”, “Hoan hô chiến thắng Điện Biên”, “Đả đảo bọn can thiệp Mỹ”...

Số báo thông tin kết quả chiến thắng do quân ta giành được từ ngày 13/3 đến ngày 7/5/1954 như bắt sống tướng Đờ Cát; tiêu diệt 16 quan năm, 353 sĩ quan và 1.396 hạ sĩ quan; bắn rơi 62 máy bay. Quân ta đã thu toàn bộ vũ khí quân trang, quân dụng trên 3 vạn chiếc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Số báo cũng có bài viết chúc mừng sinh nhật Bác đăng ở vị trí trang trọng với tiêu đề: “Bác Hồ kính yêu của chúng ta sống lâu muôn tuổi”.

Trên trang nhất số báo này còn có thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (lúc đó Đảng mang tên Đảng Lao động Việt Nam) gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ anh chị em dân công ở mặt trận Điện Biên Phủ và đồng bào địa phương.

Trong thư, ngoài chúc mừng và thể hiện tinh thần phấn khởi trước thắng lợi của quân và dân ta ở mặt trận Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng xác định công cuộc giành độc lập, tự do còn nhiều “gian khổ, gay go”.

Cuối bức thư viết: “Mong toàn thể các đồng chí cán bộ, chiến sĩ và đồng bào dân công ra sức học tập những kinh nghiệm quý báu của chiến dịch này, tăng cường lực lượng của mình đặng tiến lên hoàn thành nhiệm vụ mới”.

Báo Tiền Phong số 11 năm 1954

17h30 ngày 7/5/1954, tin thất bại của thực dân Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ gửi về Hội nghị Giơ-ne từ Đông Dương. Do đó mà sáng ngày 8/5/1954, vấn đề Đông Dương sớm được đưa lên bàn nghị sự. Và, trong số này, báo Tiền Phong có một số bài viết: “Lời tuyên bố của Ban chấp hành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam về Hội nghị Giơ-ne” trên trang 1 và trang 2, ngày 10/5/1954 của Tổng thư ký BCH Liên đoàn thanh niên Việt Nam. Trong đó, bài viết kêu gọi thanh niên Việt Nam toàn quốc và quốc tế kiên quyết vạch trần, đập tan mọi thủ đoạn của đế quốc Mỹ và thực dân Pháp cố tình kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương.

Ngoài ra, trong số này còn có bài “Phong trào tòng quân giết giặc ở hậu địch đang lên cao” cho biết nhiều thanh niên, đoàn viên ở khắp nơi tham gia du kích giết giặc, lập công.

Đức Anh - Nguyễn Hải

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chien-thang-dien-bien-phu-tren-nhung-trang-bao-tien-phong-post1633523.tpo