Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo bước ngoặt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta đã giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954). Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo bước ngoặt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, đưa đến việc ký kết Hiệp định Genève và đánh dấu sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta (1945-1954). Tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ XX, mà còn là chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.

Lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Quyết chiến chiến lược

Ngày 7/5/1953, Đại tướng Henri Navarre (khi ấy là Tham mưu trưởng lục quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO) được Chính phủ Pháp cử sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Navarre đã đề ra kế hoạch quân sự mới vào tháng 7/1953 với hy vọng quân Pháp đang trong tình thế phòng ngự bị động sẽ “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng. Thực hiện Kế hoạch Navarre, quân Pháp đã mở rộng càn quét các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên, Nam Bộ và tập trung quân cơ động chiến lược ở Bắc Bộ chuẩn bị cho cuộc tiến công lớn vào Việt Bắc, Thủ đô kháng chiến của ta để giành thắng lợi quyết định để nhanh chóng kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho chúng.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra đời là nước cờ cuối cùng của thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (1945-1954). Được sự giúp đỡ của Mỹ, Pháp đã tiến hành xây dựng nhanh chóng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương.

Do đó, để giành thắng lợi mang tính quyết chiến chiến lược, quân ta cần tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để làm lung lay đến tận gốc rễ hy vọng tiếp tục chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Tổng quân số của Quân đội ta được điều động tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ lên đến 55.000 chiến sĩ, bao gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn Bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn Công binh - Pháo binh 351. Đảng, Chính phủ ta cũng đã huy động được 260.000 dân công, bằng 12 triệu ngày công để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong giai đoạn chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng, Chính phủ ta đã huy động lực lượng thanh niên xung phong, dân công cùng với bộ đội làm được 89km đường mới, sửa chữa, nâng cấp 500km đường.

Từ ngày 13/3/1954, tại Mặt trận Điện Biên Phủ, quân ta đã tiêu diệt lần lượt từng cứ điểm, vây lấn địch từng mét hào và mở những đợt tiến công quyết định đi đến thắng lợi. 17 giờ 30 phút, ngày 7/5/1954, tướng De Castries, Chỉ huy trưởng cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của địch đầu hàng và bị bắt sống.

Tầm vóc thời đại

Trên Báo Nhân Dân số 1516, ra ngày 7/5/1958, trong bài viết “Điện Biên Phủ”, nói về tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Ba chữ Điện Biên Phủ đã làm cho tiếng tăm dân tộc Việt Nam ta lừng lẫy khắp năm châu... Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một đế quốc hùng mạnh đã bị nhân dân một nước thuộc địa đánh cho tan tành tả tơi và phải cút về nước”.

Lính Pháp đầu hàng tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Lính Pháp đầu hàng tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Tại Hội nghị chính trị đặc biệt (tháng 3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.

Trong bài “Nhân ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ” đăng trên Báo Nhân Dân số 3690, ra ngày 7/5/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.

Tổng Bí thư Lê Duẩn nhận định: Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo ra bước ngoặt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, đưa đến ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây là văn kiện quốc tế đầu tiên, với sự tham dự của 5 cường quốc trên thế giới (Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc), tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cùng hai nước Lào và Campuchia. Những sự kiện này đã tạo tiền đề để miền Bắc được giải phóng và quá độ lên CNXH, làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của QĐND Việt Nam. Chiến công đó tô thắm thêm truyền thống vẻ vang: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” của QĐND Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã thôi thúc và cổ vũ các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Nói về Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí William Foster, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ đã viết trên Công nhân nhật báo ra ngày 10/5/1954 như sau: “Thắng lợi ở Điện Biên Phủ là một sự cổ vũ vô cùng to lớn cho các lực lượng đang đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, đồng thời sự phát triển ở Đông Dương trong giai đoạn gần đây đã thúc đẩy và làm tăng cường phản kháng chính sách khống chế tàn bạo của Mỹ ở các nước tư bản khác… Giải phóng Điện Biên Phủ là thắng lợi trọng yếu trong sự nghiệp đấu tranh cho tự do và hòa bình thế giới”.

Vào tháng 9/1969, Bí thư Đảng Cộng sản Tunisie Mohamed Hartman đã bày tỏ: “Chúng tôi biết rằng, chính cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp đã đóng góp vai trò quyết định trong việc thúc đẩy phong trào dân tộc ở châu Phi và trong thế giới Ả-rập, và mở đầu sự tan rã của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Nguyễn Văn Toàn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chien-thang-dien-bien-phu-tao-buoc-ngoat-quan-trong-doi-voi-cach-mang-viet-nam-post460958.html