Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 29/7/2023: Có phải vũ khí Triều Tiên đã có mặt tại Ukraine?

Chiến sự Nga-Ukraine ngày 29/7/2023: Khả năng Moscow có thể đề nghị Bình Nhưỡng cung cấp các loại vũ khí để phục vụ Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Liên quan tới chuyến thăm chính thức của Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Nga do Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergey Shoigu tới Triều Tiên, giới truyền thông phương Tây đã có nhiều đồn đoán về khả năng Moscow có thể đề nghị Bình Nhưỡng cung cấp các loại vũ khí thông thường để phục vụ Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Có phải vũ khí Triều Tiên đã có mặt tại Ukraine?

Thực tế vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào liên quan tới vấn đề này cả từ phía Nga lẫn Triều Tiên. Theo các nguồn tin chính thức, chuyến thăm của ông Sergey Shoigu để dự hoạt động kỷ niệm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cũng như dự các cuộc đàm phán với lãnh đạo chính trị-quân sự Triều Tiên.

Bên cạnh các buổi hội kiến Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un; hội đàm với người đồng cấp Triều Tiên Kang Sun Nam, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga đã có các cuộc viếng thăm tới triển lãm quân sự tổ chức tại Bình Nhưỡng, nơi trưng bày những thành tựu công nghiệp quốc phòng đáng chú ý của Triều Tiên, trong đó có nhiều loại tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái và phương tiện chiến đấu bọc thép.

Theo đánh giá của hãng tin Bloomberg và truyền thông phương Tây, Nga có thể đang quan tâm tới các loại đạn pháo cỡ 152mm của Triều Tiên do quân đội cả hai nước đều dùng cỡ đạn chuẩn Liên Xô này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia Nga, nếu Moscow thực sự quan tâm tới nguồn vũ khí nhập khẩu từ Triều Tiên, danh sách vũ khí này có thể mở rộng gấp nhiều lần. Chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodarenok nói tới tờ báo Gazeta.ru của Nga rằng, nếu thực sự quan tâm, Moscow sẽ cần ở Triều Tiêu chủ yếu đạn dược các cỡ để giảm tải cho nền công nghiệp quốc phòng trong nước đang hoạt động hết công suất.

Chuyên gia Mikhail Khodarenok nhận định, các chủng loại đạn dược Nga cần ở Triều Tiên sẽ được phân làm 3 loại. Đầu tiên là các loại đạn pháo cỡ 152, 122 và 100mm, đạo pháo phản lực 122mm dành cho tổ hợp BM-21 Grad. Tiếp đó là các loại đạn cối cỡ 122 và 82mm.

Thứ 3 là các chủng loại đạn bộ binh 7,62, 5,45mm và đạn phòng không từ cỡ 23, 14,5, 12,7mm. Cùng với đó là số lượng lớn mìn sát thương và mìn chống tăng. Quân đội Nga cũng có nhu cầu lớn đối với các loại quân trang, quân dụng như mũ, giáp bảo vệ, các trang bị hậu cần, quân y.

Theo lời chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok, Quân đội Nga hiện tại không thiếu phương tiện chiến đấu, mà chú yếu thiếu các loại đạn dược do mức độ tiêu hao lớn trên chiến trường.

“Theo đánh giá của tôi, danh sách các chủng loại đạn dược Quân đội Nga có nhu cầu có thể lên tới hàng trăm loại. Tuy nhiên, các chủng loại đạn dược nói trên là thứ Quân đội Nga đang cần nhất”, ông Mikhail Khodarenok cho biết.

Với sự leo thang và kéo dài của xung đột tại Ukraine, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang phải căn sức đảm bảo nguồn cung đạn dược cho tiền tuyến.

Hiện tại, cả Nga và Triều Tiên đều quan tâm tới khả năng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự để mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Nếu hai bên thống nhất, việc thanh toán các hợp đồng quân sự có thể sử dụng đồng tiền trung gian hoặc thông qua hình thức hàng đổi hàng. Cụ thể, Bình Nhưỡng có thể cung cấp đạn dược cho Moscow, đổi lại Nga sẽ chuyển giao các công nghệ vũ khí hoặc nguyên mẫu vũ khí Triều Tiên quan tâm.

Chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok nhận định, khi cuộc xung đột đang ngày càng leo thang, thì mọi nguồn lực quốc gia đều phải được huy động. Trong khi ngànhcông nghiệp quốc phòng Nga đang phải vật lộn để đáp ứng yêu cầu từ chiến trường thì nhập khẩu nguồn đạn dược từ Triều Tiên có lẽ là lựa chọn không tồi.

Kim Ngân (tổng hợp)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chien-su-nga-ukraine-hom-nay-ngay-2972023-co-phai-vu-khi-trieu-tien-da-co-mat-tai-ukraine-264415.html