Chiến sự Hamas-Israel: Israel chưa thể đưa quân vào Gaza

Israel chuẩn bị đưa cuộc chiến với Hamas sang giai đoạn 2 với chiến dịch quân sự trên mặt đất dự kiến càn quét vào miền bắc Gaza để 'tảo thanh' Hamas. Iran và Hezbollah đã lên tiếng cảnh báo 'hậu quả nghiêm trọng' nếu Israel đưa quân vào Gaza, trong khi Mỹ có những hành động thận trọng,...

Nếu Israel vượt “lằn ranh đỏ”...

Để chuẩn bị cho cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã huy động hơn 300.000 quân dự bị cộng với 170.000 quân chính quy cùng khí tài xe tăng, pháo tập kết xung quanh Dải Gaza từ nhiều ngày qua, chỉ cần chờ lệnh “xuất kích”.

Trong một động thái đầy “quyết tâm”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 13/10 đã ra lệnh cho 1,1 triệu người dân Palestine tại miền Bắc Gaza trong vòng 6 giờ phải sơ tán xuống miền Nam, sau thời gian đó Israel sẽ bắt đầu ném bom miền Bắc và sau đó sẽ triển khai quân đội vào Gaza. Đến ngày 16/10, Liên hợp quốc ước tính có hơn nửa triệu người Palestine đã rời khỏi nhà cửa ở miền Bắc Gaza để di chuyển xuống miền Nam. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liên tục đưa ra lời cảnh báo rằng lệnh sơ tán của ông Netanyahu là quá “vô nhận đạo”, là “tàn nhẫn” và cơ bản không khả thi, bởi các bệnh viện không thể nào di chuyển những người bệnh nặng đang điều trị, sẽ không qua khỏi khi di chuyển đường xa. WHO gọi lệnh sơ tán của ông Netnyahu chẳng khác nào “án tử” dành cho họ.

Thủ Tướng Israel BenjamIn Netanyahu tuyên bố chuẩn bị tấn công bộ binh vào Gaza.

Lệnh sơ tán người Palestine của ông Netanyahu đã vấp phải sự phản đối không chỉ từ Liên hợp quốc mà cả nước láng giềng Ai Cập, quốc gia đã ký kết thỏa thuận hòa bình với Israel.

Ngày 15/10, Ai Cập tăng cường hiện diện quân sự tại cửa khẩu biên giới Rafah với Gaza do lo ngại rằng Israel có ý định đẩy hàng trăm nghìn người tị nạn Palestine qua biên giới vào sa mạc Sinai. Cairo cho biết việc trục xuất người Palestine khỏi nhà của họ (ở Bắc Gaza) sẽ vi phạm luật pháp quốc tế và là nguy cơ an ninh quốc gia đối với Ai Cập, có thể khiến nền kinh tế ốm yếu của nước này bị phá sản. Bản thân người Palestine và các quốc gia Arab khác lo ngại người tị nạn sẽ không bao giờ được phép trở về nhà của họ.

Quân đội Israel hiện đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công quy mô lớn nhất vào Gaza và có thể sẽ tái chiếm vùng đất này. Sau cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7/10 và những cuộc giao tranh tiếp tục sau đó, Hamas đã cho thấy họ đang sở hữu năng lực quân sự vượt xa những gì người ta nghĩ trước đây. Hamas giờ đây đã được chuẩn bị tốt hơn cho cuộc đối đầu trực tiếp với Israel, và hiện nay có vẻ đang sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến.

Trong tuần qua, Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc tấn công trừng phạt vào Gaza, biến một số khu vực thành bãi rác với bê tông vụn và kim loại xoắn. Trong quá trình này, hơn 2.200 người Palestine - bao gồm nhiều thường dân và hơn 700 trẻ em - đã thiệt mạng. Và, đây chỉ là giai đoạn đầu của cuộc chiến này.

Đến ngày 15/10, các bác sĩ ở Gaza cho biết hàng ngàn người có thể chết nếu các bệnh viện chứa đầy người bị thương hết nhiên liệu và vật tư cơ bản, khi dân thường bị oanh tạc trên không phải vật lộn để tìm thức ăn, nước uống và sự an toàn trước một cuộc tấn công trên bộ dự kiến của Israel.

Theo tờ báo The Guardian của Anh, tính đến ngày 16/10, các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza đã khiến ít nhất 2.808 người Palestine thiệt mạng và 10.850 người bị thương. Ngoài ra, ít nhất 53 người được cho là đã thiệt mạng ở khu Bờ Tây và hơn 1.100 người bị thương. Phía Israel, số thương vong đã vượt 1.400 người, trong đó có khoảng 300 binh sĩ. Số lượng bom Israel thả xuống Dải Gaza trong 10 ngày qua là hơn 6.000 quả, trong khi tổng số bom NATO đã ném xuống Afghanistan trong một năm là 7,423 quả.

Nếu Israel triển khai quân trên bộ, cuộc chiến sẽ đẫm máu và tàn khốc hơn nhiều. Các lực lượng Israel cũng sẽ phải lưu ý rằng khắp Gaza có hơn một trăm người Israel bao gồm cả binh lính và thường dân, phụ nữ và trẻ em bị Hamas bắt làm con tin. Và, mặc dù không ai ngoài Hamas biết họ đang bị giam giữ ở đâu, nhưng có vẻ như họ đang ở những khu vực khó tiếp cận nhất, có thể là trong các trại tị nạn đông đúc.

Xe tăng Israel tập kết ở biên giới Dải Gaza để chuẩn bị tấn công.

Ngày 16/10, Iran tiếp tục đưa ra lời cảnh báo về khả năng có “hành động phủ đầu” chống lại Israel “trong những giờ tới”, khi Israel chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza. Tehran đã nhiều lần cảnh báo rằng một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza sẽ gặp phải phản ứng từ các mặt trận khác, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lan rộng toàn khu vực. Phát biểu trong một chương trình phát sóng trực tiếp hôm 14/10, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết Hezbollah sẽ trực tiếp tham chiến nếu Israel đưa quân vào Gaza. Trên thực tế, Hezbollah và Israel đã có cuộc đấu pháo qua biên giới phía Bắc Israel khiến một nhà báo thiệt mạng, và đó là dấu hiệu rõ rệt nhất về khả năng “mặt trận thứ hai” sẽ được khai màn nếu Israel không cân nhắc kỹ hành động ở Dải Gaza.

Ngoài vấn đề đạo đức của việc giết thường dân để đáp lại việc giết thường dân, còn có những cân nhắc về địa chính trị. Hezbollah có hơn 100.000 quả tên lửa ở miền Nam Lebanon, sát biên giới phía bắc của Israel. Nhiều người Palestine ở Bờ Tây cổ vũ cuộc tấn công của Hamas vào Israel. Nếu Israel tiếp tục gây chết chóc và tàn phá hàng loạt người Palestine ở Dải Gaza, Hezbollah và các chiến binh Bờ Tây có thể cảm thấy buộc phải can thiệp. Một cuộc chiến tranh ba mặt trận có thể là thảm họa đối với Israel và sẽ là một thảm họa nhân đạo đối với khu vực, bất kể nó kết thúc như thế nào.

Hành động cân bằng của Mỹ

Tổng thống Joe Biden dường như biết rằng ông ấy đang đi trên dây khi nói đến cuộc chiến Israel-Hamas và rủi ro rất cao. Trong bài phát biểu trên truyền hình từ Nhà Trắng hôm 10/10, được phát khi Israel tiến hành các cuộc không kích lớn vào Gaza và huy động quân dự bị cho một cuộc tấn công và tái chiếm có thể xảy ra đối với vùng đất nhỏ, đông dân ở biên giới phía Nam Israel, ông Biden đã nói rõ rằng lực lượng Israel, với sự hỗ trợ có thể có từ các tàu sân bay Mỹ gần đó, phải đủ mạnh để đè bẹp Hamas như một tổ chức khủng bố nhưng cũng đủ kiềm chế để tránh giết hại rất nhiều thường dân Palestine. Ông Biden đã nói với Thủ tướng Netanyahu rằng nếu Mỹ gặp phải điều gì đó giống như cuộc tấn công của Hamas vào cuối tuần trước thì “phản ứng của chúng tôi sẽ nhanh chóng và áp đảo”. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi ông Netanyahu “duy trì luật chiến tranh”.

Cố gắng phân biệt giữa các chiến binh Hamas với dân thường, ông Biden nói rằng “Hamas không đại diện cho các quyền về nhân phẩm và quyền tự quyết của người dân Palestine”. Ông nói thêm rằng “họ sử dụng thường dân Palestine làm lá chắn sống” mà “bất kể ai cũng phải trả giá”.

Trong một tuyên bố gửi qua email cho tờ báo Politico ngay trước bài phát biểu của ông Biden, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết “chúng tôi ủng hộ Israel thực hiện các hành động cần thiết và tương xứng để bảo vệ đất nước và người dân của mình”.

Ngày 16/10, sau khi đến Ai Cập để thương thuyết về việc cung cấp hàng cứu trợ nhân đạo cho Dải Gaza, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến Israel. Chuyến thăm của ông Blinken được cho là nằm trong nỗ lực thuyết phục Israe cân nhắc giảm cường độ các cuộc tấn công vào Dải Gaza nhằm hạn chế thương vong dân thường và những tổn thất khác.

Trong một động thái được coi là “cân bằng” nhất, Tổng thống Mỹ Biden hôm 16/10 đã đưa ra lời cảnh báo đối với Israel rằng việc triển khai quân trên bộ và tái chiếm đóng Dải Gaza là một “sai lầm lớn” nếu Israel vẫn tiến hành việc này. Khẳng định rằng “Hamas phải bị tiêu diệt”, nhưng ông Biden cũng cho rằng cần phải tôn trọng quyền quyết định của người Palestine và mọi hành động đều phải hướng đến giải pháp “hai nhà nước” - phải thành lập cho được nhà nước Palestine.

Nhưng, Tổng thống Biden cũng đưa ra thêm một động thái nữa để ủng hộ Israel, đó là quyết định động viên 2.000 quân nhân trong trạng thái sẵn sàng để điều động đến hỗ trợ Israel. Nguồn tin Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các quân nhân này chủ yếu là để hỗ trợ Israel về mặt kỹ thuật, cố vấn chiến thuật và một số việc hậu cần khác, không tham gia chiến đấu.

Biểu tình ủng hộ người Palestine diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Rõ ràng, trong cuộc chiến Hamas-Israel lần này, chính quyền Mỹ đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, cả về chính trị, ngoại giao lẫn quân sự. Nguồn lực Mỹ có thể hỗ trợ Israel đủ mạnh để giành ưu thế trước Hamas nhưng Chính phủ Mỹ hiện đang “sống thoi thóp” nhờ vào sự “chu cấp” tạm thời của Hạ viện, trong khi còn phải lo “bảo trợ” Ukraine trong cuộc chiến với nước Nga. Đến nay, Washington không thể làm gì khác ngoài việc ủng hộ Israel bằng chính trị, bằng lời nói và điều tàu sân bay đến Địa Trung Hải. Sẽ rất khó để Washington đưa ra một giải pháp nào đó nhằm hạ nhiệt cuộc chiến mà không làm cho Tel Aviv mất mặt ngay vào thời điểm này. Ngày 16/10, Hamas đã tung video đưa ra yêu sách đòi Israel phải thả 6.000 tù nhân Palestine hiện đang bị giam giữ vô thời hạn và không xét xử như một điều kiện để Hamas thả các con tin Israel bị bắt.

Thế giới sôi sục ủng hộ người Palestine

Hàng chục nghìn người biểu tình đã tập hợp khắp Trung Đông và một số khu vực ở châu Á, châu Âu và Mỹ để ủng hộ người Palestine và lên án Israel khi nước này tăng cường tấn công vào Gaza. Cộng đồng Do Thái ở Mỹ, Pháp và các nước khác cũng tổ chức các cuộc biểu tình để thể hiện tình đoàn kết với Israel. Một số chính phủ đã tăng cường an ninh tại các giáo đường và trường học Do Thái vì lo ngại các cuộc biểu tình có thể dẫn đến bạo lực.

Trong khi đó ở Anh, các vụ việc chống Do Thái đang gia tăng khi sự trả đũa của Israel chống lại Gaza ngày càng gia tăng, một lãnh đạo hội đồng ở Greater Manchester đã cảnh báo khi cảnh sát trong khu vực triển khai thêm sĩ quan để đối phó với tội phạm thù hận. Theo lãnh đạo hội đồng Eamonn O'Brien, Bury, nơi sinh sống của hơn 10.700 người Do Thái, những vụ việc lớn nhỏ đã bắt đầu leo thang khiến cư dân Do Thái lo lắng.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman gần đây đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với những người biểu tình tại các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine, một số người trong số họ cho rằng có liên quan đến việc tôn vinh chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, vào ngày 14/10, hàng chục nghìn người đã kêu gọi một Palestine tự do khi họ biểu tình trên khắp Vương quốc Anh, với các cuộc tuần hành ở Manchester, Liverpool, Edinburgh, Glasgow, Aberdeen và London. Nhiều người mang theo cờ, biểu ngữ và pháo sáng khi họ kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới lên án hành động của quân đội Israel.

Theo Tổ chức An toàn Cộng đồng (CST), cơ quan giám sát các cuộc tấn công bài Do Thái, kể từ khi các chiến binh Hamas tiến hành các cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7/10, các báo cáo về chủ nghĩa bài Do Thái ở Anh đã gia tăng mạnh mẽ. Trong 7 ngày tính đến 13/10, CST đã ghi nhận 109 vụ bài Do Thái ở Greater London, 22 ở Đại Manchester, tám ở Tây Yorkshire, 7 ở West Midlands, 4 ở Hertfordshire và 40 sự cố còn lại trải rộng trên 12 địa điểm khác nhau của Vương quốc Anh.

Còn ở Mỹ, hàng chục cuộc biểu tình diễn ra trên khắp đất nước nhằm ủng hộ cả hai phía của cuộc chiến. Lực lượng ủng hộ người Do Thái ở Mỹ mạnh hơn ở Anh nên tình hình ở Mỹ thể hiện rõ nét sự phân hóa giữa hai phe ủng hộ hai chiến tuyến.

An Châu

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chien-su-hamas-israel-israel-chua-the-dua-quan-vao-gaza-i710747/