Chiến lược phát triển thủy sản

ND - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1690/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020. Chiến lược chỉ rõ định hướng phát triển thủy sản theo bốn lĩnh vực là khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến và tiêu thụ thủy sản, cơ khí đóng sửa tàu, thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo đó, đến năm 2020, phát triển thủy sản tập trung ở năm vùng là đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và ven biển miền trung, vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng miền núi, trung du phía bắc và Tây Nguyên.

Trong những năm vừa qua, ngành thủy sản nước ta đã có những bước phát triển nhảy vọt. Nếu như năm 1981, sản lượng thủy sản cả nước chỉ có 600 nghìn tấn thì hiện nay đạt hơn 4,3 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu năm 1981 là 15,2 triệu USD, nay tăng lên 4,25 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành một trong mười nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Ngành thủy sản tạo việc làm cho bốn triệu lao động, chưa kể những lao động gián tiếp như công nghiệp chế biến, dịch vụ xuất khẩu, hệ thống thương mại, đóng tàu, thuyền... Điều đó chứng tỏ ngành thủy sản đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, ngành thủy sản nước ta cũng đang phải đối mặt nhiều thách thức. Sức ép cạnh tranh trong xuất khẩu ngày càng cao, rào cản kỹ thuật từ các nước liên tục có những thay đổi, trong khi chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của nước ta chưa đồng bộ. Vấn đề nuôi trồng, đánh bắt xa bờ vẫn còn quy mô nhỏ, lạc hậu. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật hạn chế, các mô hình công nghiệp còn ít. Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tuợng nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền đang đe dọa nghiêm trọng đến nghề nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, thương hiệu cho thủy sản Việt Nam đến nay vẫn chưa làm được. Vấn đề liên kết bốn nhà bàn đi bàn lại cũng vẫn còn lỏng lẻo. Tình trạng rớt giá liên tục tái diễn mà phần thiệt luôn về phía nông dân. Trước diễn biến đó, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 với mười chương trình, đề án và dự án, dự kiến kinh phí thực hiện là 57.400 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ đem lại một bước phát triển cao hơn cho ngành thủy sản nước ta. Với các mục tiêu đề ra đến năm 2020 là kinh tế thủy sản góp 30-35% GDP khối nông - lâm - ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8 đến 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt từ 8 đến 9 tỷ USD. Tạo việc làm cho năm triệu lao động nghề cá có thu nhập bình quân đầu người cao gấp ba lần so với hiện nay; hơn 40% tổng số lao động nghề cá qua đào tạo. Để thực hiện tốt chiến lược này, đòi hỏi các bộ, ngành liên quan từ T.Ư đến địa phương phải vào cuộc quyết liệt. Chiến lược đã có với quy hoạch hợp lý, chính sách đầu tư thỏa đáng, cộng với sự quyết tâm của các bên tham gia, chắc chắn ngành thủy sản Việt Nam sẽ phát triển tăng tốc, xứng tầm là một trong những ngành kinh tế chủ lực của đất nước.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=184358&sub=152&top=37