Chiến lược pháo binh mới của Mỹ dựa trên thực chiến

Quân đội Mỹ đã trao cho Lockheed Martin hợp đồng trị giá 451 triệu USD nâng cấp loạt bệ phóng tên lửa pháo di động M270 nhằm mở rộng lực lượng của mình.

Hệ thống phóng thế hệ mới M270A2.

Tờ Defense News dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 10 tháng 5 cho biết: "Cơ quan này đã trao cho Lockheed Martin một hợp đồng trị giá 451 triệu USD nâng cấp hệ thống M270 nhằm mở rộng đội xe phóng trong nước và cung cấp các bản nâng cấp cho các đối tác".

Phó chủ tịch phụ trách vũ khí chính xác của Lockheed Martin Jay Price cho biết trong thông cáo rằng chương trình hiện đại hóa sẽ bổ sung thêm khả năng cho các bệ phóng dòng M270 và duy trì khả năng của chúng cho lực lượng NATO trong nhiều thập kỷ tới.

"Việc tái cấp vốn để nâng cấp các hệ thống với động cơ hoàn toàn mới, cabin bọc thép cải tiến và Hệ thống điều khiển hỏa lực chung (CFCS) mới sẽ cung cấp khả năng tương thích với dòng đạn dược thế hệ mới và tăng khả năng tấn công cho đạn cũ", Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Cơ quan này lưu ý rằng tên lửa tấn công chính xác GMLRS và PrSM thế hệ tiếp theo của Lockheed Martin chỉ có thể phát huy được hết sức mạnh khi được bắn bởi các bệ phóng nâng cấp M270A2.

Cùng với nâng cấp M270, Tướng James Rainey, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Tương lai Lục quân Mỹ cho biết, lực lượng này hiện đang nghiên cứu một chiến lược hỏa lực pháo binh mới.

"Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu rất thận trọng về hỏa lực chiến lược nhằm củng cố các nỗ lực bắn chính xác tầm xa. Hiện chúng tôi đang làm điều tương tự đối với các hỏa lực thông thường”, ông Rainey nói.

Tướng Mỹ cho biết thêm rằng hỏa lực chiến lược chính xác rất quan trọng, nhưng các hỏa lực thông thường cũng quan trọng không kém.

Cũng theo ông Rainey, đã đến lúc các phân tích có thể đưa ra chiến lược pháo binh dựa trên cả những gì đang xảy ra ở Ukraine” cũng như những gì Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương cần về hỏa lực thông thường.

Chiến lược mới sẽ xác định năng lực của những gì hiện có và những gì Lục quân có thể cần.

Chiến lược cũng sẽ xem xét công nghệ mới để tăng cường hỏa lực thông thường trên chiến trường, chẳng hạn như những tiến bộ về thuốc phóng giúp các khẩu pháo tầm trung có thể bắn xa như các hệ thống tầm xa hơn.

Công nghệ robot là một lĩnh vực khác sẽ ảnh hưởng đến chiến lược, chẳng hạn như máy nạp đạn tự động. Lục quân Mỹ đã thử nghiệm các bộ nạp tự động cho pháo binh cũng như các giải pháp để cải thiện tốc độ bắn của lựu pháo nói chung.

"Một số đồng minh NATO của chúng tôi có một số bộ nạp mà khả năng thực sự tốt mà chúng tôi quan tâm", Tướng Rainey lưu ý.

Lục quân Mỹ hiện cũng đang phát triển hệ thống Pháo binh Tầm bắn Mở rộng (ERCA) sử dụng cỡ nòng 0,58 inch được gắn trên khung gầm của lựu pháo Quản lý Tích hợp Paladin do BAE Systems sản xuất.

Ông Doug Bush, Giám đốc chương trình mua sắm của Lục quân cho biết, vai trò của ERCA trong chiến lược vẫn còn được xem xét, nhưng chương trình nguyên mẫu đang gặp phải một số chậm trễ.

"Mặc dù vậy, yêu cầu về hỏa lực tầm xa hoàn toàn là một yêu cầu phù hợp với chiến tranh hiện đại ngày nay", Tướng Rainey nói.

Tướng Mỹ lưu ý: "Tôi nghĩ mọi thứ chúng ta đang thấy ở Ukraine là về mức độ phù hợp của hỏa lực chính xác, tất cả các công nghệ mới nổi, nhưng sát thủ lớn trên chiến trường là pháo thông thường, pháo có sức nổ cao".

Kiên Bùi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chien-luoc-phao-binh-moi-cua-my-dua-tren-thuc-chien-post682818.html