Chiến lược ba bước quốc tế hóa đồng NDT

Hội nghị thượng đỉnh khối các nền kinh tế mới nổi BRICS vào cuối tháng 3 vừa qua đã đặt vấn đề tái cấu trúc hệ thống tài chính quốc tế và việc đa dạng hóa đồng tiền giao dịch thương mại nội khối. Đây có thể nói là bước tiến mới của Bắc Kinh trong chiến lược quốc tế hóa NDT đã được thai nghén từ 15 năm qua.

Những bước đi

Ngay trước khi diễn ra Hội nghị kể trên, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng một biện pháp quan trọng nhằm tăng cường sử dụng đồng NDT trong việc thanh toán thương mại toàn cầu bằng cách cung cấp nhiều hơn nữa các khoản vay bằng đồng NDT cho các nước BRICS.

Chi tiết kế hoạch chưa được tiết lộ cụ thể, nhưng theo một số quan chức chính phủ, số tiền cung cấp cho các nước BRICS là của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB). Chính phủ Trung Quốc cũng cho biết các nước BRICS còn lại đang chuẩn bị các khoản vay tương tự bằng đồng tiền riêng của họ qua Ngân hàng phát triển mỗi nước để cung cấp cho các thành viên khác, mặc dù các thỏa thuận cho vay đó cơ bản sẽ được cung cấp bằng đồng NDT.

Các nước BRICS đều cho rằng họ và nền kinh tế toàn cầu nói chung quá lệ thuộc đồng USD. Các thỏa thuận trong BRICS cho thấy hệ thống tiền tệ quốc tế bắt đầu chuyển sang một hệ thống đa dạng hơn, trong đó, vị thế quốc tế của đồng NDT khẳng định sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia kinh tế những biểu hiện đầu tiên mà Trung Quốc thực hiện quốc tế hóa NDT đã được triển khai từ đầu những năm 90 và đặc biệt được đẩy mạnh trong 3-4 năm trở lại đây. Nhưng chính cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu năm 2008, mới là cơ hội ngàn vàng để Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ thực hiện chiến lược đầy tham vọng của mình.

Đến nay, GDP của Trung Quốc đạt gần 5900 tỷ năm 2010, vượt Nhật Bản (5447) và trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Thu nhập tài chính cũng tăng 45 lần trong vòng 30 năm. Từ tình trạng thâm hụt ngoại tệ, năm 2008, Trung Quốc đã chính thức vượt Nhật Bản thành nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới với 1950 tỷ USD và đạt 3200 tỷ USD vào tháng 8/2011.

Trong năm 2011, đồng NDT đã được sử dụng để giải quyết gần 10% thương mại quốc tế của nền kinh tế thứ hai thế giới. Trung Quốc cũng đã thí điểm thực hiện việc hoàn thuế và thanh toán giao dịch thương mại với các nước láng giềng bằng đồng NDT. Kể từ khi thực hiện thí điểm kế hoạch này từ tháng 7/2009, đến hết 2010, thanh toán thương mại quốc tế bằng NDT đã tăng gấp 4 lần, đạt 18.4 tỷ và đến giữa năm 2010, con số này đã tăng 14 lần, trên 50 tỷ NDT.

Ngoài ra, Trung Quốc đã vận động thành công một số tổ chức tài chính quốc tế lớn như ADB, WB phát hành trái phiếu huy động bằng NDT. Chẳng hạn, tháng 10 năm 2010, ADB đã phát hành trái phiếu bằng NDT trị giá 1.2 tỷ USD để huy động vốn cho các dự án tại Trung Quốc, WB cũng đã phát hành khoảng 500 triệu USD trái phiếu bằng NDT.

Bên cạnh đó, một số tập đoàn tài chính quốc tế đang xúc tiến thành lập các quỹ đầu tư sử dụng NDT để đầu tư vào tài sản tại Trung Quốc. Goldman Sachs của Mỹ đã thành lập một quỹ đầu tư tư nhân, huy động được khoảng 5 tỷ để đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Morgan Stanley, Blackstone cũng đã tham gia vào hoạt động này chứng tỏ vị thế của NDT đang được cải thiện trên thị trường tài chính quốc tế.

Những thành công bước đầu đó là kết quả của chiến lược ba điểm của Trung Quốc gồm láng giềng hóa, khu vực hóa và quốc tế hóa, nhằm mục tiêu đưa NDT trở thành tiền tệ thanh toán, rồi tiền tệ đầu tư và cuối cùng là trở thành tiền tệ dự trữ với lộ trình thực hiện trong vòng 30 năm. Trong đó, 10 năm đầu, Trung Quốc sẽ đưa đồng NDT thành tiền tệ thanh toán thương mại với các nước láng giềng; 10 năm tiếp theo là tiền tệ đầu tư mang tính khu vực và 10 năm cuối sẽ trở thành tiền tệ dự trữ quốc tế.

Tận dụng cơ hội từ khủng hoảng

Chiến lược đó đã được Trung Quốc cụ thể hóa và đẩy mạnh vài năm trở lại đây, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU đang phải tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế của mình. Trước tiên, Trung Quốc tăng cường sử dụng NDT trong thanh toán mậu dịch quốc tế trong nước và với các quốc gia làng giềng.

Từ 2004, tỉnh Vân Nam đã thí điểm thực hiện hoàn thuế, thanh toán bằng NDT trong buôn bán tiểu ngạch với VN, Lào và Myanmar. Ngày 24/12/2008, Trung Quốc thí điểm thanh toán bằng NDT tại Quảng Đông, Ma Cao, Hồng Công, Quảng Tây, Vân Nam và khu vực ASEAN nhằm gia tăng việc chấp nhận NDT ở cấp khu vực. Tháng 6/2009, Chính phủ Trung Quốc cho phép công ty ở Thượng Hải và Quảng Đông giải quyết các thương vụ trong khối ASEAN bằng đồng NDT và có chính sách giảm 5% thuế xuất khẩu cho công ty Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc tập trung xây dựng Thượng Hải, Hồng Công thành những trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế như việc cho phép ngân hàng Hồng Công phát hành trái phiếu chính phủ bằng NDT, thu được 9 tỷ NDT trong đợt phát hành đầu tiên năm 2009. Đầu năm nay, ngày 30/01/2012, Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa Thượng Hải trở thành trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ toàn cầu vào 2015 và xa hơn là trở thành một trung tâm thương mại, tài chính quốc tế sánh ngang với Luân Đôn, New York vào năm 2020. Kế hoạch này sẽ đưa khối lượng giao dịch bằng đồng nội tệ của Trung Quốc lên gấp đôi, đạt 1000 nghìn tỷ vào năm 2015.

Một bước đi quan trọng khác làm gia tăng ý nghĩa của đồng NDT với các nhà đầu tư quốc tế là việc chính phủ Trung Quốc thúc đẩy ký kết các Hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương với các nước như Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Malaisia, Ailen...

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngày càng có nhiều nước chọn NDT làm đồng tiền thanh toán và dự trữ. Tại châu Á, Malaisia, Philippin đã đưa NDT vào hệ thống dự trữ quốc gia, Hàn Quốc cũng đang xem xét đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ của mình. Ở châu Âu, Anh là nước đi đầu, chấp nhận thanh toán với Trung Quốc bằng đồng NDT và đang xem xét đưa thêm NDT vào rổ dự trữ ngoại tệ, đầu tháng 01/2012, Anh đã công bố kế hoạch đưa Luân Đôn trở thành trung tâm quốc tế giao dịch đồng nhân dân tệ tại châu Âu. Tại châu Phi, Nigieria, nước có quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc đã tuyên bố coi NDT là nguồn dự trữ ngoại tệ thứ 4.

Lợi dụng khủng hoảng Trung Quốc đã mở cuộc tấn công toàn diện vào châu Âu trên một loạt lĩnh vực từ tài chính, hạ tầng cơ sở đến bằng sáng chế. Theo tạp chí kinh tế L'Expansion của Pháp, Bắc Kinh hiện nắm khoảng 700 tỷ công trái bằng euro, tức 10% tổng lượng trái phiếu mà khối này phát ra thị trường.

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các công ty tại các quốc gia châu Âu đã tăng gấp 6 lần từ 2008 đến 2010. Trung Quốc đã thâm nhập châu Âu như mua từ các tập đoàn xe hơi, Rover của Anh, Volvo, Saab của Thụy Điển đến vườn nho Bordeaux của Pháp, không kể các tập đoàn sản xuất máy móc công nghệ cao, như Baudoin hay NFM Technologié, hay những cơ sở hạ tầng cảng như Pireé ở Hy Lạp, hay Napoli ở Italia. Nhiều người cho rằng đây chỉ mới là đợt đầu cuộc tấn công của Trung Quốc.

Có thể thấy hỗ trợ châu Âu thoát khủng hoảng là một trong những giải pháp quan trọng để vừa mở rộng thị trường cho NDT lại vừa tạo nền tảng cho quá trình quốc tế hóa của đồng tiền này. Với lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ mà Trung Quốc đang nắm trong tay, Bắc Kinh có thể mua đến 80 tập đoàn hàng đầu của châu Âu, và cũng có thể mua lại cả nợ công của Italia và Pháp. Các chuyên gia cho rằng sau châu Phi, châu Âu sẽ là sân chơi tương lai của Bắc Kinh.

Nhìn lại lịch sử, đồng bảng Anh và Franc Thụy Sỹ một thời là những đồng tiền dự trữ quan trọng nhưng 2 nền kinh tế này đều chưa đủ mạnh để đưa đồng tiền của họ vượt qua vai trò là đồng tiền dự trữ hỗ trợ. Còn với Nhật Bản, nền kinh tế từng ở vị trí thứ 2 thế giới do lo ngại về vấn đề tỷ giá đồng Yên nên từ lâu đã không khuyến khích quốc tế hóa đồng nội địa. Vậy với vị thế nền kinh tế thứ hai thế giới và dự báo tương lai sẽ vượt Mỹ, liệu đồng NDT của Trung Quốc có thực hiện được cuộc "đảo chính" thành công?

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tình trạng tăng trưởng èo uột của Mỹ hiện nay chứng tỏ hệ thống tài chính quốc tế dựa quá nhiều vào đồng USD và có nhiều khuyết tật, nhu cầu tái cấu trúc nền tài chính quốc tế là có thực. Nhìn từ góc độ quy mô nền kinh tế, đầu tư và thương mại, NDT là đồng tiền có tiềm lực nhất có thể cạnh tranh với USD trong thanh toán và dự trữ quốc tế. Do vậy, nhiều nhà phân tích dự báo trong trung hạn, NDT sẽ được chấp nhận trên thị trường tài chính thế giới và về lâu dài, đồng tiền này có thể sẽ giữ vị trí chủ chốt trên thế giới và có ảnh hưởng ngày càng lớn tại châu Á, đặc biệt là ở khu vực ASEAN.

Nguồn VietnamNet: http://vef.vn/2012-04-12-chien-luoc-ba-buoc-quoc-te-hoa-dong-ndt