Chiến dịch Pandora VII và nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa của thế giới

Báo cáo mới nhất của Interpol cho hay, chiến dịch mang tên Pandora VII vừa kết thúc hồi tháng 6 vừa qua đã dẫn đến việc bắt giữ gần 70 người trên khắp thế giới vì tội buôn bán tác phẩm nghệ thuật và đồ tạo tác bị đánh cắp.

Cảnh sát từ 15 quốc gia, trong đó có Tây Ban Nha, Italia, Ba Lan và Bồ Đào Nha… đã hợp tác trong hoạt động này và thu hồi hơn 11.000 món đồ gồm sách cổ, tác phẩm điêu khắc và tiền xu. Nhiều đồ trong đó đã bị đánh cắp từ các nhà thờ, tu viện và các cơ sở văn hóa khác.

Từ 130 cuộc điều tra

Theo tin từ Interpol, chiến dịch Pandora được triển khai từ năm 2016 và cho đến nay đã giúp thu giữ hơn 150.000 hiện vật văn hóa bị đánh cắp và dẫn đến hàng trăm vụ bắt giữ. Lần này, chiến dịch Pandora VII do cảnh sát Tây Ban Nha làm tổng chỉ huy dưới sự giám sát của Europol - nơi cung cấp hỗ trợ trao đổi thông tin và phân tích dữ liệu.

Còn Interpol lại có cơ sở dữ liệu về các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp và kết nối các đặc vụ với các chuyên gia tận tâm, những người có thể giúp xác nhận, tìm và xác định các món đồ bị đánh cắp. Báo cáo mới nhất của Interpol cho hay, chiến dịch Pandora VII đã dẫn đến 60 vụ bắt giữ và thu giữ hơn 11.000 đồ vật. 14 quốc gia châu Âu tham gia chiến dịch và thực hiện nhiều cuộc kiểm tra các sân bay, bến cảng, cửa khẩu biên giới, nhà đấu giá, bảo tàng và nhà ở tư nhân.

Một bức tượng bán thân La Mã được tìm thấy ở Tây Ban Nha. Ảnh: Interpol.

Một bức tượng bán thân La Mã được tìm thấy ở Tây Ban Nha. Ảnh: Interpol.

Trong một báo cáo, Europol cho biết, nhiều sách quý, tiền xu cổ và những đồ vật hiếm, có giá trị cao đã được phát hiện như bức tượng bán thân bằng đá cẩm thạch La Mã được cho là tượng trưng cho cháu gái của Hoàng đế Trajan, Salonia Matidia. Bức tượng này bị thu giữ ở Seville, Tây Ban Nha.

Cơ quan bảo vệ văn hóa Italia thì thu hồi được 77 cuốn sách cổ bị đánh cắp từ kho lưu trữ của một tu viện khi chúng đang được rao bán trên thị trường trực tuyến. Cảnh sát Ba Lan đã thu giữ hơn 3.000 đồng xu cổ được rao bán trực tuyến và cơ quan thực thi pháp luật Romania thì thu hồi hơn 100 đồng xu Dacian và La Mã bị đánh cắp từ một địa điểm khảo cổ.

Riêng ở Bồ Đào Nha, trong một cuộc đột kích, cảnh sát đã thu hồi gần 50 hiện vật tôn giáo có liên quan đến 15 vụ cướp xảy ra tại các nhà thờ trên khắp miền Bắc nước này từ năm 1992 đến năm 2003.

Cảnh sát Hy Lạp cũng tìm thấy hơn 40 đồ vật tôn giáo như các biểu tượng, đồ thờ khi khám xét một số ngôi nhà. Hiện tại, khoảng 130 cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành và dự đoán sẽ có thêm nhiều vụ bắt giữ trên khắp thế giới trong những tháng tới.

Con bò thạch cao Sumer này đã được trả lại cho Iraq. Ảnh: Văn phòng DA Manhattan.

Con bò thạch cao Sumer này đã được trả lại cho Iraq. Ảnh: Văn phòng DA Manhattan.

Đến việc New York trả lại các cổ vật

Trong khi đó, tại New York (Mỹ), các công tố viên đã thu giữ được hàng trăm hiện vật vô giá bị cướp bóc từ khắp nơi trên thế giới khiến nơi đây đang nổi lên như là trung tâm buôn bán nghệ thuật bất hợp pháp lớn nhất toàn cầu. Và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan nằm trong số các tổ chức và nhà sưu tập lớn bị buộc phải bàn giao các tác phẩm mà Mỹ tuyên bố trả lại cho hơn chục quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Phi.

Christos Tsirogiannis, nhà khảo cổ học đồng thời là nhà sử học nghệ thuật thuộc Đại học Aarhus ở Đan Mạch khẳng định, quy mô của các vụ thu giữ và trả lại cổ vật ngày càng lớn. Ông Christos Tsirogiannis và GS David Gill tại Trường Luật Kent của Anh, đã hỗ trợ chiến dịch cho các công tố viên quận Manhattan để trả lại các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp về quê hương của chúng.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, Mỹ đã trả lại những món đồ bị cướp bóc tại 20 quốc gia trong khoảng thời gian từ những năm 1970 đến 1990. Chúng bao gồm các tác phẩm từ Hy Lạp cổ đại, đế chế La Mã và Byzantine, Iraq, Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, hơn 950 món đồ trị giá 165 triệu USD đã được trả lại cho một số quốc gia bao gồm Campuchia, Pakistan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Italia.

Hồi tháng trước, Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York đã trao lại cho Bắc Kinh hai tác phẩm điêu khắc bằng đá từ thế kỷ thứ 7 trị giá 3,5 triệu USD. Các tác phẩm đã bị lấy từ các ngôi mộ vào những năm 1990, xuất khẩu và sau đó bán trái phép ở Mỹ. Nhà sưu tập nổi tiếng Shelby White có trụ sở tại Manhattan đã cho Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan mượn chúng từ năm 1998 cho đến khi bị tịch thu vào năm nay.

Một tác phẩm điêu khắc bằng đá đã được trả lại cho Trung Quốc. Ảnh: Twitter/@CGHuangPingNY.

Một tác phẩm điêu khắc bằng đá đã được trả lại cho Trung Quốc. Ảnh: Twitter/@CGHuangPingNY.

Đó là chưa kể đến hai vụ khám xét vào tháng 6/2021 và tháng 4/2022 tại nhà riêng của một tỷ phú tên White (85 tuổi) với việc phát hiện 89 tác phẩm với tổng giá trị 69 triệu USD bị tịch thu. Tháng 12/2022, bà White cũng đã tự nguyện trả lại một số tác phẩm nghệ thuật khác cho Italia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn lần trả cổ vật gần đây nhất ở Mỹ liên quan đến bà White diễn ra vào ngày 19/5 khi các công tố viên gửi trả Iraq một con voi đá vôi và một con bò thạch cao từ nền văn minh Sumer “bị đánh cắp trong Chiến tranh vùng Vịnh và buôn lậu vào New York cuối những năm 1990”.

Trong khi đó, nhà sưu tập Michael Steinhardt, người có một căn phòng mang tên ông tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, đã trao lại 180 cổ vật trị giá 70 triệu USD sau một thỏa thuận ngoài tòa án vào năm 2021.

Tháng 9/2022, 16 món đồ đã được trả lại cho Ai Cập trong đó có 5 món đồ bị tịch thu từ Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, như một phần của cuộc điều tra kép giữa chính quyền New York và Paris, trong đó cựu Chủ tịch Bảo tàng Louvre, Jean-Luc Martinez bị buộc tội “đồng lõa lừa đảo”, rửa tiền và “tạo điều kiện” cho việc mua cổ vật của Ai Cập từ năm 2014 đến 2017…

Các tác phẩm nghệ thuật của Hy Lạp được thu hồi. Ảnh: Europol.

Các tác phẩm nghệ thuật của Hy Lạp được thu hồi. Ảnh: Europol.

Cảnh báo của UNESCO

Trong một phóng sự điều tra trên tờ Frankfurter Allgemeine, nhà báo Ursula Scheer cho biết, doanh thu hàng năm của thị trường chợ đen toàn cầu về nghệ thuật và đồ cổ là 10 tỷ USD, tức chỉ đứng sau hoạt động buôn bán vũ khí và ma túy bất hợp pháp. “Việc bán các tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ giúp các tổ chức mafia tài trợ cho hoạt động khủng bố và chiến tranh”, nhà báo Ursula Scheer viết.

Còn theo Dự án Nghiên cứu nhân chủng học, di sản và buôn bán cổ vật do một nhóm gồm các nhà nhân chủng học và chuyên gia di sản thực hiện, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng trở lại của hoạt động buôn bán đồ vật bị đánh cắp trên mạng xã hội, đặc biệt là từ Trung Đông và Bắc Phi. Nghiên cứu điều tra này còn khẳng định, Facebook đã phát hiện ra hiện tượng này và cấm buôn bán các hiện vật văn hóa, lịch sử trên nền tảng trực tuyến của mình.

Do đó, hiện có nhiều đề xuất, khuyến nghị lên UNESCO về việc thành lập các đơn vị cảnh sát chuyên giám sát các nền tảng trực tuyến để tăng cường hợp tác tích cực trong việc triệt phá hoạt động mua bán bất hợp pháp. Họ cũng kêu gọi sử dụng có hệ thống hơn các công cụ do UNESCO và các đối tác tạo ra, bao gồm: Danh sách di sản văn hóa quốc gia của UNESCO, Cơ sở dữ liệu danh sách đỏ của Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM) về sản phẩm văn hóa có nguy cơ bị đe dọa và Cơ sở dữ liệu tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp của Interpol…

Việc truy tìm nguồn gốc của một tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ cổ bị đánh cắp không chỉ giúp bắt giữ những kẻ buôn lậu và đưa chúng ra trước công lý mà còn mở đường cho các đồ vật được đưa về nước xuất xứ của chúng. Tế nhị hơn nữa là vấn đề trả lại những đồ vật bị cướp phá trong thời kỳ thuộc địa. Đây vẫn là nguyên nhân gây căng thẳng giữa các quốc gia có bộ sưu tập bảo tàng phong phú và những quốc gia yêu cầu trả lại các hiện vật góp phần tạo nên bản sắc dân tộc họ.

Hơn 100 đồng xu đã bị chính quyền Romania thu giữ. Ảnh: Interpol.

Hơn 100 đồng xu đã bị chính quyền Romania thu giữ. Ảnh: Interpol.

Riêng đối với Việt Nam, kể từ khi chính thức gia nhập Công ước UNESCO 1970 về Chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa năm 2005, Việt Nam đã nỗ lực trong các quan hệ ngoại giao để cùng các nước nhận diện di sản văn hóa Việt Nam đã bị đưa ra nước ngoài bất hợp pháp trong quá khứ. Đến nay, với sự hỗ trợ của một số nước, nhiều cổ vật đã được đưa về Việt Nam.

Cụ thể, năm 2018, 18 cổ vật Việt Nam do Cơ quan phòng chống tội phạm Berlin (Đức) thu giữ từ 1 vụ buôn bán trái phép, đã được trao trả. Năm 2015 và 2021, một số cổ vật của Huế cũng được chính phủ và một số nhà hảo tâm nước ngoài đấu giá thành công và đưa về Việt Nam.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 8, Cục Di sản văn hóa đã thông tin với báo chí về công tác hoàn trả cho Việt Nam những cổ vật bị buôn bán trái phép vào Mỹ. Theo đó, sau chuyến hồi hương của 10 cổ vật bị buôn bán trái phép vào tháng 11/2022 do Mỹ trao trả Việt Nam thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, tháng 3/2023, Cục Di sản văn hóa tiếp tục nhận được đề nghị của Cơ quan Điều tra an ninh nội địa Mỹ (HIS), thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS), xác định nguồn gốc của một số cổ vật có khả năng từ Việt Nam bị buôn bán trái phép vào Mỹ.

Căn cứ hồ sơ do HIS cung cấp, Cục Di sản văn hóa đã làm việc với các chuyên gia cổ vật, xác định những hiện vật này là cổ vật của Việt Nam được đưa ra khỏi Việt Nam bất hợp pháp và cung cấp thông tin cho phía Mỹ.

Hiện vật gồm: dao găm đồng, cán hình người thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn, dài 23 cm, niên đại cách ngày nay từ 2.500 đến 2.000 năm; trang sức đá thạch anh, khắc chìm hình thần Shiva thuộc văn hóa Chămpa, niên đại Thế kỷ III-V; tượng Quan Âm bằng gỗ sơn thếp vàng, niên đại Thế kỷ XVIII-XIX.

Chu Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/chien-dich-pandora-vii-va-no-luc-bao-ve-di-san-van-hoa-cua-the-gioi-i709964/