Chiến dịch giải cứu trên đất Nhật khiến 500 nhân viên công ty đối tác cảm ơn FPT

Gần 500 nhân viên công ty đối tác dành hẳn 60 phút để tập hợp, vỗ tay và cúi chào thật lâu để 'cảm ơn FPT đã cứu chúng tôi'.

Câu chuyện FPT “giải cứu” một công ty tại Nhật Bản và nhận lại sự cảm ơn bất ngờ chưa từng có trong lịch sử kinh doanh của mình vừa được Thành viên HĐQT Đỗ Cao Bảo chia sẻ trên Facebook cá nhân. Chiến dịch đặc biệt này ngay lập tức nhận được sự chú ý từ cộng đồng.

Người xuất sắc bậc nhất FPT năm 2023 Đỗ Văn Khắc là tổng chỉ huy "trận đánh" ấy.

Ông Đỗ Cao Bảo cho biết sở dĩ có hành động cảm ơn đặc biệt là vì FPT đã thực hiện chiến dịch 90 ngày giải cứu một dự án quan trọng của công ty đối tác. FPT Nhật Bản khi đó được đối tác đề nghị giải cứu khi thời gian phải vận hành dự án chỉ còn 3 tháng với rất nhiều khó khăn, và có lẽ họ không nghĩ chúng tôi có thể hoàn thành xuất sắc, ngoài mong đợi như vậy.

Chia sẻ câu chuyện với VTC News, ông Đỗ Văn Khắc - Phó Tổng Giám đốc FPT Software, Tổng Giám đốc FPT Nhật Bản, cho biết dù chuyện giải cứu hoàn tất đã lâu, nhưng hành động cảm ơn của đối tác ghi dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời kinh doanh của ông.

Đó là hành động rất hiếm với các công ty kinh doanh ở thị trường Nhật Bản.

Theo ông Khắc, thời điểm đó, dự án của đối tác Nhật được một doanh nghiệp quốc tế khác thực hiện, và họ đã làm trong thời gian hơn 2 năm. Tuy nhiên, đến lúc gần nghiệm thu, đưa vào vận hành thì hệ thống không thể hoạt động, dữ liệu sai.

“Đối tác tìm đến FPT Nhật Bản với đề nghị chúng tôi thay thế. Khi đó, chúng tôi nhận nhiệm vụ ‘giải cứu’ này rất vô tư chứ không có gì to tát. Vì tôi nghĩ chúng tôi làm được. Nhưng với đối tác thì ngay khi chúng tôi nhận lời ‘vá lỗi’, họ đã rất cảm kích.

Bởi tại Nhật, không dễ tìm một đơn vị khác thay thế khi thời gian gấp gáp như vậy, vì huy động nhân lực là điều không dễ dàng, phải nói là không ai chịu làm và làm được”, ông Khắc nói.

Để làm nhiệm vụ “giải cứu”, FPT Nhật Bản huy động 120 nhân lực với tất cả đội ngũ, máy móc có thể có và làm việc xuyên đêm, chia 3 ca liên tục trong ngày, “cày” suốt 3 tháng trời.

Nhưng theo CEO Đỗ Văn Khắc, quan trọng nhất, 90 ngày quên ăn quên ngủ của FPT Nhật Bản đã cho thấy được sự sáng tạo, nhạy bén và “chất lượng” của từng nhân sự, từ đội ngũ quản lý sản xuất cho đến bộ phận quan hệ, chăm sóc khách hàng đến đội dự án.

FPT đã cập nhật lại dữ liệu, hoàn thiện tất cả các quy trình vận hành, đưa hệ thống vào hoạt động xuất sắc đúng thời gian đối tác cần vận hành. Việc hoàn thành dự án trơn tru, đúng thời gian là yếu tố quan trọng nhất để FPT ghi điểm đặc biệt.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Chi, người trực tiếp làm việc với đối tác này, cho biết bà và CEO Đỗ Văn Khắc đã thật sự bất ngờ, “ngợp” khi đến và chứng kiến hình ảnh gần 500 nhân viên của công ty đối tác đứng hết ra hành lang của cả 3 tầng văn phòng để “cảm ơn FPT đã cứu chúng tôi”.

Theo bà Chi, doanh nghiệp đối tác đã dành hẳn 60 phút tập hợp toàn bộ nhân viên, tập xếp hàng, vỗ tay để thực hiện buổi cảm ơn đặc biệt này vì cảm kích. Có lẽ với họ, việc làm của FPT đã chạm đến trái tim, nên họ dành cho FPT sự bất ngờ, cảm động. Và những người FPT khi ấy chỉ biết “gật đầu với tốc độ 180 lần trên một phút” để đáp lại sự quý trọng của khách hàng.

Sau chiến dịch giải cứu, FPT đã trở thành đối tác số 1. CEO Đỗ Văn Khắc cho biết FPT Nhật Bản đang thực hiện 2 dự án rất lớn của đối tác này với hơn 700 nhân sự làm việc.

Sau chiến dịch giải cứu này, uy tín, vị thế của FPT Nhật Bản, của các doanh nghiệp công nghệ Việt cũng tăng cao hơn. Ông Đỗ Văn Khắc chia sẻ người Nhật đánh giá rất cao các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, đặc biệt là phần mềm.

Với họ, “dân công nghệ” Việt không chỉ giỏi mà còn uy tín, chăm chỉ, bởi chúng ta không ngại làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày, làm ngoài giờ, làm tăng ca và các công ty Việt Nam cũng thuận lợi hơn trong việc huy động nhân sự khi cần đẩy nhanh tiến độ công việc.

“Với người Nhật, uy tín, ‘thủy chung’ là hàng đầu. Người Nhật khi làm ăn họ rất gắn bó, một lòng tin tưởng. Do vậy khi làm ăn với người Nhật đừng để mất lòng tin, đừng ăn xổi. Khi mình để lại ấn tượng xấu trong lòng khách hàng thì họ sẽ đánh giá chúng ta không làm được việc lớn.

Với FPT, làm ăn ở nước ngoài không chỉ là sự đánh giá chất lượng dịch vụ phần mềm, mà còn quan hệ đẹp giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ”, ông Khắc nói.

Thị trường Nhật Bản là quốc gia đầu tiên FPT thâm nhập thành công. Theo ông Đỗ Cao Bảo, nhờ thành công tại thị trường này mà FPT mới vào được các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác.

Năm 2023, FPT Nhật Bản đạt mức tăng trưởng doanh số hơn 50%, cao nhất trong lịch sử, cán mốc doanh thu hơn 380 triệu USD, ngang hàng với Top 26 công ty IT lớn nhất tại Nhật và đóng góp lớn vào doanh thu tỷ USD từ dịch vụ Phần mềm công nghệ thông tin của tập đoàn FPT.

Tập đoàn FPT khẳng định FPT Nhật Bản đang đứng trước những cơ hội lớn chưa từng có để trở thành thị trường tỷ USD của FPT. Năm 2024, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 39% và về dài hạn, doanh thu tương đương 1 tỷ USD, lọt top 20 các công ty IT tại thị trường Nhật Bản.

Dự kiến đến năm 2026, FPT Nhật Bản sẽ có 3.999 nhân sự.

Chiến lược “săn cá voi”

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chien-dich-giai-cuu-tren-dat-nhat-khien-500-nhan-vien-cong-ty-doi-tac-cam-on-fpt-ar865095.html