Chiêm ngưỡng thiết kế hiện đại của đường Vành đai 4 Hà Nội, nơi rộng nhất lên đến 14 làn xe

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư hơn 85.813 tỷ đồng, được thiết kế rộng nhất lên tới 14 làn xe... Đây là một trong những dự án trọng điểm được ví như 'Vành đai kết nối mọi vành đai'.

Có tổng mức đầu tư hơn 85.813 tỷ đồng, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có độ dài 112,8km đi qua 3 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Trong đó, dự án PPP thành phần 3 (đầu tư xây dựng đường Vành đai 4) có tổng mức đầu tư hơn 55 nghìn tỷ đồng, được thiết kế rộng nhất lên tới 14 làn xe, 8 nút giao khác mức trên tuyến.

Hình ảnh nút giao Mê Linh thuộc dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Riêng trên địa bàn Hà Nội, vành đai 4 sẽ có trên 58 km đi qua 7 quận, huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.

Đến thời điểm này, TP Hà Nội đã bàn giao chỉ giới đường đỏ của 2 trong số 4 đoạn tuyến. Đây chính là cơ sở quan trọng để các đơn vị và các quận huyện cắm mốc giới trên thực địa và triển khai giải phóng mặt bằng.

Nút giao Nội Bài - Hạ Long hoàn chỉnh sẽ khép kín đường Vành đai 4 có quy mô 4 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100-120km/h.

Dự án được ví như "Vành đai kết nối mọi vành đai" vì có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách, góp phần mở rộng không gian phát triển Thủ đô, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Phối cảnh nút giao Đại lộ Thăng Long khi có hạ tầng giao thông đồng bộ.

Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường vành đai kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Khi hoàn thành, 7 vành đai này sẽ góp phần nâng tầm vị thế của Thủ đô.

Nút giao Vành đai 4 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong tương lai.

Toàn thành phố hiện có khoảng 750.000 ôtô các loại, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Hà Nội, gây áp lực quá tải lên hạ tầng giao thông Thủ đô.

Vì vậy, các tuyến đường vành đai dù là nội bộ hay liên vùng đều có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần tích cực, quyết định giải quyết ùn tắc giao thông của Hà Nội.

Nút giao QL6 có diện mạo mới khi hoàn thiện đường Vành đai 4.

Sau Vành đai 4 thì Vành đai 5 cũng sẽ được hình thành, mạng lưới giao thông của Thủ đô sẽ trọn vẹn, sẽ trở thành động lực lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Quan trọng là phải đảm bảo được tiến độ để không lỡ hẹn với những cơ hội rất mạnh mẽ ở phía trước.

Cầu Hồng Hà giao cắt với đường Hồng Hà đoạn qua chùa Gia Lễ, nằm giữa trường THCS Liên Hồng và thôn Bồng Lai. Với quy hoạch cầu Hồng Hà, trong tương lai, nhiều khu vực sẽ hưởng lợi về mặt giao thông.

Vị trí xây cầu Mễ Sở trên Vành đai 4, cách trạm bơm Hồng Vân, huyện Thường Tín, khoảng 600m về phía hạ lưu. Ở huyện Văn Giang, đường dẫn lên cầu chạy qua các xã Mễ Sở, Thắng Lợi và cạnh đường dây điện 500KV. Điểm đầu dự án sẽ là nút giao giữa quốc lộ 1A và Vành đai 4, điểm cuối là nút giao giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Vành đai 4. Cầu và đường dẫn dài gần 14km.

Cầu Hoài Thượng bắc qua sông Đuống ở Bắc Ninh là 1 trong 3 cây cầy trên tuyến đường Vành đai 4 được nâng chiều rộng thêm 7m so với phương án nghiên cứu trước đó.

Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 4 cho thấy khi dự án hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới cho 3 tỉnh, TP: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Trung Sơn

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chiem-nguong-thiet-ke-hien-dai-cua-duong-vanh-dai-4-ha-noi-noi-rong-nhat-len-den-14-lan-xe-172240129175522228.htm