Chiêm ngưỡng những 'bánh quy' trăm triệu tuổi xuất hiện ở Hà Nội

Những con vật trông giống cái bánh quy này đã xuất hiện từ giữa kỷ Ordovic, cách đây khoảng 470 triệu năm. Hóa thạch của chúng được nhận diện từ hình dạng tròn và dẹt, ở giữa có họa tiết năm cánh hình hoa.

Những vật trông như cái bánh quy này là hóa thạch có tuổi đời hàng trăm triệu năm của loài cầu gai, nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội. Cầu gai là tên gọi chung của một lớp thuộc ngành Động vật da gai, tên khoa học là Echinoidea

Theo tài liệu của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội, những loài cầu gai sớm nhất đã xuất hiện từ giữa kỷ Ordovic, cách đây khoảng 470 triệu năm.

Các hóa thạch cầu gai dễ dàng được nhận diện từ hình dạng tròn và dẹt, ở giữa có họa tiết năm cánh hình hoa.

Hóa thạch cầu gai cổ đại đã được tìm thấy trên toàn thế giới. Chúng được ví như những chiếc bánh quy hàng trăm triệu năm tuổi.

Ngày nay hậu duệ của các loài cầu gai vẫn sinh sôi nảy nở ở khắp các đại dương với rất ít sự biến đổi so với tổ tiên hàng trăm triệu năm trước.

Mẫu vật này là hóa thạch cầu gai Clypeus plotii, có niên đại từ kỷ Jura (cách đây khoảng 165 triệu năm), được phát hiện tại Anh.

Còn đây là hóa thạch một loài cầu gai có niên đại từ kỷ Ordovic (cách đây khoảng 450 triệu năm), được tìm thấy ở Madagascar.

Đặc điểm chung của lớp Cầu gai là cấu tạo cơ thể có tính đối xứng cấu trúc bên trong và bên ngoài.

Cơ quan bên trong của cầu gai bao gồm hệ mạch nước, hệ thần kinh, hệ mạch máu và hệ sinh sản tất cả đều là đối xứng tỏa tròn.

Những con vật này sống bám đáy ở các vùng biển và đại dương, ở độ sâu có thể lên đến trên vài nghìn mét.

Thức ăn của cầu gai chủ yếu là tảo, đôi khi là những loài san hô mềm và cỏ biển.

Cận cảnh một số mẫu vật hóa thạch cầu gai của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/chiem-nguong-nhung-banh-quy-tram-trieu-tuoi-xuat-hien-o-ha-noi-1983218.html