Chiêm ngưỡng diều cổ nhất Việt Nam tại Hoàng Thành Thăng Long

Đến Hoàng Thành Thăng Long trong những ngày này, công chúng Thủ đô và du khách được chiêm ngưỡng lễ rước diều cổ nhất Việt Nam, có niên đại hàng trăm năm.

Đây là diều cổ có từ thời Lê, được bảo tồn tại đền Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có tuổi đời hàng trăm năm, thuộc khoảng thế kỷ 15-18. Diều có chiều dài 1 m, được làm hoàn toàn bằng tre, giấy; sáo và dây diều cũng được làm bằng tre.

Du khách có chiêm ngưỡng diều cổ nhất Việt Nam tại Hoàng Thành Thăng Long

Diều cổ có từ thời Lê

Được biết từ thời Lê, lễ hội Sáo Đền (lễ hội thả diều Đền Song An) thường diễn ra vào đầu xuân năm mới. Trong những ngày Tết cổ truyền, vua cho quân lính thả diều để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngày nay, lễ hội vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy tại Song An, nhằm tưởng nhớ những vị tướng thời Lê, trở thành nét đẹp truyền thống của xã Song An. Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Tục chơi sáo diều trong lễ hội Sáo Đền" ở xã Song An, huyện Vũ Thư là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Diều cổ có chiều dài khoảng 1m

Diều cổ nhất Việt Nam đã được đưa từ Thái Bình về bảo quản tại Hoàng Thành Thăng Long, thành phố Hà Nội và rước trong nghi lễ rước diều để tái hiện một trong tục Tết cổ truyền của người Việt.

Làm lễ dâng hương trước khi rước diều

Diều cổ được Ban tổ chức rước từ điện Kính Thiên đến khu vực sân khấu chính

Nghi lễ rước diều cổ và những diều từng đoạt giải Nhất các cuộc thi

Sau khi hoàn thành lễ dâng hương, diều cổ được Ban tổ chức rước từ điện Kính Thiên đến khu vực sân khấu chính của sự kiện tại trung tâm Hoàng Thành Thăng Long. Nghi lễ rước diều cổ và những con diều từng đoạt giải Nhất các cuộc thi toàn quốc, diều thắng giải quốc tế, những bộ sáo khổng lồ… đã thu hút đông đảo người dân và du khách quốc tế tham gia, chiêm ngưỡng.

Lễ rước diều có sự tham gia của những cụ ông và cả các cháu nhỏ

Diều cổ được đưa lên sân khấu chính và được mở ra trước sự chứng kiến của công chúng

Ông Hoàng Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Diều Việt Nam - cho biết: Lễ rước nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi và cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Đoàn rước của chúng tôi đến từ nhiều câu lạc bộ và gồm 3 niên đại diều cách nhau hàng trăm năm tuổi. Thông qua lễ rước, chúng tôi muốn gửi đến mọi người hình ảnh đẹp của những cánh diều, sáo và thú chơi diều xưa.

Công chúng được chiêm ngưỡng diều cổ có niên đại hàng trăm năm

Bên cạnh diều cổ là dây diều và sáo diều cổ được làm bằng tre

Đến với không gian giới thiệu văn hóa diều Việt Nam tại Hoàng Thành Thăng Long, công chúng còn được tham gia nhiều hoạt động như: Nghệ nhân kể chuyện diều cổ, hướng dẫn người dân và du khách cách làm diều và vẽ trên những cánh diều.

Lễ rước diều là nét đẹp truyền thống của người Việt

Sau lễ rước diều, diều cổ được trưng bày tại Hoàng Thành Thăng Long để người dân và du khách được chiêm ngưỡng, cũng như hiểu hơn một nét đẹp truyền thống trong ngày đầu năm mới của người Việt.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chiem-nguong-dieu-co-nhat-viet-nam-tai-hoang-thanh-thang-long-300340.html