Chiêm ngưỡng đền Đá Thờ

Có dịp về với mảnh đất Yên Lập, du khách đều không khỏi tò mò, ngỡ ngàng khi đi qua ngôi đền tọa lạc trên vách núi đá, bên con đường uốn lượn ngay tại ranh giới giữa xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê và thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập. Từ lâu ngôi đền đã trở thành chốn tâm linh, chiêm bái của người dân quanh vùng và du khách thập phương.

Không ai biết chính xác “tuổi đời” của ngôi đền, chỉ biết rằng đền có từ rất lâu trải qua bao thế hệ người dân sinh sống dưới chân núi Đá Thờ đều thấy đã có ngôi đền nằm ở thế cheo leo bên vách núi, người trong vùng thường gọi là đền cô Nàng. Sau này, khi ngôi đền thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương, trực tiếp là thị trấn Yên Lập đã thành lập Ban quản lý đền và lấy tên là đền Đá Thờ gắn liền với địa danh dốc Đá Thờ - vị trí tọa lạc của ngôi đền.

Năm 2014, đền được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cấp bằng chứng nhận đạt tiêu chuẩn đền thờ Mẫu Tam phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam, từ đó đến nay ngôi đền còn gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu nơi sơn ngàn.

Vị trí tọa lạc của đền Đá Thờ.

Đền Đá Thờ nằm ở vị trí có không gian sơn thủy hữu tình, ẩn hiện trong dưới những tán cây cổ thụ xanh tốt, lưng tựa núi, bao bọc xung quanh là những tảng đá lớn nối liền, phía trước mặt là dòng suối chảy róc rách tạo nên âm thanh tựa đàn ca. Từ trên đền nhìn ra xung quanh có thể cảm nhận được không gian trong lành, thoáng mát, thanh tịnh và cả sự nguyên sơ của núi rừng nơi đây.

Ngoài là nơi nơi thờ phụng và sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng, những du khách thập phương xa gần cũng biết đến và tìm về để được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc và chứa đựng nhiều văn hóa tâm linh của đền.

Bà Phan Thị Lưu - người hơn 30 năm trông nom, hương khói tại đền cho biết: “Đền Đá Thờ hiện có năm người phụ trách việc ghi sổ sách, trông nom, giữ ấm đèn nhang, mở cửa hằng ngày từ 6h30 - 17h30 để du khách chiêm bái, làm lễ. Một năm sẽ tổ chức bốn lễ lớn là: Lễ khai Xuân, vào hè, ra hè và hết năm, được đông đảo nhân dân và du khách thập hương về tham dự”.

Bà Lưu kể về những bức hình được chụp lại tại những ngày lễ quan trọng của đền.

Người dân ở đây cho biết, trước đây, đền chỉ là ngôi miếu thờ vị thần linh, sau này được người dân trong vùng góp công, góp của để tôn tạo, tu sửa lại thành một ngôi đền khang trang như ngày nay. Kiến trúc của ngôi đền được thiết kế với nét đặc trưng là hình tượng rồng cuộn quanh các trụ cột. Đền chính có ba cung gồm: Cung cô Nàng, cung chúa Bà và cung Cậu. Phía trên đền chính là đền Thượng, động Sơn Trang và tượng Quan Thế Âm Bồ Tát.

Chị Lê Xuân Phương, huyện Cẩm Khê chia sẻ: “Về dâng hương chiêm bái đền Đá Thờ, ai cũng ngắm nhìn những bức ảnh có hình rắn được nhà đền chụp lại mỗi khi có sự kiện rắn về đền. Vẫn biết ở nơi sơn thẳm suối ngàn, có rắn là điều dễ hiểu nhưng lại đến đúng dịp, rời đi đúng lúc khiến nhiều người không khỏi tò mò về sự kỳ lạ này”.

Gian lễ chính của ngôi đền.

Trải qua thăng trầm lịch sử, sự tồn tại của ngôi đền như chứng tỏ ý chí của nhân dân nơi đây luôn quyết tâm lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần, trở thành điểm đến quan trọng về mặt tâm linh cho nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Vy An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phong-vi-dat-to/chiem-nguong-den-da-tho/202903.htm