Chiếc hộp Pandora của bi kịch gia đình

“We Need to Talk About Kevin” (2011) có thể được xem như một câu chuyện kinh dị về gia đình đầy tính khiêu khích. Tại sao đứa con là ác quỷ? Có phải cậu ta được sinh ra theo một cách ma quỷ? Tại sao hai mẹ con lại như hai kẻ thù bị ghép lại với nhau? Đứa con căm thù người mẹ hay cả nhân loại? Dường như đạo diễn Lynne Ramsay và nhà biên kịch Rory Kinnear (chuyển thể từ tiểu thuyết của Lionel Shriver) không định trả lời cầu hỏi đó. Họ buộc khán giả phải tự suy ngẫm.

Thông thường, phim kinh dị thường gây chú ý vào các tinh tiết ma quái và tiếng hét. Người xem thường không đánh giá cao tính thời trang trong thể loại này. Nhưng We Need to Talk About Kevin có một phong cách thực sự. Nhà quay phim Seamus McGarvey, nhà thiết kế Judy Becker và phục trang Catherine George xứng đáng được khen ngợi cho những gì họ mặc lên người các nhân vật. Một thứ lấp lánh mà cũng thẳm sâu bí ẩn như chính các nhân vật vậy.

Lynne Ramsay rất ngưỡng mộ Nicolas Roeg, vị đạo diễn đã áp dụng tông đỏ hiệu quả trong Don’t Look Now (1973). Sắc đỏ trong We Need to Talk About Kevin quá đủ để tô đậm cái ma mị, cái chết chóc và hậu chết chóc trong phim. Eva (Tilda Swinton) xuất hay ngay từ đầu như một nạn nhân bị dìm trong thứ nước ép của Lễ hội Cà chua Tây Ban Nha. Vài phút sau, người xem chứng kiến cô và Franklin (John C. Reilly) thụ thai, tạo nên một đứa trẻ “đặc biệt”. Là kết quả của ngoài ý muốn, nó đặc biệt đến mức… bình thường. Một người mẹ trẻ hoang mang không được chuẩn bị để đón đứa con chào đời. Cô ấy không biết mình có yêu đứa trẻ đó không? Nếu không yêu thì đó là thứ cảm xúc gì? Nếu yêu sao cô lại hoang mang dai dẳng đến như vậy?

Đây là chuyện mà rất nhiều phụ nữ gặp phải. Khi người mẹ không được chuẩn bị, sự chăm sóc, dù bề ngoài nhìn rất chu đáo, vẫn luôn thiếu một cái đó thân tình. Những đứa trẻ ngoài ý muốn có tỷ lệ phạm tội hay đói kém khi trưởng thành rất cao. Chẳng thế mà, nhiều nơi đòi quyền để được phá thai. Cuộc tranh luận liệu phá thai là nhân văn hay bất nhân đến nay chưa có hồi kết. Có người nói giết hại một sinh linh là tội ác. Nhưng cũng có người lập luận: Buộc sinh linh đó trưởng thành trong một môi trường còn ác hơn.

Đó cũng là vấn đề được đặt ra trong We Need to Talk About Kevin.

Đỏ là màu của Eva, cũng là màu của Kevin, khi còn bé xíu, trở thành cậu bé, và một thiếu niên trưởng thành. Những đường sọc mảnh kết nối Kevin của cả ba thời kỳ. Nó vừa là sự nhất quán, lại vừa ngụ ý tính cách cá nhân, đồng thời cũng là sự ràng buộc liên tục, buộc người xem như nghẹt thở theo từng thước phim - mang điệu Slow buồn mà ma quái chảy thấm dần vào lòng người xem, không có chút thời gian nghỉ ngơi. Cách cô oán giận, cách cô thủ thỉ với hàm răng nghiến chặt: “Mẹ từng hạnh phúc! Giờ, mỗi ngày thức dậy, mẹ chỉ mong mình đang ở Pháp!”

Sự thoải mái, bình an vừa ở dạng ký ức, vừa là nỗi khát khao cháy bỏng. Nó thể hiện ngay trong hành động giản dị nhất: giặt ủi quần áo. Quần áo là kết nối giữa Eva với các thành viên trong gia đình, đặc biệt cậu con trai. Mặc nó, ngửi nó, ôm nó, giặt ủi nó, hoài niệm ngày càng đau đớn. Eva vẫn mặc chiếc áo Led Zeppelin của chồng, chiếc áo rộng thùng thình như tấm chăn ôm ấp chở che, cho cô can đảm để nhìn lại quá khứ và sức mạnh vượt qua nỗi đau. Trong phim này, quần áo còn mạnh mẽ hơn hình ảnh. Hình ảnh đan xen có thể nói dối, có thể gây ảo giác, nhưng quần áo thì không. Với Eva, quần áo của chồng và cậu con (nhưng quần áo con gái lại không hiện ra) là tất cả những gì cô có, và để lại.

Quần áo của người chồng Franklin là rộng mà ấm áp, thì của Kevin nhỏ, bó đến mức tô đậm cái vóc dáng xương xẩu gầy gò đến đáng sợ của cậu. Chúng mang tính chất trào phúng, hướng người xem chú ý và cơ thể uyển chuyển ma mị của Kevin. Cậu cố ý khiêu khích, đảm bảo những người xung quanh, đặc biệt là mẹ mình, cảm thấy không thoải mái. Ngược lại, quần áo của Eva rộng thùng thình như nuốt chửng cái mảnh mai đến trơ trọi. Quần áo của Kevin thể hiện rõ thế tấn công và gây cảm giác rờn rợn, quần áo của Eva lại khiến cô càng trở nên yếu ớt và đau đớn. Có thể nói, Kevin mặc quần áo của mình, còn Eva nép mình trong quần áo.

Kevin thường mặc những bộ đồ bó sát, ngụ ý vóc dáng xương xẩu đầy tính tấn công, trong khi Eva thường mặc đồ rộng, buông thõng, ngụ ý sự gầy guộc, tổn thương. Hai nhân vật giống nhau nhưng lại được mô tả trái ngược theo cách họ mặc.

Cái bi kịch cho cậu bé Kevin là cậu quá thông minh, quá tinh tế và quá hiểu mẹ mình. Họ quá giống nhau, tượng trưng cho mối liên kết máu mủ thiêng liêng, nhưng cũng hết sức nghiệt ngã. Một người không chào đón bản thể kia của mình. Một người lại quá hiểu đối phương. Kevin nổi loạn, nhưng theo định nghĩa của chúng ta về “ác quỷ”. Cậu ta gây ra nỗi đau cho người khác, song thực chất muốn giày vò mẹ, người đáng ra phải yêu thương cậu, nhưng thực ra chỉ “quen dần” với một thứ được đặt thêm vào trong nhà. Cậu ta tưởng tìm được cho mình lý do để làm điều đó, nhưng rồi chính cậu cũng bỡ ngỡ liệu cách cảm nhận về thế giới, về người xung quanh đã đúng. Lần đầu tiên, trong ánh mắt cậu, không còn sự giận dữ, mà hoài nghi và tự ti.

Đắt giá nhất là chi tiết cuối phim. Không có nó, bộ phim đánh mất tất cả những gì cố công xây dựng trong suốt gần 2 tiếng. We Need to Talk About Kevin thực sự là một chiếc hộp Pandora đúng nghĩa. Nó phủi đi tất cả những cái đáng sợ phía trước và mở ra hy vọng. Phim chỉ mượn cái cớ các vụ thảm sát để phá tan cái định kiến về ác quỷ là một thế lực ma quái của bên thứ ba, nằm ngoái thế giới “Thần” và “Người”. Con người sợ hãi ác quỷ, nhưng chính họ là người tạo ra ác quỷ. Vậy rốt cuộc, ác quỷ là ai?

We Need to Talk About Kevin không chú trọng đến phong cách thời trang, nhưng trang phục lại đủ tinh tế để chúng ta tự mình giải mã, khám phá các nhân vật, nhưng đồng thời, khéo léo đặt bị ẩn đằng sau tấm màn che. Kevin được mô tả như quái vật, nhưng cậu lại không ăn mặc như quái vật. Cậu vẫn điển trai, có bất cần, lại đủ… bình thường. Không khác gì một cậu bé tuổi nổi loạn khác. Những người như cậu ta hoàn toàn có thể sống kế bên nhà bạn.

Xem thêm:

Phụ nữ có thể sống tốt mà không cần có con?

Một thế hệ bị bỏ rơi

Súng và đạn: Một bi kịch rất Mỹ

Du Du

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/chiec-hop-pandora-cua-bi-kich-gia-dinh