Chiếc gùi trong đời sống đồng bào vùng cao

BHG - Người dân vùng cao Hà Giang luôn coi chiếc gùi là vật dụng không thể thiếu trong đời sống; gùi được sử dụng đựng công cụ, dụng cụ, đồ ăn, cỏ Voi, phân bón… trở thành đồ dùng hữu ích gắn liền với lao động, sản xuất thường ngày. Gùi trở thành vật dụng đi theo năm tháng trong suốt cuộc đời của đồng bào vùng cao trên miền cực Bắc của Tổ quốc.

Chiếc gùi tăng thêm vẻ khỏe khoắn, năng động cho phụ nữ Lô Lô xã Lũng Cú (Đồng Văn).

Chiếc gùi tăng thêm vẻ khỏe khoắn, năng động cho phụ nữ Lô Lô xã Lũng Cú (Đồng Văn).

Với đồng bào vùng cao, chiếc gùi giúp vận chuyển mọi thứ được dễ dàng qua từng con dốc, hẻm núi. Chị Mua Thị Súa, xã Lũng Cú (Đồng Văn) chia sẻ: Trẻ em lên 2, lên 3 tuổi đã được đựng trong gùi cùng mẹ lên nương trồng ngô, xuống chợ bán gà, lợn, củi. Đến lúc các con lên 5 lên 6 được gia đình đan cho một cái gùi riêng vừa với kích thước cơ thể. Từ đó, chiếc gùi đã trở thành người bạn thân thiết, tri kỷ sau những giờ trên lớp học tập. Người Mông mình luôn có quan niệm rằng, mọi sự vật đều gắn liền với lao động sản xuất, chiếc gùi là biểu tượng của sự nỗ lực, chịu khó, kiên trì nên khi mang theo gùi trên lưng sẽ giúp con người có thêm sức mạnh, vững tin trước mọi thay đổi của vạn vật, đá núi. Bên cạnh đó, vào những ngày truyền thống của người Mông, chiếc gùi được đặt trên bàn thờ thắp hương, cùng với một phần cơm mới để tạ ơn về những đóng góp hữu ích trong cuộc sống thường ngày. Người phụ nữ Mông đã có chồng, có con khi xuống chợ du Xuân mang theo gùi sẽ thể thiện sự đảm đang, chịu thương, chịu khó. Con gái chưa xây dựng gia đình mang gùi xuống chợ chơi đầu năm mới như một lời khẳng định với con trai rằng mình là người con gái hiền dịu, chăm chỉ lao động, biết lo cho tương lai của gia đình…

Chị Triệu Thị Vui, xã Tiên Nguyên (Quang Bình) tâm sự: Gùi giúp người Dao chúng tôi để được nhiều đồ dùng như dao, cuốc, phân bón phục vụ cho lao động, sản xuất; thuận lợi khi thu hoạch rau, củ, quả và chè Shan tuyết. Đồng thời, gùi giúp vận chuyển sản vật địa phương xuống chợ được thuận tiện hơn. Người dân địa phương thường xuyên sử dụng gùi trong các hoạt động thường ngày, góp phần hạn chế sử dụng túi nilon, bảo vệ môi trường sinh thái.

Gùi giúp người Dao xã Tiên Nguyên (Quang Bình) thuận lợi khi thu hoạch chè Shan tuyết.

Gùi giúp người Dao xã Tiên Nguyên (Quang Bình) thuận lợi khi thu hoạch chè Shan tuyết.

Theo dòng chảy của thời gian, khi cuộc sống trở nên no đủ hơn, nhiều gia đình vùng cao đã sắm được xe máy. Những chiếc gùi tự đan bằng tay ít dần đi cũng bởi một phần do cây Trúc vàng ngày càng khan hiếm trong tự nhiên. Anh Thào A Pú, xã Pải Lủng (Mèo Vạc) cho biết: Gùi được làm bằng trúc sẽ cho độ bền tốt, đựng được nhiều vật nặng mà không bị đứt, gãy, rách. Dù được làm bằng vật liệu nào thì gùi luôn quan trọng trong cuộc sống của người dân vùng cao. Chúng ta có thể thấy nhiều người dân đi xe máy đeo gùi chở đặc sản địa phương xuống chợ giao thương hàng hóa rất gọn gàng và thuận tiện.

Chiếc gùi đã trở thành người bạn thân thiết, chất chứa biết bao kỷ niệm, văn hóa, cùng người dân vùng cao Hà Giang vững vàng vượt qua nhiều vách đá, nương đồi trong cuộc sống thường ngày.

Bài, ảnh: THÁI KHANG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202304/chiec-gui-trong-doi-song-dong-bao-vung-cao-f3528cc/