'Chiếc áo quá rộng' bị gán cho tlinh

tlinh chưa bao giờ nói về nữ quyền nhưng đa số lời khen ngợi hay chê bai cô nhận được đều đến từ hai chữ này.

"Đậm chất nữ quyền", "nữ quyền mạnh mẽ", "góc nhìn mới về nữ quyền"... là những gì truyền thông mô tả tlinh từ lúc cô xuất hiện trong chương trình Rap Việt và nhất là sau khi ra mắt album ái hồi tháng 8/2023.

Nhưng chỉ vài tháng sau, tlinh bị cho là "đạp đổ hình tượng nữ quyền" vì đăng tải những hình ảnh gây tranh cãi trên trang cá nhân.

tlinh chưa bao giờ tự nhận mình là một nhà hoạt động nữ quyền. Trong một cuộc phỏng vấn, cô thậm chí từng nói rằng "không quan tâm lắm đến vấn đề giới tính" khi được hỏi về chủ đề này. Thế nhưng, bằng một cách nào đó, hai chữ "nữ quyền" vẫn được gắn chặt với ca sĩ này từ thế giới âm nhạc cho đến cuộc sống cá nhân.

Trong một bài đăng chỉ trích tlinh thu hút hơn 200 bình luận, nhiều người nói cô "không xứng đáng" hay "chỉ mượn danh" nữ quyền, số khác dè bỉu "chắc nữ quyền bây giờ phải như vậy", nhưng chiếm đa số vẫn là câu hỏi: "Nữ quyền thực sự là gì vậy?".

Theo bà Mai Quỳnh Anh - Quản lý chương trình tại TUVA Communication, đại diện dự án Nhà Nhiều Cột - những tranh cãi xung quanh tlinh có thể bắt nguồn từ việc nhiều người chưa hiểu đúng về nữ quyền hay nhầm lẫn khái niệm này với "các giá trị gắn với tính nữ".

"Hãy chắc chắn bạn hiểu khái niệm mà bạn đang sử dụng. Việc hiểu đúng giúp bạn có thể phân tích, từ đó có cái nhìn thấu đáo hơn về sự vật, hiện tượng. Không chỉ vậy, việc hiểu sai, diễn giải sai còn gây ra những hậu quả xã hội mà bạn có thể không ngờ tới", bà Quỳnh Anh nói.

Góc nhìn từ hai làn sóng nữ quyền

Với nhiều ý kiến cho rằng tlinh đăng ảnh nhạy cảm là "đi ngược lại với giá trị nữ quyền", bà Quỳnh Anh nói rằng trước hết chúng ta cần hiểu “nữ quyền” hay “chủ nghĩa nữ quyền” là gì và đâu là các giá trị mà nữ quyền hướng đến.

Hiểu một cách ngắn gọn, chủ nghĩa nữ quyền đòi quyền được đối xử bình đẳng đối của phụ nữ và trẻ em gái. Để hiểu đầy đủ về chủ nghĩa nữ quyền, chúng ta không thể bỏ qua việc tìm hiểu về các bất công và lịch sự đấu tranh của phụ nữ xuyên suốt các giai đoạn lịch sử.

Trên thế giới, chủ yếu ở phương Tây, các phong trào nữ quyền nổi bật có thể kể đến như đấu tranh đòi các quyền cơ bản như quyền chính trị (phụ nữ được tham gia bầu cử), quyền kinh tế (phụ nữ được tham gia vào thị trường lao động thay vì làm nội trợ) hay chống lại các phân biệt đối xử, bạo lực dựa trên giới tính... Các lý luận nữ quyền mới xem xét mối quan hệ giữa bất bình đẳng giới với những bất công khác về giai cấp, chủng tộc, khí hậu, mở rộng và tái thảo luận các khái niệm về phụ nữ và giới.

Chủ nghĩa nữ quyền đòi quyền được đối xử bình đẳng đối của phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: The New Yorker.

"Như vậy, điều được coi là đi ngược lại với giá trị nữ quyền là vi phạm quyền được đối xử bình đẳng của phụ nữ", bà Quỳnh Anh giải thích.

Với câu chuyện của tlinh, câu hỏi chúng ta cần đặt ra là "hành động của tlinh có xâm phạm hay đe dọa quyền tự do, bình đẳng của phụ nữ không?".

"Chừng nào chứng minh được nữ ca sĩ đang vi phạm các quyền cơ bản của phụ nữ, khi đó chúng ta mới có thể kết luận cô ấy đi ngược lại các giá trị của nữ quyền".

Bà Quỳnh Anh cho rằng những người nhận định tlinh "đi ngược lại các giá trị nữ quyền" đang thực sự không hiểu nữ quyền là gì. Mọi người có thể đang nhầm lẫn “nữ quyền” với “các giá trị gắn với tính nữ”.

"Có thể với một số người, tlinh đang không thể hiện 'tính nữ' mà xã hội kỳ vọng một người phụ nữ cần thể hiện, cụ thể là việc tạo dáng, chụp hình và đăng tải các hình ảnh giống với các bộ phận sinh dục hay mang các ẩn ý tình dục".

Theo bà Quỳnh Anh, việc xác định hành động phù hợp hay không là câu chuyện của văn hóa, nhiều hơn là của nữ quyền. Tuy nhiên, câu chuyện giới tính nào dễ được chấp nhận khi làm hành động này, giới tính nào không được chấp nhận lại là vấn đề liên quan đến bình đẳng giới.

Trong quá trình đấu tranh để đạt đến sự bình đẳng, phong trào nữ quyền trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển với các quan điểm chủ đạo đôi khi đối lập với nhau.

Các nhà nữ quyền có thể có quan điểm rất khác nhau trong phong trào #Metoo, nội dung khiêu dâm, hoạt động mại dâm... Vì vậy, nếu không hiểu rõ bản chất, mọi người có thể đứng trên quan điểm nữ quyền này để ủng hộ, nhưng lại sử dụng một quan điểm nữ quyền đối lập khi chỉ trích một cá nhân, sự việc.

"Khái niệm làn sóng khiến chủ nghĩa nữ quyền nghe như là một khối thống nhất với một chương trình nghị sự chủ đạo, trong khi trên thực tế, lịch sử của chủ nghĩa nữ quyền là lịch sử của những ý tưởng khác nhau trong sự xung đột gay gắt", nhà sử học nữ quyền Linda Nicholson lập luận.

Ca sĩ hát chính Kathleen Hanna và ban nhạc nữ quyền Bikini Kill trong những năm 1990. Ảnh: Steve Eichner/Wire.

tlinh có đáng bị chỉ trích?

Trong câu chuyện của tlinh, truyền thông từng ca ngợi cô "đem đến một góc nhìn mới về nữ quyền" thông qua ca khúc nữ siêu anh hùng (trong album ái) vì cho phụ nữ "quyền được làm nũng, được ngẫn" hay tỏ ra yếu đuối trong tình yêu.

Thực ra, góc nhìn này không mới vì nó chỉ lặp lại quan điểm của những nhà hoạt động nữ quyền thuộc làn sóng thứ ba.

Đến lúc tlinh chia sẻ loạt ảnh gây tranh cãi, nhiều ý kiến chỉ trích lại đang lập luận theo làn sóng nữ quyền thứ hai. Những người viết bình luận "Không biết nữ quyền cái kiểu gì", "Không ai nữ quyền mà lại làm trò này" có lẽ không biết rằng một trong những thứ được các nhà nữ quyền thuộc làn sóng thứ ba đề cao nhất chính là "quyền lựa chọn" của phụ nữ.

tlinh bị chỉ trích vì loạt ảnh gây tranh cãi trên trang cá nhân. Ảnh: tlinhww.

Làn sóng thứ ba thừa nhận tất cả đòi hỏi nữ quyền, không loại trừ, không phán xét, tôn trọng mọi khác biệt. Phụ nữ có quyền tự do, tự quyết, cân bằng giữa bình đẳng giới và những khao khát riêng tư.

Như vậy, thế giới âm nhạc và đời sống cá nhân của tlinh không mâu thuẫn, thứ mâu thuẫn ở đây chính là góc nhìn mọi người lựa chọn để soi xét tlinh.

Sự khác nhau của làn sóng nữ quyền thứ hai và thứ ba thường được thể hiện trong những cuộc tranh luận xung quanh các ngôi sao nữ.

Miley Cyrus có phải là nhà hoạt động nữ quyền không? là câu hỏi gây tranh luận trong những năm 2010. Những nhà hoạt động nữ quyền thuộc làn sóng thứ hai không chấp nhận việc cô ăn mặc hở hang, biểu diễn gợi dục trên các sân khấu ca nhạc. Họ nói đó là "hạ thấp hay tính dục hóa phụ nữ".

Ngược lại, làn sóng nữ quyền thứ ba lại quan niệm hành động của Cyrus là "trao quyền cho phụ nữ". Michaele L. Ferguson, nhà khoa học chính trị, giải thích rằng "những người theo chủ nghĩa nữ quyền lựa chọn" coi bất cứ điều gì mà một phụ nữ nói rằng cô ấy đã chọn làm là "biểu hiện của sự giải phóng", không quan trọng việc phụ nữ chọn tranh cử vào quốc hội hay khỏa thân và đu người trên một quả bóng.

Miley Cyrus từng gây tranh cãi vì trang phục và phong cách biểu diễn khác lạ. Ảnh: Gareth Cattermole.

Nữ quyền của làn sóng thứ ba về "sự lựa chọn" cũng thách thức quan điểm cho rằng việc thoát y, múa cột hoặc tạo dáng khỏa thân được thực thi dưới một xã hội do nam giới lãnh đạo - hoặc gia trưởng. Điều này được thể hiện trong những ý kiến bênh vực Lisa (thành viên nhóm Blackpink) khi cô biểu diễn ở câu lạc bộ thoát y hay trong vụ siêu mẫu Emily Ratajkowski khoe ảnh gợi cảm và phát ngôn về quyền của phụ nữ.

Theo bà Mai Quỳnh Anh, khi tiếp cận nữ quyền như một lý thuyết, chúng ta có thể suy nghĩ, phân tích và giải thích các sự việc, hiện tượng. Tuy nhiên, đôi khi những cách diễn giải, kết luận khác nhau có thể cùng xuất hiện.

"Câu hỏi về việc phô diễn cơ thể của các ngôi sao nữ trong quá khứ và thời gian gần đây liệu đang thể hiện quyền tự do của phụ nữ hay là một biểu hiện của việc phụ nữ tự vật hóa hay tính dục hóa bản thân là một câu hỏi đáng để chúng ta suy ngẫm. Trong nhiều trường hợp, rất khó để xác định đúng - sai, đen - trắng một cách rạch ròi.

Tuy vậy, dù câu trả lời là gì, tôi nghĩ điều quan trọng nhất chúng ta cần nhớ là mục đích của việc mà chúng ta đang làm là để bảo vệ quyền của phụ nữ, chứ không phải để làm nhục, lăng mạ bất cứ cá nhân nào", bà Quỳnh Anh nói.

Sự né tránh giáo dục giới tính

Ngoài ra theo bà Quỳnh Anh, ý kiến chỉ trích tlinh có liên hệ đến tâm lý né tránh vẫn còn phổ biến của phụ huynh Việt Nam khi nhắc đến giáo dục giới tính. Nhiều người bày tỏ e ngại con cái họ xem được các hình ảnh đồ dùng mô phỏng bộ phận sinh dục hay ẩn ý về tình dục mà tlinh đăng tải. Họ sợ rằng tlinh có thể thúc đẩy các suy nghĩ lệch lạc của thế hệ trẻ về vấn đề tình dục.

Tuy nhiên, bà Quỳnh Anh cho rằng, chưa bàn đến việc tlinh đăng những hình ảnh được cho là “nhạy cảm” này lên mạng xã hội là đúng hay sai, thay vì né tránh, lo sợ, đây là cơ hội tốt để nói với trẻ về tình dục. Việc người lớn né tránh, không muốn nhắc đến, hay thậm chí gán nhãn “nhạy cảm” chỉ khiến cho trẻ thêm tò mò.

Dưới góc độ truyền thông, với tâm thế là người tiếp nhận thông tin, chúng ta cần có trách nhiệm giáo dục chính mình, sau đó là con trẻ, cách đọc hiểu, tiếp thu và phản hồi với thông tin (media literacy), đặc biệt là trong thời đại thông tin hỗn loạn như hiện nay.

"Chờ mong mạng xã hội được 'thanh lọc' và chỉ xuất hiện thông tin, hình ảnh bạn cho là phù hợp với con trẻ, tôi nghĩ là một ý tưởng có phần xa vời. Chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin và phân tích vấn đề sẽ giảm thiểu được các ảnh hưởng tiêu cực từ các cách diễn giải lệch lạc mà con bạn có thể đọc được trên không gian mạng", bà Quỳnh Anh giải thích.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://znews.vn/chiec-ao-qua-rong-bi-gan-cho-tlinh-post1455698.html