'Chia tay' khí đốt Nga, châu Âu dần rời xa Mỹ, 'kết hôn' với một quốc gia vùng Vịnh, sự mạo hiểm đã được tính toán

Trong kế hoạch lấp đầy khoảng trống nguồn cung khí đốt do Nga để lại, các nhà lãnh đạo châu Âu đều hướng về cùng một nơi để được giúp đỡ, đó là Qatar.

Việc mất nguồn cung khí đốt từ Nga đang khiến châu Âu phải tìm kiếm nguồn năng lượng nhập khẩu xa hơn. (Nguồn: Getty)

“Làm thân” với Qatar

Mới đây, công ty năng lượng quốc gia của đất nước vùng Vịnh này đã nhanh chóng ký 3 hợp đồng lớn để cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho các nước châu Âu gồm Pháp, Italy và Hà Lan trong vài thập niên tới. Trong khi đó, Đức đã có sẵn một thỏa thuận năng lượng với Qatar.

Những mối quan hệ đối tác đã giúp các nhà lãnh đạo từ Paris đến Berlin đưa đất nước của họ “thoát Nga” về khí đốt. Tuy nhiên, các thỏa thuận này hiện đã khiến châu Âu phải đối mặt với một quốc gia khác - một nước có quan hệ với tổ chức Hamas hiện đang bị giám sát chặt chẽ.

Cụ thể, trong vòng hai tuần, Công ty QatarEnergy thuộc sở hữu nhà nước đã công bố các thỏa thuận với các tập đoàn TotalEnergies, Shell và Eni để cung cấp cho Pháp, Hà Lan và Italy hàng triệu tấn LNG từ năm 2026 trở đi.

Giá trị các hợp đồng rất lớn. Các thỏa thuận với Pháp và Hà Lan sẽ kéo dài trong 27 năm, trong khi thỏa thuận với Itlay kéo dài trong 26 năm.

Theo đó, Qatar sẽ vận chuyển 3,5 triệu tấn LNG sang Pháp mỗi năm, tương đương gần 14% tổng lượng nhiên liệu nhập khẩu của nước này vào năm 2022.

Bà Carole Nakhle, Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Crystol Energy có trụ sở tại Anh, cho biết: “Việc mất nguồn khí đốt của Nga đã để lại một khoảng trống lớn trên thị trường”.

Ban đầu, châu Âu quay sang Mỹ để tìm nguồn cung thay thế. Tuy nhiên, Qatar gần hơn về mặt địa lý và sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận dài hạn hơn. Quốc gia vùng Vịnh nằm trên một trong những nơi có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và nền kinh tế của nước này được cung cấp năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.

Ông Bill Weatherburn, nhà phân tích hàng hóa tại tổ chức nghiên cứu kinh tế Capital Economics, cho biết: “Những hợp đồng mới này là dấu hiệu ban đầu cho thấy châu Âu đang rời xa Mỹ với tư cách là nhà cung cấp khí đốt chính”.

Nhưng mua khí đốt của Qatar, khách hàng cũng phải thuân thủ những ràng buộc riêng. Cuộc chiến Israel-Hamas đang khiến mối liên hệ của Qatar với tổ chức Hamas trở nên nổi bật và có nguy cơ lớn là xung đột sẽ lan rộng khắp Trung Đông.

Lãnh đạo của Hamas Ismail Haniyeh, được cho là đang sống ở Qatar. Doha cho biết, ông Haniyeh và các quan chức khác của Hamas đã được cấp nhà cửa tại Qatar để thúc đẩy hoạt động ngoại giao.

Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed Bin Abdulrahman Al Thani cho biết trong một cuộc họp báo tuần trước rằng, văn phòng này của lãnh đạo Hamas “được sử dụng như một phương tiện liên lạc và mang lại hòa bình, bình ổn cho khu vực, chứ không phải để kích động bất kỳ cuộc chiến tranh nào”.

Một quan chức Qatar nói rằng, văn phòng của Hamas được thành lập vào năm 2012 “với sự phối hợp của chính phủ Mỹ, theo yêu cầu của Mỹ Washington về việc mở một kênh liên lạc”.

Tuy nhiên, Dự án Chống chủ nghĩa cực đoan, một tổ chức phi lợi nhuận, đã kêu gọi tẩy chay các khách sạn ở Qatar, trong đó có Ritz, vì là nơi ở và làm việc của các nhà lãnh đạo phong trào Hamas.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng, sự phụ thuộc ngày càng tăng của châu Âu vào khí đốt có nghĩa là lục địa này sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra lập trường chống lại Qatar nếu có bất kỳ áp lực nào đối với các lệnh trừng phạt xuất khẩu khí đốt.

Ông Weatherburn nói: “Châu Âu hoàn toàn không thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với ngành khí đốt của Qatar”.

Cùng quan điểm trên, Giáo sư về năng lượng toàn cầu Michael Bradshaw tại Trường Kinh doanh Warwick (Vương quốc Anh) nhận định: “Việc châu Âu không nhập khẩu LNG từ Qatar sẽ là một thảm họa đối với giá khí đốt toàn cầu”.

Cho dù các nhà lãnh đạo châu Âu có muốn đưa ra lập trường về mối liên hệ với Hamas của Qatar hay không thì việc phụ thuộc vào LNG cũng mang lại cho quốc gia vùng Vịnh này một đòn bẩy mạnh mẽ.

Châu Âu không có nhiều lựa chọn

Tuy nhiên, rủi ro không chỉ mang tính chính trị. Qatar xuất khẩu LNG qua eo biển Hormuz, một tuyến đường thủy hẹp chạy qua Iran. Iran cũng có liên hệ với Hamas và có thể đe dọa đóng tuyến đường vận chuyển nếu xung đột lan rộng.

Ông Bradshaw nói: “Đó là một điểm tắc nghẽn quan trọng”.

Trong khi đó, ông Weatherburn cho biết thêm: “Đó là điều mà mọi người đang nghĩ đến lúc này. Có khả năng eo biển Hormuz bị đóng cửa do xung đột quân sự. Xảy ra chiến tranh có nghĩa là giá cả dễ có khả năng tăng hơn, ngay cả khi bản thân nhà cung cấp không bị gián đoạn”.

Cuối cùng, châu Âu còn rất ít lựa chọn tốt.

Trong số 4 nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới, Nga không thể tham gia và Australia ở quá xa để có thể đưa hàng tới nơi.

Ông Weatherburn nói: “Thực sự, chỉ có hai quốc gia có thể giải quyết vấn đề của châu Âu. Đó là Qatar và Mỹ. Trong tháng 9 vừa qua, hai nước này đã cung cấp lần lượt 19,9% và 21,7% lượng xuất khẩu LNG của thế giới”.

Theo Liên minh Khí đốt quốc tế, lượng LNG tới châu Âu đã tăng 66% trong năm 2022 để thay thế nguồn cung cấp đã mất của Nga. Phần lớn sự gia tăng này đến từ Mỹ nhưng nguồn cung từ Trung Đông cũng đang tăng.

Các hợp đồng mới với Qatar cho thấy châu Âu đang hướng về phía Đông để tìm nguồn cung cấp dài hạn.

Nhu cầu tăng vọt từ lục địa già là thời điểm thích hợp cho Qatar. Quốc gia vùng Vịnh này đã đầu tư hàng tỷ USD để tăng sản lượng lên gần 2/3 vào năm 2027 từ các dự án mở rộng North Field East (NFE) và North Field South (NFS). Kết hợp lại, hai dự án này sẽ cung cấp 48 triệu tấn LNG mỗi năm.

Bà Nakhle của Crystol Energy cho biết: “Họ đang lên kế hoạch cho một trong những đợt mở rộng lớn nhất trong vài năm tới”.

Không chỉ Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường mối quan hệ với Qatar, quốc gia Trung Đông này cho đến năm ngoái vẫn là nhà cung cấp LNG lớn nhất cho Vương quốc Anh.

Theo dữ liệu thống kê, mặc dù đã đánh mất vị trí nhà cung cấp LNG số 1 cho Anh vào tay Mỹ, nhưng quốc gia vùng Vịnh này vẫn cung cấp 30% nhu cầu của xứ sở sương mù.

Vương quốc Anh cũng đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu LNG sang châu Âu vì quốc gia này có cơ sở hạ tầng tái khí hóa lớn thứ hai châu lục. Nước này đóng vai trò là cầu nối đường bộ cho hàng nhập khẩu từ Mỹ và Qatar sang châu Âu.

Cuối cùng, các quan chức ở cả EU và Anh đều có vẻ thoải mái khi “kết hôn” với người Qatar, bởi đó là sự mạo hiểm đã được tính toán kỹ.

(theo Telegraph)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chia-tay-khi-dot-nga-chau-au-dan-roi-xa-my-ket-hon-voi-mot-quoc-gia-vung-vinh-su-mao-hiem-da-duoc-tinh-toan-247468.html