Chia sẻ xe đạp

Điều gì đang thúc đẩy cơn bùng nổ ngành chia sẻ xe đạp trị giá một tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc.

Đậu xe san sát: Tìm không gian để xe đạp (đặc biệt như cảnh tượng này ở Hàng Châu) đang trở thành vấn nạn. Ảnh: Imagine Chinanewscom

Trong vài năm qua, một số startup Trung Quốc đã triển khai hàng chục triệu chiếc xe đạp sặc sỡ ở nhiều thành phố trên khắp cả nước, tất thảy đều dễ dàng thuê mướn với giá rẻ nhờ điện thoại thông minh. Và điều đó dựa trên thực tế dân thành phố đang quá nản với tình trạng tắc nghẽn và ô nhiễm đường phố.

Ofo và Mobike là những đại diện thành công nhất trong số những công ty chia sẻ xe đạp đến hiện tại, và họ được định giá ở mức một tỉ đô la Mỹ. Họ cung cấp những chuyến đi chỉ có giá 15 cent (khoảng 3.000 đồng) trong 30 phút. Người dùng có thể đậu xe đạp ở bất cứ đâu họ muốn, có nghĩa họ không cần phải tìm những trạm đậu xe chuyên biệt – điều thiếu sót ở những dịch vụ tương tự ở những thành phố khác trên thế giới.

Chi phí thấp và sự linh hoạt đang thu hút hàng triệu người dùng mỗi ngày, trong bối cảnh người dùng tìm kiếm những phương án thay thế tại các thành phố chật chội của Trung Quốc. Và khách hàng đến từ mọi thành phần – từ công nhân cho đến chuyên viên công nghệ trẻ tuổi. “Tôi dùng xe đạp để đi đến siêu thị vì đi bộ thì hơi xa mà đi xe bus thì phải chờ quá lâu,” Jacky He, giám đốc tiếp thị 28 tuổi tại một startup Internet, nói. “Tôi có thể tìm được một chiếc xe đạp bất cứ khi nào tôi muốn, và tôi không phải lo về đậu xe.”

Tuy quy mô tiềm năng của những doanh nghiệp này rõ ràng đã giúp thu hút đầu tư lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ, lợi ích thật sự cho những nhà đầu tư này là việc tiếp cận được với hàng triệu khách hàng yêu thích công nghệ.

Những công ty như hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba (sở hữu hãng tài chính Ant Financial cũng là nhà đầu tư vào Ofo, xem đây là cơ hội vận chuyển những sản phẩm và dịch vụ khác chẳng hạn như ứng dụng thanh toán. Họ cũng rất quan tâm đến việc tiếp cận dữ liệu giá trị về thói quen di chuyển và lịch sử thuê mướn của người dùng, Zhou Wei – nhà sáng lập China Creation Ventures – cho biết. Một cách sử dụng tiềm năng khác là nghiên cứu lịch sử tín dụng của một người.

Công ty

Tổng số xe

Chuyến xe hàng ngày

Sáng lập

Gọi vốn

Nhà đầu tư

OFO

3 TRIỆU +

20 TRIỆU

DAI WEI

$450 TRIỆU: SERIES D

ANT FINANCIAL DST GLOBAL, DIDI CHUXING

MOBIKE

5 TRIỆU

25 TRIỆU VÀO GIỜ CAO ĐIỂM

WANG XIAOFENG

$600 TRIỆU: SERIES E

TENCENT, FORXCONN, TEMASEK

BLUEGOGO

760.000

6 TRIỆU

LI GANG

$58 TRIỆU: SERIES A

HEIDONG CAPITAL

Nguồn: OFO; MOBIKE; BLUEGOGO

Không như Mỹ, Trung Quốc không có một nhà cung cấp điểm tín dụng đáng tin cậy như Experian và Equifax. Các công ty Internet phải tự phát triển những dịch vụ của riêng họ – như Sesame Credit của Ant Financial – bằng những nguồn dữ liệu phi chính thống như thói quen mua hàng trực tuyến và hành vi truyền thông xã hội. “Những dịch vụ xe đạp này có tầm quan trọng chiến lược đối với Alibaba và Tencent,” Zhou nói. “Ðây là cách không thể thiếu để thu thập dữ liệu từ người dùng thường xuyên.”

Tăng trưởng được dự đoán của những nhà điều hành như Ofo đặc biệt hấp dẫn khi có nhiều ngành khác đang gặp nhiều thách thức trước những điều kiện của thị trường này. “Thật khó tìm được công ty nào có mức độ tăng trưởng bùng nổ giống vậy vào hiện tại. Tốc độ tăng trưởng này còn lớn hơn dịch vụ chia sẻ xe trực tuyến và các nền tảng giao thực phẩm vào những ngày đầu tiên của họ,” Helen Wong, nhà đầu tư tại Qiming Venture Partners (hãng đầu tư vào Mobike), nói.

Theo iiMedia Research, hãng tư vấn tại Quảng Ðông, thị trường chia sẻ xe đạp dự kiến sẽ đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ đến cuối năm nay và 3,5 tỉ đô la Mỹ đến năm 2019. Khi thị trường tăng trưởng, các công ty có thể dễ dàng cung cấp hơn 100 triệu chuyến xe mỗi ngày, Cheng Tian, một nhà đầu tư tại Shunwei Capital, hãng đầu tư mạo hiểm do Lôi Quân (nhà sáng lập tỉ phú của Xiaomi) đồng sáng lập, cho biết. Shunwei hậu thuẫn Ofo.

Nhưng không phải ai cũng tin.

Trong một bài viết do hãng tư vấn Trung Quốc iResearch phát hành, Wang Yijian, nhà bình luận trực tuyến có tiếng, đặt câu hỏi làm thế nào mà những startup này có thể xây dựng một doanh nghiệp bền vững bằng những chuyến xe giá 15 cent – đôi khi còn miễn phí khi công ty tung ra những đợt quảng cáo thu hút khách hàng mới. Ông này chỉ ra rằng chi phí sản xuất mỗi xe đạp lên đến 3.000 NDT (440 đô la Mỹ). Những thách thức khác là sự dùng sai mục đích và phá hoại diễn ra thường xuyên, nghĩa là những chiếc xe đạp thường không tồn tại quá sáu tháng và đòi hỏi sửa chữa và bảo trì, Ken Xu, một đối tác tại hãng đầu tư mạo hiểm Gobi Partner, nhận xét.

Hơn nữa, những chiếc xe đạp đang tạo ra vấn nạn đô thị. Chúng tràn khắp các vỉa hè vì chúng không cần những trạm đỗ chuyên biệt, từ đó khiến chính quyền nhiều thành phố ban hành những chỉ thị mới về đậu xe và bảo dưỡng.

Cheng của Shunwei thừa nhận tại một số khu vực đang thừa nguồn cung xe đạp. Các công ty phải làm tràn ngập những con đường đông đúc của Trung Quốc bằng xe đạp để nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu và lấn át cạnh tranh, bất chấp việc họ biết rằng thị trường không cần đến nhiều xe như thế. “Nếu cạnh tranh không quá quyết liệt, thì các công ty chắc chắn có thể lấy lại vốn sản xuất trong không hơn một năm,” ông nói. “Giờ chúng ta phải chờ từ một đến hai năm nữa để cuộc chiến hạ nhiệt chút đỉnh.”

Nguồn Forbes: http://forbesvietnam.com.vn/kinh-doanh/chia-se-xe-dap-1449.html