Chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam

Mục tiêu của khảo sát nhằm thu thập ý kiến, suy nghĩ của trẻ em về những vấn đề liên quan trực tiếp tới trẻ em, từ đó, xem xét thực trạng thực thi Quyền Trẻ em tại Việt Nam dưới góc nhìn của trẻ.

Đại diện Ban tổ chức, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm, giáo viên, đại diện phụ huynh, giáo viên học sinh rường THCS Nam Từ Liêm và THCS Nguyễn Đình Chiểu tại Hội thảo

Ngày 22/03, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện Hội thảo Chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam (Young Voices in Vietnam).

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm, giáo viên, đại diện phụ huynh, giáo viên và gần 700 sinh trường THCS Nam Từ Liêm và THCS Nguyễn Đình Chiểu.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) và Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Thụy Điển tài trợ.

Hội thảo thu hút gần 700 sinh trường THCS Nam Từ Liêm và THCS Nguyễn Đình Chiểu

Trong năm 2020, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) đã công bố báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam. Khảo sát Tiếng nói Trẻ em Việt Nam do MSD điều phối triển khai từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2020 với sự tham gia của 1.692 trẻ em từ 11 đến 16 tuổi ở 7 tỉnh/ thành phố trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mục tiêu của khảo sát nhằm thu thập ý kiến, suy nghĩ của trẻ em về những vấn đề liên quan trực tiếp tới trẻ em, từ đó, xem xét thực trạng thực thi Quyền Trẻ em tại Việt Nam dưới góc nhìn của trẻ.

Tiếp nối thành công của Báo cáo, MSD phối hợp với Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện chuỗi Hội thảo Chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam, dự kiến trong giai đoạn tháng 3 – tháng 5/2021 tại 7 tỉnh, thành phố có trẻ em đã thực hiện khảo sát. Chuỗi Hội thảo nhằm mục tiêu chia sẻ, công bố các kết quả của Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam, đồng thời lắng nghe, tiếp nhận ý kiến phản hồi của các em và các bên liên quan nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong các vấn đề liên quan đến chính các em.

Phát biểu khai mạc, bà Hoàng Thị Yến – Hiệu trưởng trường THCS Nam Từ Liêm nhấn mạnh: “Lắng nghe trẻ em để hiểu, đồng cảm và chia sẻ với các em là một hoạt động luôn được nhà trường quan tâm chú trọng. Thông qua khảo sát Tiếng nói Trẻ em Việt Nam do Viện MSD thực hiện, nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ, khó khăn của các em về cuộc sống, gia đình, học tập, phát triển… đã được bày tỏ. Hôm nay các em không chỉ được nghe, được xem mà sẽ tiếp tục được bày tỏ ý kiến của mình với người lớn, với các tổ chức chính trị, xã hội. Những suy nghĩ, phát biểu của các em sẽ là cơ sở để ngày càng nhiều người hiểu các em hơn, từ đó góp phần tích cực thay đổi suy nghĩ, nhận thức, hoạt động, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em trên toàn xã hội.”

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD chia sẻ

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD chia sẻ: “Chúng ta vẫn nói trẻ em là mầm non tương lai của đất nước. Thực sự thì không chỉ trong tương lai, hiện tại, đặc biệt trong thời đại công nghệ số, trẻ em đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Trẻ em là các công dân số đóng góp cho môi trường mạng lành mạnh an toàn, là các đại sứ về môi trường, những người có trách nhiệm bảo vệ bản thân, bảo vệ bạn bè khỏi bạo lực, xâm hại, bắt nạt, v.v. những người truyền cảm hứng và tạo nên sự thay đổi. Quyền tham gia của trẻ em đã được khẳng định. Chúng tôi rất hạnh phúc vì Báo cáo Khảo sát tiếng nói trẻ em Việt Nam đã có được sự tham gia nhiệt thành của trẻ em, báo cáo khảo sát đã phản ánh được thực trạng, các điều các em quan tâm, mong muốn và đòi hỏi quyền của mình, sau đó, được Quốc hội và các cơ quan quản lý nhà nước như Cục trẻ em, Cục an toàn thông tin, các Vụ bên Bộ giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội, v.v. quan tâm, lắng nghe, hành động và phản ánh trong việc xây dựng các chương trình quốc gia vì trẻ em, các chính sách liên quan đến trẻ em. Chuỗi sự kiện Hội thảo Tiếng nói trẻ em là sự kiện chứng tỏ những người lớn, các ban ngành liên quan đang báo cáo lại kết quả với các em, và đối thoại các vấn đề của trẻ em để các chính sách liên quan tới trẻ em tiếp tục được cải thiện, quyền tham gia của trẻ em được thực hiện".

Hội thảo đã giới thiệu 15 phát hiện nổi bật của khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam và chia sẻ quá trình báo cáo đã được sử dụng để tham vấn và xây dựng các chương trình, chính sách quốc gia vì trẻ em, với sự tham gia tích cực của trẻ em.

Phần thứ hai của hội thảo là Đối thoại, Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến, câu hỏi, vấn đề được đặt ra bởi chính các em học sinh.

Nhiều ý kiến, câu hỏi, vấn đề được đặt ra bởi chính các em học sinh

Đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội phát biểu

Giải đáp các vấn đề trẻ em nêu ra, bà Nguyễn Thanh Hải – Phó trưởng phòng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội phát biểu: “Các em hoàn toàn có quyền tham gia và thuyết phục bố mẹ lắng nghe mình. Tuy nhiên, khi thấy bố mẹ nói sai, làm sai, trẻ em nên bình tĩnh trao đổi, giải thích với bố mẹ. Các em hãy sử dụng kết quả báo cáo Tiếng nói trẻ em, đọc cho bố mẹ nghe và cùng chia sẻ để bố mẹ hiểu được quyền của các em, tôn trọng tiếng nói và trân trọng sự tham gia của các em. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục lắng nghe những ý kiến của các em, sau khi chương trình hôm nay kết thúc, các em vẫn có thể bày tỏ những nguyện vọng của mình thông qua các thầy cô giáo, qua Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Đây là tổ chức đại diện cho tiếng nói của các em. Các em cũng hoàn toàn có thể gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 để được hỗ trợ mọi lúc.”.

Ông Hoàng Minh Tiến – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ về vấn đề mất an toàn trên Internet đang rất được các bạn học sinh quan tâm,

Về vấn đề mất an toàn trên Internet đang rất được các bạn học sinh quan tâm, ông Hoàng Minh Tiến – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Thực tế trẻ em đôi khi còn sử dụng Internet nhiều hơn người lớn, tôi đánh giá rất cao việc trẻ em đã quan tâm và lên tiếng trong Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam. Các em học sinh hãy học hỏi các kĩ năng để trở thành các công dân số có trách nhiệm, các em chính là người quyết định có tham gia vào việc bắt nạt trên mạng, gây ra các tổn thương đến các bạn hay không. Mong rằng các em hãy lên tiếng để bảo vệ chính bản thân và các bạn mình, cùng nhau xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn. Và cuối cùng, hãy luôn nhớ đến sự trợ giúp của cha mẹ, thầy cô, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội khi gặp rắc rối.”

Ông Nguyễn Quý Trang – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm nhấn mạnh: “Hiện nay, các trường học đều có phòng tham vấn học đường, có các thầy cô luôn lắng nghe ý kiến của các con, sau đó trao đổi lại với cha mẹ, để có thể đáp ứng được mong muốn của học sinh. Hiện nay có hiện tượng học sinh do những áp lực tâm lý mà bị trầm cảm, phần lớn là do các bạn không có cơ hội giãi bày. Do đó, các thầy cô cũng rất mong muốn các con nói ra được ý kiến của mình, tương tự, ở nhà các con cũng có thể chọn những thời điểm phù hợp để trao đổi với bố mẹ.”.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em phát biểu phản hồi và tổng kết.

Phát biểu phản hồi và tổng kết, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em chia sẻ: “Sự tham gia của trẻ em luôn là nội dung ưu tiên trong các kế hoạch hoạt động của Cục Trẻ em. Chúng tôi đánh giá cao các kết quả Báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam đã cung cấp, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện các chương trình hành động vì trẻ em. Quyền tham gia của trẻ em cần được bổ sung bằng các mô hình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong cộng đồng, trong gia đình, trong nhà trường, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở mọi tỉnh thành trên cả nước. Trong giai đoạn tới, chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng các hoạt động dành cho các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ để bố mẹ cũng phải học hỏi, học cách lắng nghe, tôn trọng và đảm bảo quyền của con, em mình. Chúng tôi luôn cùng các cơ quan quản lý nhà nước khác, trườg học, các đối tác là các tổ chức xã hội sẵn sàng tiếp tục lắng nghe, tiếp thu và hành động để thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em Việt Nam”

Chuỗi Hội thảo chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em sẽ tiếp tục được thực hiện tại các tỉnh thành phố: Hải Phòng, Lào Cai, Huế, Đăk Lăk, TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang trong tháng 4.2021. Các ý kiến của trẻ em sẽ được thu thập, ghi nhận và đệ trình nhằm xây dựng các chương trình đảm bảo thúc đẩy sự tham gia và tiếng nói trẻ em trong các vấn đề của chính các em./.

Minh Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/khoa-giao/chia-se-ket-qua-bao-cao-tieng-noi-tre-em-viet-nam-576969.html