'Chìa khóa' nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng

Tỉnh Tuyên Quang có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Do đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ là 'chìa khóa' bảo đảm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2015 đến nay, tỉnh tiếp tục chọn tạo, tuyển chọn, phục tráng, nhân giống cây trồng có thế mạnh, cây trồng tốt góp phần chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất cây trồng. Trong đó, tập trung nghiên cứu về cây trồng chủ lực như: Cây cam, chè, bưởi, mía, lạc, cây lâm nghiệp nhằm phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, tỉnh còn nghiên cứu trồng thử nghiệm một số cây trồng mới đã cho kết quả tốt như cây mắc ca ở huyện Lâm Bình, Yên Sơn; cây măng tây ở phường Ỷ La; cây dược liệu, sản xuất trà thảo dược Xạ đen ở phường Phú Lâm (TP Tuyên Quang)…

Nông dân xã Phúc Sơn chăm sóc cây lạc giống L14 nguyên chủng.

Một trong những thành công trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học phải kể đến đó là phục tráng giống lạc L14, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tại thôn Phiêng Tạ, Bó Ngoặm, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) với tổng chi phí hơn 624 triệu đồng. Dự án đã cơ bản hoàn thành phục tráng, xây dựng được mô hình sản xuất lạc giống (L14) 10 ha nguyên chủng tại 83 hộ sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Năm nay, lạc được mùa nên bà con xã Phúc Sơn ai cũng phấn khởi. Anh Ma Văn Bộ, thôn Phiêng Tạ hồ hởi cho biết, từ 5 năm nay, gia đình anh đã chuyển đổi 1.000 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc. Những năm trước, gia đình trồng giống lạc L14 cũ chỉ cho năng suất hơn 4 tấn/1.000 m2. Vụ hè thu năm 2020, anh trồng giống lạc L14 nguyên chủng, cây lạc củ đều, vỏ mỏng, hạn chế sâu bệnh, thu hoạch được 6 tấn/1.000 m2, với giá bán 10.000 đồng/kg, gia đình lãi hơn 4 triệu đồng.

Bên cạnh các giống lúa, rau màu, cây ăn quả cũng được quan tâm nghiên cứu, đặc biệt là cây có múi với đề tài ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ một số loại cam theo mô hình chuỗi liên kết giá trị tại Hàm Yên. Năm 2017, mô hình đưa các giống cam mới rải vụ, sạch bệnh như cam CS1, BH, CT9, V2, CT36, CT9 trồng thử nghiệm 6 ha ở xã Yên Lâm, Yên Phú, Tân Thành, Nhân Mục, Bằng Cốc. Cuối năm 2020, cam sẽ cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 2 tấn/ha, cao gấp 1,5 lần so với cây cam đại trà. Cây cam rải vụ không những giúp cho mùa vụ kéo dài ở nhiều thời điểm trong năm mà còn tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người trồng cam. Đối với cây bưởi, toàn tỉnh đã xây dựng 5 ha mô hình thâm canh tăng năng suất cho vườn bưởi 13 năm tuổi tại xã Xuân Vân (Yên Sơn). Năng suất trung bình của mô hình đạt 122 quả/cây, tăng 49% so với sản xuất đại trà.

Tỉnh ta có nhiều lợi thế phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tỉnh đã quan tâm nâng cao chất lượng cây giống, bảo đảm gia tăng sản lượng và chất lượng gỗ, phục vụ chế biến lâm sản. Trong đó, đã nghiên cứu và ứng dụng thành công sản xuất giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô. Bước đầu triển khai ứng dụng lai tạo, tuyển chọn và nhân giống keo có chu kỳ ngắn, sinh khối lớn, chống chịu bệnh đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu gỗ cho các nhà máy. Qua nghiên cứu đã lựa chọn được 2 dòng keo lai 102 và BV342 hiện đang được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình trồng và quản lý.

Gia đình bà Phan Thị Bảo, thôn 1, xã Tân Tiến (Yên Sơn) nhận khoán từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình để trồng rừng. Năm 2015, bà thử nghiệm trồng 3 ha giống keo tai tượng. Sau 5 năm, với quy trình chăm bón đúng kỹ thuật, thân cây cao nhanh, chắc khỏe không bị gẫy đổ. Dự kiến cuối năm 2020, vườn keo sẽ cho thu hoạch ước đạt 80 - 90 khối gỗ/ha, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi 140 triệu đồng. Nhận thấy giống cây keo này phát triển nhanh, đầu năm 2020, bà Bảo tiếp tục đầu tư trồng 7 ha. Mới gần một năm, nhưng giống cây này cho thấy những ưu điểm vượt trội, cây khỏe đều, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao gấp 1,5 lần giống cũ. Hiện người dân trong vùng cũng đã mua giống cây nuôi cấy mô về trồng khá nhiều.

Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống cây trồng mới đã đạt kết quả nhất định, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và doanh nghiệp - Đồng chí Ngô Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định, sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh đã có nhiều chuyển biến từ khâu giống cây trồng, tạo ra nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.

Bài, ảnh: Lý Thu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/chia-khoa-nang-cao-nang-suat-chat-luong-cay-trong-138114.html