Chi tiết đáng chú ý trước thảm kịch tàu lặn Titan

Chuyên gia đã cảnh báo về các vấn đề an toàn với tàu của công ty OceanGate từ rất lâu trước chuyến hành trình bất hạnh khiến 5 người thiệt mạng.

Tàu lặn Titan của công ty OceanGate mất tích ngày 18/6. Đến ngày 22/6, lực lượng tìm kiếm tìm thấy xác tàu, xác nhận 5 người trên tàu đều thiệt mạng do tàu phát nổ. Ảnh: Reuters.

Những chi tiết mới về nguyên nhân của vụ nổ tàu lặn Titan đang được khai thác. Tờ Guardian hôm 4/7 đã chỉ ra thái độ được cho là ung dung của công ty thám hiểm OceanGate Expeditions đối với vấn đề an toàn của con tàu Titan trước khi nó đi vào hoạt động.

Ông Rob McCallum, một chuyên gia kỳ cựu về tàu lặn, người bắt đầu đưa khách du lịch tham quan xác tàu Titanic vào những năm 2000 bằng tàu ngầm của Nga - đã bày tỏ lo ngại về sự an toàn của tàu OceanGate từ lâu trước khi thảm họa xảy ra.

Theo tờ New Yorker, ông McCallum và nhiều người khác trong ngành đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tàu của OceanGate. Các cơ quan có thẩm quyền và OceanGate rõ ràng đã không để tâm đến cảnh báo của họ.

Con tàu thiếu an toàn

OceanGate đặt mục tiêu thăm dò xác tàu Titanic vào khoảng năm 2015. Người người đồng sáng lập công ty, ông Stockton Rush đã liên hệ với ông McCallum.

“Ông Rush muốn tôi điều hành chiến dịch Titanic cho ông ấy”, ông McCallum nói với tờ New Yorker.

McCallum sau đó đã đến thăm xưởng tàu của OceanGate ở thành phố Seattle, Mỹ, để xem xét tàu lặn đầu tiên của công ty, Cyclops I. Theo tờ New Yorker, con tàu Titan gặp nạn mới đây có thiết kế gần như giống hệt tàu Cyclops I.

Sau khi xem xét, ông McCallum lo lắng vì thiết kế có vẻ thô sơ và thiếu các tính năng an toàn dự phòng của tàu. Ông cho biết con tàu “có nhiều điểm không ổn”, bao gồm việc hệ thống điều khiển của nó sử dụng bluetooth.

“Mọi tàu lặn trên thế giới đều có bộ điều khiển cố định, để trong trường hợp mất tín hiệu bluetooth, bạn không rơi vào rắc rối”, ông McCallum cho biết.

McCallum sau đó quyết định không tham gia vào dự án. Ông cho biết quyết định của mình xuất phát từ nhiều lo ngại về vấn đề an toàn.

Các mảnh vỡ của con tàu gặp nạn đã được đưa lên bờ ở Newfoundland, Canada, sáng 28/6. Giới chức trách kỳ vọng những mảnh xác tàu có thể giúp làm sáng tỏ cuộc điều tra về thảm kịch. Ảnh: AP.

Mùa xuân năm 2018, sau khi nhận được email cảnh báo vấn đề an toàn của ông McCallum, ông Rush - lãnh đạo OceanGate - cho rằng cảnh báo đó là một sự sỉ nhục cá nhân.

Ông Rush trả lời email: “Tôi biết rằng cách tiếp cận đổi mới, tập trung vào kỹ thuật của chúng tôi đi ngược với tàu lặn chính thống hiện nay, nhưng đó là bản chất của đổi mới. Titan và các hệ thống an toàn của nó vượt xa mọi thứ đang được sử dụng”.

Ông Rush phàn nàn thêm: “Tôi đã quá mệt mỏi với những người trong ngành cố gắng vin vào lý lẽ an toàn để ngăn cản sự đổi mới và người chơi mới gia nhập ngành. Kể từ khi thành lập OceanGate, chúng tôi đã nghe quá nhiều những lời kêu gọi vô căn cứ rằng 'anh sắp giết ai đó'”.

Phớt lờ cảnh báo

Bên cạnh ông McCallum, một người khác là ông David Lochridge, người từng lái thử nghiệm Cyclops I cũng từng lên tiếng cảnh báo về an toàn của tàu.

Lochridge cho biết ông đã nêu quan ngại với công ty và ông Rush, và đã bị sa thải vì hành động này.

Ông Lochridge sau đó đã khiếu nại lên Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp của Mỹ (OSHA), nói rằng ông bị chấm dứt hợp đồng do lên tiếng về vấn đề an toàn của tàu.

Luật sư của OceanGate bị cáo buộc đã đe dọa sẽ có hành động pháp lý nếu ông Lochridge không rút đơn khiếu nại.

Sau nhiều tháng đấu tranh, ông Lochridge cuối cùng đã đồng ý rút đơn.

Sau vụ việc, OSHA có báo cáo về an toàn của tàu đến Cảnh sát biển Mỹ, tuy nhiên "không có bằng chứng nào cho thấy Cảnh sát biển đã hành động", tờ New Yorker cho biết.

Ngay cả một người bạn của ông Rush cũng nói với ông rằng chiếc tàu lặn không an toàn. Ông Karl Stanley, người từng ở trên tàu Titan trong chuyến thám hiểm gần Bahamas vào tháng 4/2019, cho biết ông đã nghe thấy những tiếng động đáng lo ngại trong chuyến hành trình.

Ông Stanley đã gửi email cho Rush: “Theo tôi, những gì chúng tôi nghe được giống như một lỗ hổng hoặc khuyết điểm tại một khu vực bị tác động bởi áp lực khủng khiếp và bị hư hại”.

Giây phút mảnh vỡ tàu Titan trở về đất liền Các mảnh vỡ của con tàu gặp nạn đã được đưa lên bờ ở Newfoundland, Canada sáng 28/6. Giới chức trách kỳ vọng những mảnh xác tàu có thể giúp làm sáng tỏ cuộc điều tra về thảm kịch.

Lê Ngọc

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/canh-bao-bi-ngo-lo-truoc-tham-kich-tau-lan-titan-post1445134.html