Chỉ thị số 40-CT/TW: Tạo bước đột phá trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội

Sau 9 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Chỉ thị số 40 đã tạo đột phá trong thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu thăm gia đình bà Phạm Thị Liễu, xã Yên Đồng (Yên Mô) thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: Trường Giang

Chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 29-TT/TU chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội đưa tín dụng chính sách vào kế hoạch hoạt động thường xuyên của cấp ủy và cơ quan, đơn vị; đồng thời chỉ đạo dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị, trong đó đề ra các giải pháp, phân công trách nhiệm của các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan trong tổ chức thực hiện. Tỉnh kịp thời chỉ đạo các đơn vị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đảm bảo triển khai thông suốt các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn, giúp các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng được tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả.

Đặc biệt, để tạo thêm nguồn lực về vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/10/2016 về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 26/11/2021 về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, giai đoạn 2016-2020, ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu 5 tỷ đồng/năm, ngân sách huyện/thành phố bố trí tối thiểu 500 triệu đồng/năm; giai đoạn 2021-2025, ngân sách tỉnh bố trí 30 tỷ đồng/năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH dành cho Đề án xuất khẩu lao động trong 3 năm (2018 - 2020) với tổng kinh phí 45 tỷ đồng; Đề án về hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh trong 2 năm (2019 - 2020) với kinh phí thực hiện là 10 tỷ đồng, từ năm 2021 trở đi là 10 tỷ đồng/ năm; Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh với kinh phí 5 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Nhằm triển khai hiệu quả tín dụng chính sách, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên được kiện toàn, thực hiện tốt chức năng quản trị hoạt động của Ngân hàng CSXH. UBND huyện đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cho Phòng giao dịch cũng như quan tâm bố trí về địa điểm, thời gian, đảm bảo an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH tại điểm giao dịch xã.

Hằng năm, huyện luôn ưu tiên dành nguồn lực ủy thác qua Ngân hàng CSXH để thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đến nay, huyện Kim Sơn đã dành 25 tỷ đồng từ nguồn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các xã, thị trấn trên địa bàn đã vào cuộc và thể hiện rõ trách nhiệm, vai trò lãnh đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng tăng trưởng.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH, tổng nguồn vốn triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đến ngày 31/12/2022 đạt 3.317 tỷ đồng, tăng 1.661 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh và các huyện, thành phố ủy thác qua Ngân hàng CSXH đạt 227 tỷ đồng, tăng 214,7 tỷ đồng, gấp 18,5 lần trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Sự tăng trưởng nguồn vốn dành cho tín dụng chính sách đã thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động chính sách xã hội, qua đó, giúp cho Ngân hàng CSXH chủ động hơn về nguồn vốn, giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách Trung ương.

Đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách

Yên Đồng (Yên Mô) là xã miền núi, đặc thù, nhờ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, đời sống vật chất và tinh thần của nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đã đổi thay rõ rệt. Hiện nay, Yên Đồng có dư nợ tín dụng chính sách cao nhất tỉnh với tổng dư nợ đạt 76 tỷ đồng, trên 1.300 hộ còn dư nợ (chiếm 55% tổng số hộ trên địa bàn).

Yên Đồng cũng là một trong những địa phương phát huy hiệu quả nguồn vốn, không phát sinh nợ quá hạn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành đòn bẩy hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn xã phát triển sản xuất, kinh doanh; chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa, nhiều gia đình đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,6% xuống còn 2,25% vào năm 2021. Kết quả thực hiện tín dụng chính sách cũng góp phần giúp xã Yên Đồng được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020.

Bà Phạm Thị Bút, một trong những hộ nghèo của xã Yên Đồng được Ngân hàng CSXH huyện Yên Mô tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ năm 2019 để phát triển kinh tế gia đình. Bà Bút cho biết: Với số vốn này, tôi đã đầu tư mua hai cặp bò sinh sản và 4 tạ dê giống về nuôi. Mô hình chăn nuôi này đã giúp gia đình tôi có việc làm ổn định với nguồn thu nhập khá, năm 2021, gia đình tôi đã xin thoát nghèo. Thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn, tái đầu tư mở rộng sản xuất, trả hết nợ gốc và lãi ngân hàng khi đến hạn.

Hộ ông Phạm Đăng Tập, xóm Yên Lạc (Yên Đồng) cũng được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Ông Tập chia sẻ: Với khát khao làm giàu trên quê hương, tôi đã tự học hỏi kinh nghiệm và mày mò nuôi ếch sinh sản với quy mô nhỏ. Do nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh nên mô hình nuôi ếch sớm thành công. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của gia đình tôi khi ấy là thiếu vốn để mở rộng sản xuất do quy trình, thủ tục vay vốn từ các ngân hàng thương mại phức tạp, đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, lãi suất cao. Năm 2021, tôi đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa. Đến nay, gia đình tôi đã phát triển được 15 bể nuôi ếch thịt và hơn 100 đôi ếch bố mẹ, hàng năm cho thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, trong giai đoạn 2014-2022, toàn tỉnh đã có trên 231.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi với doanh số cho vay đạt trên 7.000 tỷ đồng. Bên cạnh việc tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở dưới mức cho phép.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 85.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho trên 200 nghìn lao động, hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho trên 500 lượt lao động, giúp trên 170 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, trên 1.500 học sinh, sinh viên được tiếp cận nguồn vốn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến, xây dựng cải tạo nhiều công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng trên 2.000 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Đức Cường, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Triển khai có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay, góp phần thực hiện công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hồng Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chi-thi-so-40-ct-tw-tao-buoc-dot-pha-trong-thuc-hien-tin/d20230718082313714.htm