Chỉ thị mới của EU yêu cầu cải tạo 16% tòa nhà cũ để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng

Ít nhất 16% các tòa nhà công động chất lượng kém ở các nước EU sẽ được cải tạo vào năm 2030 và 26% vào năm 2033 nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các tòa nhà này. Đó là nội dung của Chỉ thị về Hiệu suất Tòa nhà của châu Âu (EPBD), vừa được các nhà lập pháp thông qua trong một cuộc bỏ phiếu toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP) tại Strasbourg tuần trước. Đây được coi là một trong những trụ cột của Thỏa thuận Xanh châu Âu, Euronews cho biết.

85% các tòa nhà công cộng ở châu Âu hiện đã xuống cấp và không đạt mức hiệu quả về sử dụng năng lượng. Ảnh: Euronews

Bất chấp sự phản đối của nhóm Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và Italy, nhà lập pháp Ciarán Cuffe thuộc đảng Xanh, người thúc đẩy thông qua Chỉ thị sửa đổi, vẫn “hài lòng” với kết quả bỏ phiếu khi dự luật sửa đổi Chỉ thị được thông qua với 370 phiếu ủng hộ và 199 phiếu chống.

Ủy ban châu Âu EU đã đề xuất sửa đổi Chỉ thị vào tháng 12.2021, nhằm hiện đại hóa hoạt động xây dựng cơ bản của châu Âu vào năm 2050, trên cơ sở cách đặt ra các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu trong khu vực phi dân cư, chẳng hạn như tòa nhà văn phòng, trường học và bệnh viện. Các tiêu chuẩn này sẽ do các quốc gia thành viên thiết lập và xem xét các tòa nhà vượt quá ngưỡng tiêu thụ năng lượng tối đa được quy định.

Những điểm chính của Chỉ thị

Theo dữ liệu của EU, hơn 220 triệu tòa nhà, chiếm khoảng 85% tổng số tòa nhà phi dân sinh của EU, được xây dựng trước năm 2001 và dự kiến sẽ tiếp tục tồn tại vào năm 2050. Hiệu quả năng lượng của các tòa nhà này rất thấp trong khi mức phát thải cao, gây ô nhiễm.

Dữ liệu của EU cho thấy, các tòa nhà góp phần gây ra 36% lượng khí thải CO2 của EU và chịu trách nhiệm về khoảng 40% mức tiêu thụ năng lượng, trong khi gần 3/4 tòa nhà ở châu Âu không hiệu quả về năng lượng.

Ngoài cải tạo các tòa nhà cũ, trong khoảng thời gian từ năm 2026 đến năm 2030, các quốc gia thành viên cũng cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng trong các tòa nhà công cộng, dần dần trang bị hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà. Họ cũng phải xem xét việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trong các tòa nhà dân cư và đảm bảo có đủ công nhân được đào tạo bài bản cho hoạt động này. Các quan chức châu Âu cho biết, sự thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực này có thể ảnh hưởng đến quá trình cải tạo các công trình xanh

Guglielmo Cioni, Chủ tịch Solar Heat Europe, cho biết hiện nay năng lượng mặt trời đã đã được lắp đặt trên hơn 10 triệu mái nhà ở châu Âu. Ông hy vọng quy định về năng lượng mặt trời theo EPBD sẽ "đóng vai trò là chất xúc tác để châu Âu tăng gấp ba lần con số hiện nay".

Đối với các tòa nhà dân sinh, chính phủ các quốc gia cần giảm mức sử dụng năng lượng xuống 16% vào năm 2030 và từ 20% đến 22% vào năm 2035. Theo dự luật được thông qua, các quốc gia EU đã tiến hành cải tạo từ năm 2020 sẽ được vào tính vào chỉ tiêu này.

Ngoài ra, tất cả các tòa nhà dân sinh mới phải được xây dựng theo tiêu chuẩn tòa nhà không phát thải (ZEB) từ năm 2030. Theo quy định, ZEB không được tạo ra bất kỳ khí thải nào tại chỗ và phải chạy bằng lượng năng lượng rất thấp, chẳng hạn như thông qua năng lượng mặt trời trên mái nhà. Đối với công trình công cộng, tiêu chuẩn này sẽ được áp dụng từ năm 2028.

Các nhà lập pháp cũng đồng ý về thời điểm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống sưởi và làm mát vào năm 2040. Một điều khoản quan trọng khác là sẽ là chấm dứt tất cả các khoản trợ cấp cho hệ thống sưởi và bình nóng lạnh chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2025. Chính phủ các quốc gia sẽ đưa ra các ưu đãi để khuyến khích chuyển đổi từ hệ thống sưởi và làm mát bằng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Một trụ cột của Thỏa thuận Xanh

Nhà quản lý chính sách tại Cục Môi trường châu Âu Davide Sabbadin cho biết: "Việc đưa ra thời hạn chấm dứt trợ cấp mang đến một thông điệp rõ ràng: hệ thống sưởi bằng nhiên liệu hóa thạch sắp kết thúc. Ủy ban và các chính phủ của châu Âu phải tiếp tục nâng cao tham vọng và nỗ lực cắt giảm hóa đơn năng lượng cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu".

Eva Brardinelli, điều phối viên chính sách tòa nhà tại Mạng lưới hành động khí hậu phi chính phủ (CAN) châu Âu, đánh giá: “Việc EPBD được Nghị viện châu Âu thông qua là dấu hiệu cho thấy, mặc dù quá trình sửa đổi đầy thách thức và còn nhiều quan điểm khác nhau, nhưng cuối cùng các chính trị gia cũng đồng ý rằng đã đến lúc phải nhìn về phía trước và đảm bảo rằng lĩnh vực xây dựng được đưa vào lộ trình khử carbon, vì chúng ta không còn nhiều thời gian” trong hiện thực hóa các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh.

Sau khi được Nghị viện châu Âu bật đèn xanh, Hội đồng châu Âu sẽ chính thức thông qua EPBD sửa đổi. Việc thực hiện sẽ được áp dụng sau khi các nước EU trình bày kế hoạch quốc gia của họ vào năm 2026 với Ủy ban châu Âu.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/chi-thi-moi-cua-eu-yeu-cau-cai-tao-16-toa-nha-cu-de-nang-cao-hieu-qua-su-dung-nang-luong--i363214/