Chi phí vận chuyển làm khó doanh nghiệp vùng xa

(HQ Online)- Với vị trí địa lý đặc thù, giao thông chưa thuận lợi, nhiều DN có cơ sở sản xuất ở vùng sâu, vùng xa đang phải tốn không ít chi phí, thời gian cho vận chuyển. Điều này đang làm ảnh hướng đến giá thành sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh của DN.

Chi phí cho vận tải ở Việt Nam chiếm khoảng 20% chi phí sản xuất. Ảnh: Quang Tấn.

Chi phí cao

Tại cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) trung tuần tháng 8, từng đoàn xe chở thanh long từ Bình Thuận, Ninh Thuận thậm chí tận Long An, Tiền Giang xếp hàng chờ XK sang Trung Quốc. Một chủ nhà xe cho biết, Trung Quốc đang là một trong những đối tác NK thanh long lớn nhất của Việt Nam. Thanh long đang vào mùa nên nhiều DN tập trung XK, nhưng do điều kiện nên DN thường lựa chọn hình thức vận chuyển bằng xe container chuyên dụng. Hiện chi phí vận chuyển từ các tỉnh phía Nam ra đến tận cửa khẩu Hà Giang bằng xe container chuyên dụng có thể lên đến vài chục triệu đồng tùy theo thỏa thuận giữa DN và chủ xe, chưa kể tiền lưu kho, lưu bãi, chi phí thiệt hại do quả thối hỏng nếu phía Trung Quốc chưa đồng ý nhận hàng ngay.

Theo ông Vũ Hoàng Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, do đặc điểm là hoa quả tươi, nên để XK nhanh thì DN có thể sử dụng đường hàng không, nhưng chi phí sẽ đội lên gấp nhiều lần nên DN chỉ sử dụng để XK cho khách hàng ở châu Âu. Còn đối với khách hàng Trung Quốc hay một số nước có biên giới giáp ranh, các DN thường sử dụng xe container để chuyên chở.

Nói cụ thể hơn về vấn đề này, đại diện một DN chuyên làm dịch vụ XNK nông sản tại Bình Thuận cho hay, so với mặt bằng chung, cước phí vận chuyển ở Việt Nam đang cao hơn so với các nước trong khu vực từ 10-15%. Chưa kể đến chi phí cầu đường, chi phí không tên… khiến DN hoặc phải tự bù lỗ hoặc phải tăng giá sản phẩm để bù vào. Do đó, những DN ở vùng xa sẽ tốn nhiều chi phí hơn cho vận chuyển.

Một nghiên cứu của Viện Chiến lược Phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, chi phí cho vận tải ở Việt Nam chiếm khoảng 20% chi phí sản xuất, trong khi các nước khác chỉ dưới 10%. Vì thế, theo đại diện một DN ngành nhựa tại Hải Phòng, với cước phí cao như trên, cộng với điều kiện giao thông chưa thuận lợi nên DN ngại phát triển thị trường xuống phía Nam mà chỉ loanh quanh với thị trường phía Bắc, khu vực gần nhà máy.

Mặt khác, theo chia sẻ của nhiều DN, với điều kiện vốn yếu, các DN chưa thể tự mua sắm phương tiện vận tải chuyên dụng nên phải đi thuê ngoài với chi phí cao hơn. Không những thế, ông Nguyễn Huy Quân, Giám đốc Công ty TNHH Dầu mỡ Quân Sen (Thái Bình) cho biết thêm, là DN sản xuất hàng công nghiệp nặng nên cần xe container có tải trọng lớn, nhưng có tiền thuê xe cũng không dễ khi địa phương không có nhiều DN cung ứng. Do vậy, hoặc là DN phải đợi hoặc là DN chấp nhận tốn thêm một khoản chi phí nữa để thuê từ các DN địa phương khác.

Tự tìm hướng

Mặc dù có những khó khăn như trên, nhưng nỗi lo chi phí đã được không ít DN “hóa giải”. Ví dụ như Công ty Cổ phần chè Á châu, mặc dù có trụ sở đặt tại Hà Nội, DN này đã đầu tư xây dựng thêm 2 nhà máy tại vùng nguyên liệu ở Phú Thọ để có thể lấy ngay nguồn chè vào chế biến. Lúc này, DN chỉ còn mất chi phí vận chuyển hàng hóa từ nhà máy ra cảng để XK.

“Cách làm này không những giúp nguyên liệu chè được sản xuất ngay tại vùng trồng, đảm bảo độ tươi ngon mà còn giảm đến 50% chi phí cho vận chuyển”, đại diện Công ty chè Á Châu chia sẻ.

Cùng với giải pháp trên, nhiều DN cho biết đang dồn sức để đầu tư mua thêm phương tiện vận chuyển để không những giảm được chi phí mà còn có thể chủ động hơn trong thời gian giao hàng cũng như tránh những thiệt hại không đáng có khi đi thuê ngoài.

Một giải pháp khác, ông Nguyễn Huy Quân cho hay, do vị trí là tỉnh gần sông nên DN đang đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa, dù tốn thời gian hơn nhưng chi phí lại rẻ hơn khoảng 3-4 lần so với vận chuyển bằng đường bộ.

Đồng quan điểm, nhiều DN cũng đã và đang sử dụng cách vận chuyển bằng đường sắt. Mặc dù nhiều địa phương vùng sâu không có tuyến đường sắt, không thể vận chuyển theo hình thức từ kho tới kho, nhưng nếu biết cách tận dụng thì vẫn có thể tiết kiệm được một nửa chi phí vận chuyển cho DN. Được biết, một đoàn tàu hàng chuyên chở container chở được 32 teu (đơn vị đo sức chứa của container), tương đương với khoảng 20 xe container. Chi phí không những giảm mà còn giảm thiểu lưu lượng giao thông đường bộ.

Theo một số chuyên gia, để tiết kiệm chi phí vận chuyển, cùng với việc tìm kiếm các phương tiện vận chuyển giá rẻ, tiết kiệm, các DN ở địa phương vùng sâu, vùng xa nên kết nối với các đại lý, mở rộng kênh phân phối để địa điểm cung ứng hàng hóa được gần hơn, số lượng hàng hóa tiêu thụ cũng được tăng thêm. Mặc dù biết các DN vùng sâu vùng xa “thiếu đủ đường” so với các DN gần những trung tâm kinh tế lớn, nhưng nếu biết tận dụng cơ hội, biết tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn, các DN này vẫn có nhiều cơ hội để phát triển.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chi-phi-van-chuyen-lam-kho-doanh-nghiep-vung-xa.aspx