Chi phí nộp thuế của Việt Nam cao nhất khu vực

Báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp phản ánh tình trạng chi phí kinh doanh cơ bản ở mức cao, nhất là chi phí vay vốn, logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục.

Bộ trưởng Dũng dẫn ra các con số cụ thể như chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, bằng 39% lợi nhuận làm ra, gấp đôi Singapore. Chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam. Chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines. Lãi suất ở Việt Nam hiện là 7-9%/năm, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2-3%; Nhật 0,95%.

Theo ông Dũng, trong 39,1% lợi nhuận phải đóng thuế của DN Việt, có 20% là thuế thu nhập DN, khoảng 19% cho các khoản đóng bảo hiểm. Trong khi bình quân đóng góp thuế của các nước ASEAN là 33,65%, trong đó thuế thu nhập DN 21,8% (cao hơn Việt Nam 1,8%), nhưng các khoản đóng bảo hiểm chỉ 11,67% (thấp hơn Việt Nam 7,33%).

“Chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong các thủ tục tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện. Khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy 66% doanh nghiệp được khảo sát xác nhận phải trả loại phí này”, Bộ trưởng Dũng nói.

Ngoài ra, người đứng đầu Bộ KH&ĐT đánh giá, vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, gây khó khăn và gia tăng gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Như lĩnh vực an toàn vệ sinh thực thẩm do 3 Bộ: Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng quản lý theo 3 nghị định độc lập, dẫn đến vướng mắc, mâu thuẫn trong triển khai thực hiện. Doanh nghiệp phải xin giấy phép, chứng nhận chất lượng của các cơ quan khác nhau về cùng một nội dung (Cục thú y, Trung tâm kiểm dịch…) khi làm thủ tục thông quan hàng hóa.

“Đây là nguy cơ hiện hữu dẫn đến rủi ro lớn, thiệt hại về tài sản, gián tiếp tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, tốc độ tăng lương tối thiểu duy trì mức 8-12% trong thời gian qua nhưng tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4-5%. Mức đóng bảo hiểm 22%/tháng của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, như Malaysia chỉ 13%; Philippines 10%. Chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu tăng trung bình 1,5-2 lần so với trước đây, thời gian kéo dài 7-10 ngày. Đa số doanh nghiệp phải trả phí không chính thức liên quan thủ tục như tiếp cận mặt bằng kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện…

Trong phần ý kiến của mình, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết, DN còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí.

Theo ông Thân, dù quá trình cải cách hành chính những năm qua đã giúp DN giảm khá nhiều chi phí chính thức, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải qua. Tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật của DN trong một số lĩnh vực còn cao, chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí của DN. Đặc biệt, chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, lĩnh vực đất dai, xây dựng, tiếp cận tín dụng… chưa có sự cải thiện.

Đăc biệt, theo đại diện DN, trong các lĩnh vực DN thường xuyên bị kiểm tra, như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy… DN còn phải chi các khoản không chính thức. “Chi phí của DN cao khiến giá thành sản phẩm cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của của hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng”, ông Thân nói.

Về nguyên nhân, đại diện hiệp hội DN cho rằng, dù cải cách không ít, nhưng khâu thực thi vẫn yếu. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ, công chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết chinh sách. Thay vào đó lại tìm cách bắt lỗi DN, không coi DN là đối tượng phục vụ. Do đó, DN phải “đi đêm, chung chi”, theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”.

Tuy vậy, ông Thân cũng thừa nhận có một phần tới từ DN, khi một bộ phận DN cạnh tranh bằng quan hệ, đi đêm, đi ngầm… Một số khác do bị sức ép từ các công chức nên phải chi để được.

“Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho DN. Điều đó khiến DN mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của DN và của Quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân”, ông Thân nói.

Ngọc Linh - Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/chi-phi-nop-thue-cua-viet-nam-cao-nhat-khu-vuc-1150301.tpo