Chi nửa triệu và bỏ một ngày để học khắc dưa Tết

Tập trung, tỉ mỉ, kiên nhẫn là những lưu ý đối với học viên lớp học khắc dưa, vẽ trang trí quả.

7h30, có mặt tại một lớp học khắc dưa ở Hà Nội, Ngọc Mai (sinh viên năm 3, Đại học Công đoàn) chăm chú chọn những quả dưa được giáo viên chuẩn bị sẵn. Dùng khăn ướt lau mặt quả, ngắm nghía bộ dụng cụ mới được giáo viên phát, Mai cho biết đây là buổi học khắc dưa đầu tiên cô tham gia.

Không chỉ Mai, trong căn phòng hơn 20 m2, 8 học viên chủ yếu là sinh viên, giáo viên mầm non cũng đang lựa chọn những quả dưa cho riêng mình, chuẩn bị bước vào buổi học.

“Buổi học hôm nay, lớp mình có một nửa là học viên học buổi 2, các bạn này tiếp tục luyện tập kỹ năng khắc dưa. Một nửa còn lại là các bạn mới, chị sẽ hướng dẫn các em từ cách chọn dưa, đi nét, cạo vỏ"…

Thùy Loan (26 tuổi), người trực tiếp đứng lớp, ra hiệu bắt đầu buổi học. Một quả dưa đã được tạo hình sẵn, đặt trên kệ gỗ để làm mẫu cho học viên.

Từ bước chọn dưa, lựa dụng cụ, đi nét, cạo vỏ, tất cả đều cần cẩn thận và tỉ mỉ. Ảnh: Ngọc Bích.

Từ bước chọn dưa, lựa dụng cụ, đi nét, cạo vỏ, tất cả đều cần cẩn thận và tỉ mỉ. Ảnh: Ngọc Bích.

Cẩn thận và tỉ mỉ

Chị Thùy Loan lưu ý để tạo hình đẹp, trước tiên phải chọn được quả dưa tươi, tròn mình, cân đối, dưa phải già, khi vỗ có tiếng vang mới là dưa chuẩn, sau khi tạo hình xong có thể trưng bày được nhiều ngày mà không thâm, xuống màu hay héo…

“Vỏ dưa phải màu xanh đậm, đều nhẵn, bóng, không có vết rám, màu phải xanh đậm…”, Ngọc Mai lẩm nhẩm, ghi nhớ cách chọn dưa sao cho chính xác.

Đến bước định hình ý tưởng, vẽ phác họa lên dưa, do chưa có kỹ thuật, Mai được hướng dẫn sử dụng hình vẽ sẵn trên giấy để dán lên dưa nhằm đi nét chuẩn, sau thuần thục có thể vẽ trực tiếp.

“Bước này, các em cần tập trung đi nét đều tay, lực tay vừa phải để đạt độ sâu nhất định, không được quá mạnh khiến phần thịt trắng bị xâm lấn nhiều. Dao cần được đưa liền mạch, tránh đứt đoạn hay nhấc dao"…

Ngọc Mai đi những nét đầu tiên trên dưa, do chưa quen sử dụng dao, tay còn cứng, có chỗ bị giấy mắc vào khiến các nét bị lệch. Nữ sinh hốt hoảng, lo lắng việc định hình bị hỏng. Những lúc như vậy, chị Loan lại trực tiếp hướng dẫn Mai cách xử lý một số sự cố.

 Chị Loan trực tiếp hướng dẫn Mai và các học viên cách xử lý một số sự cố. Ảnh: Ngọc Bích.

Chị Loan trực tiếp hướng dẫn Mai và các học viên cách xử lý một số sự cố. Ảnh: Ngọc Bích.

Trong khi đó, lựa chọn tạo hình chữ “Phúc", Thu Hà (sinh viên năm 2, Đại học Sư phạm Hà Nội) đã hoàn thành xong bước đi viền, bắt đầu bước phần cạo vỏ xanh bên ngoài để thành hình.

Nhớ lời giáo viên, cần chú ý đưa lực tay nhẹ để mặt dưa mềm, mịn và sáng, Thu Hà tỉ mỉ cạo từng phần nhỏ. Nét mặt tập trung, Hà cho biết cô khá căng thẳng, sợ mạnh tay sẽ cạo sâu vào phần thịt trắng, lúc đó, dưa nhanh bị hỏng, lại mất thẩm mỹ.

“Bộ dụng cụ có 6 cái, trong đó có một số chiếc cạo hình tam giác để mình tạo đường nét, góc cạnh cho chữ. Một số chi tiết nhỏ, mình phải dùng dao để sắc nét và mềm hơn. Trong lúc cạo dưa, mình dùng khăn ướt để lau đi phần vụn đã cạo nhằm quan sát phần chữ dễ hơn”, Thu Hà chia sẻ.

Trong khi đó, ở bàn phía sau, chị Đinh Tuyến (29 tuổi, giáo viên mầm non tại Hà Nội) đang thực hiện bước cuối cùng - sủi viền - để hoàn thành tác phẩm. Đây là buổi học thứ 2 chị Tuyến tham gia nhằm nâng cao tay nghề.

Chị Tuyến cho biết bước này sẽ không dán giấy để đi nét như lúc đầu, thay vào đó, người làm phải tự căn đo, vẽ và sủi bằng tay sao cho đường viền tròn đều, bao xung quanh làm nổi bật hình bên trong.

 Chị Tuyến đang thực hiện bước cuối cùng - sủi viền để hoàn thành tác phẩm. Ảnh: Ngọc Bích.

Chị Tuyến đang thực hiện bước cuối cùng - sủi viền để hoàn thành tác phẩm. Ảnh: Ngọc Bích.

“Sủi viền khá khó, nếu không tập trung sẽ khó đều tay, dễ bị vấp, khiến đường viền chỗ to, chỗ bé. Một số chỗ, giáo viên vẫn phải nhắc mình cảm nhận lực tay để đi đều hơn", chị Tuyến nói.

Nhìn tác phẩm đã hoàn thiện trên tay, chị Tuyến vừa vui, vừa tự hào. Là giáo viên mầm non, chị Tuyến tham gia khóa học để phục vụ công việc, đồng thời hy vọng có thể kiếm thêm thu nhập sau khi thành thạo tay nghề.

Trong khi đó, Ngọc và Hà dự định tham gia khóa học để làm được các sản phẩm trưng bày trong dịp Tết năm nay. Cả 2 đang rất háo hức chờ đến ngày về quê, tranh thủ khắc dưa để tặng người thân, bạn bè.

Hút học viên, hút khách

Chia sẻ với Zing, chị Thùy Loan cho biết chị mở lớp dạy khắc dưa từ năm 2019 - khi còn là sinh viên năm 3 đại học. Các lớp thường được mở vào các dịp trước Trung thu hoặc trước Tết.

Mùa Tết năm nay, lớp khắc dưa, vẽ quả của chị Loan đã thu hút hơn 100 học viên ở mọi độ tuổi, ngành nghề. Ảnh: Ngọc Bích.

Mùa Tết năm nay, lớp khắc dưa, vẽ quả của chị Loan đã thu hút hơn 100 học viên ở mọi độ tuổi, ngành nghề. Ảnh: Ngọc Bích.

“Khóa học khắc dưa cần được học liên tục để lên tay, vì vậy, mình thường đào tạo liên tục trong 1 ngày, học 6-8 tiếng. Nếu chia buổi sẽ là 3-4 buổi, mỗi buổi 2-3 tiếng. Tuy nhiên, nhiều học viên lựa chọn học trong một ngày để tiết kiệm thời gian. Chi phí một khóa là 500.000 đồng, một lớp 8-12 người", chị Loan chia sẻ.

Theo chị Loan, với khóa học này, học viên sẽ được học cả khắc chữ và vẽ hình lên dưa. Ngoài ra, chị Loan cũng có các lớp tỉa dưa, vẽ trang trí quả.

Tuy nhiên, lớp khắc dưa là đông nhất bởi dễ học, các kỹ năng ở mức cơ bản, chỉ cần chăm chỉ luyện tập, kiên nhẫn, tỉ mỉ là có thể hoàn thành tác phẩm. Các lớp tỉa hay vẽ quả cần sự khéo léo, năng khiếu nhiều hơn.

Mùa Tết năm nay, lớp khắc dưa, vẽ quả của chị Loan đã thu hút hơn 100 học viên ở mọi độ tuổi, ngành nghề. Nhu cầu học chủ yếu là thỏa mãn sở thích, tự tay làm để biếu tặng hoặc làm để kiếm thêm thu nhập, coi như nghề tay trái.

Cùng với việc giảng dạy, chị Loan cũng nhận khắc dưa, vẽ quả cho những khách có nhu cầu. Năm nay, chị đã nhận đặt hàng 150 quả dưa và 50 quả dừa.

 Bích Thảo chỉ mất khoảng 30 phút để thực hiện tác phẩm trên tay. Ảnh: Ngọc Bích.

Bích Thảo chỉ mất khoảng 30 phút để thực hiện tác phẩm trên tay. Ảnh: Ngọc Bích.

Cũng tham gia lớp học với vị trí trợ giảng, từng học khóa khắc dưa từ 2 năm trước, Bích Thảo (sinh viên năm cuối, Đại học Sư phạm Hà Nội 2) cho biết mùa Tết năm nay, nữ sinh đã nhận được khoảng 150 đơn đặt hàng dưa. Chi phí mỗi quả khoảng 150.000-500.000 đồng.

Thảo chia sẻ năm nay, khách hàng ưa chuộng những chữ “Tài", “Phúc", “Lộc", “Thọ” - gắn liền với mong ước của họ trong năm mới, hoặc các mẫu hình ông thần tài, hình con mèo tượng trưng cho năm Quý Mão 2023.

“Trước đây, khi mới học, mình mất 1-2 giờ để hoàn thành một quả dưa. Hiện tại, mình chỉ mất 30 phút - 1 giờ để hoàn thiện, tùy độ khó của sản phẩm", Thảo chia sẻ.

Theo nữ sinh, nếu làm khéo léo, không ăn sâu vào phần thịt, dưa hoàn thiện có thể trưng bày 7-10 ngày. Công việc này đem lại cho cô thu nhập đáng kể trong dịp Tết.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chi-nua-trieu-va-bo-mot-ngay-de-hoc-khac-dua-tet-post1394485.html