Chi nhánh phía Nam Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga: Đột phá đưa dự án, đề tài nghiên cứu vào thực tiễn

Với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, Chi nhánh phía Nam, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã phát huy tiềm lực về con người, cơ sở vật chất góp phần nâng cao năng lực hoạt động khoa học công nghệ. Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ của Chi nhánh khi được ứng dụng vào thực tế đã đáp ứng tốt nhiệm vụ quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội.

Gắn với bộ đội, sát với địa phương

Một trong những “trái ngọt” nổi bật của Chi nhánh Phía Nam, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga là sản phẩm bột khử mùi hôi chân BKM.VN sử dụng cho bộ đội trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Qua hai giai đoạn thực hiện, sản phẩm đáp ứng yêu cầu về an toàn sử dụng theo quy định của Bộ Y tế. Đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực, kiên trì của cán bộ, nhân viên Chi nhánh trong nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm nhằm giải quyết được vấn đề về mùi hôi chân của bộ đội trong điều kiện hoạt động cường độ cao.

Cán bộ, nhân viên của Chi nhánh phía Nam Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga vận hành máy chế tạo dung dịch làm mát. Ảnh: HOÀNG HẢI

Cán bộ, nhân viên của Chi nhánh phía Nam Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga vận hành máy chế tạo dung dịch làm mát. Ảnh: HOÀNG HẢI

Là người khởi xướng và theo sát đề tài từ năm 2015 đến nay, Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Dân, Phó giám đốc khoa học Chi nhánh Phía Nam chia sẻ: "Đây là đề tài nghiên cứu cấp Trung tâm. Điều phấn khởi nhất của chúng tôi là quá trình thực hiện đề tài luôn được sự ủng hộ nhiệt tình từ cán bộ, chiến sĩ đơn vị cơ sở bởi tính thiết thực, sát thực tiễn hoạt động của bộ đội. Đồng thời, qua đánh giá hiệu quả sản phẩm, các đơn vị thử nghiệm đều có mong muốn được cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ hàng năm để sử dụng”.

Bên cạnh bột khử mùi BKM.VN, một đề tài khác của Chi nhánh đã được áp dụng thử nghiệm và có tiềm năng đưa vào ứng dụng thực tế cho hoạt động của đơn vị quân đội là sản phẩm chất lỏng làm mát động cơ VN-RU do Trung tá, Tiến sĩ Hoàng Đức Quang làm chủ nhiệm. Sản phẩm có ưu điểm nổi bật là công nghệ nội địa, chủ động về nguyên liệu và sử dụng trên đa dạng chủng loại xe - máy, giúp các đơn vị kỹ thuật tổ chức thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến xe máy, tàu thuyền với chất lượng cao hơn.

Bên cạnh phục vụ cho quân đội, các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu của chi nhánh còn tăng cường ứng dụng, giải quyết những “bài toán” từ thực tế các địa phương đặt ra. Trong đó, đề tài “Nghiên cứu chọn và trồng thử nghiệm một số loài rau có khả năng chịu mặn tại Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh” do Đại tá, Tiến sĩ Vũ Mạnh làm chủ nhiệm được đánh giá cao. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát, nghiên cứu và xây dựng được danh mục 44 loài thực vật có thể sử dụng làm rau tại rừng phòng hộ Cần Giờ. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn, di thực và trồng thử nghiệm 5 loài rau có khả năng chịu mặn. Cùng với đó, đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu hấp phụ dầu hiệu năng cao có nguồn gốc cellulose dùng để thu gom dầu tràn và xử lý nước thải nhiễm dầu” do Thiếu tá, Tiến sĩ Lê Đức Mạnh làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu cấp cơ sở. Sản phẩm từ đề tài này có ưu điểm giá thành rẻ, dễ dàng sử dụng, an toàn, dễ thu hồi và xử lý.

Theo Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Chi nhánh Phía Nam, để có được những thành quả nghiên cứu khoa học sát thực tiễn, Chi nhánh phía Nam đã luôn bám sát yêu cầu nhiệm vụ của Trung tâm, duy trì tốt hoạt động của Hội đồng khoa học công nghệ trong xét duyệt thuyết minh, nghiệm thu đề tài, nhiệm vụ các cấp. Trong những năm qua, Chi nhánh đã thực hiện nhiều buổi sinh hoạt khoa học theo các hướng nghiên cứu và các hội thảo phục vụ hoạt động khoa học công nghệ.

Đồng thời, bám sát nhu cầu của các đơn vị quân đội khu vực phía Nam để nghiên cứu, chế tạo, sử dụng vật liệu, công nghệ trong bảo quản, bảo vệ chống ăn mòn vũ khí, trang thiết bị và công trình quân sự trong điều kiện nhiệt đới và biển đảo ở Việt Nam. Bên cạnh đó, xây dựng, đề xuất mở mới các nội dung nghiên cứu theo nhu cầu thực tế và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Chi nhánh.

Đoàn công tác do Chủ tịch Phân ban Nga làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại Chi nhánh phía Nam, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Ảnh: HOÀNG HẢI

Đoàn công tác do Chủ tịch Phân ban Nga làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại Chi nhánh phía Nam, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Ảnh: HOÀNG HẢI

Khẳng định ưu thế nghiên cứu khoa học

Năm 2023, Chi nhánh phía Nam đã triển khai thực hiện 24 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp, công bố 55 bài báo trên tạp chí trong nước và quốc tế, đề xuất mở mới 14 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp.

Trong những năm tới, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Chi nhánh phía Nam tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường các nội dung nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ quốc phòng và kinh tế, tăng cường hợp tác với các đơn vị trong và ngoài quân đội, định hướng nghiên cứu khoa học cơ bản gắn liền với các công bố quốc tế, nghiên cứu ứng dụng gắn liền với các bằng phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích... Chi nhánh tiếp tục nỗ lực hoàn thiện sản phẩm của các đề tài được phê duyệt để tiến tới đưa vào ứng dụng phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hoàng Hải Thụy, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Chi nhánh Phía Nam nhấn mạnh: “Để đạt mục tiêu đề ra, toàn đơn vị cần đẩy mạnh Phong trào Thi đua Quyết thắng, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện “Ba đột phá” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Chi nhánh đã đề ra. Trong đó, phát huy sức mạnh tập thể, lòng yêu nghề, say mê nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học, thực hiện hiệu quả khâu đột phá về nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ, tham gia tích cực vào các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm của quốc gia và Quân đội. Chi nhánh phấn đấu có nhiều đề tài, nhiệm vụ có giá trị khoa học và thực tiễn, đẩy mạnh việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào phục vụ trực tiếp công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và đời sống bộ đội”.

HỒNG GIANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chi-nhanh-phia-nam-trung-tam-nhiet-doi-viet-nga-dot-pha-dua-du-an-de-tai-nghien-cuu-vao-thuc-tien-754528